Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn vở Cô Son

Vở Cô Son đã được công diễn tưng bừng trên sân khấu rạp Đại Nam tối qua 17/9. Đây là đêm diễn khai mạc tuần lễ biểu diễn chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát chèo Hà Nội.

-

NSƯT trong vai Cô Son

Để chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập, Nhà hát chèo Hà Nội tổ chức tuần biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô bắt đầu từ ngày 17/9 đến hết ngày 23/9 vào 20h các đêm với các vở diễn: Cô Son (17/9), Oan khuất một thời (18/9), Ngọc Hân công chúa (19/9), Các chùm hài chèo (20/9), Quan âm Thị Kính (21,9), Quan lớn về làng (22/9), Nàng Sita (23/9). Đặc biệt vào tối 22/9, với diễn Quan lớn về làng (Huy chương vàng Liên hoan chèo hiện đại toàn quốc 2011) sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Nghệ thuật Chèo được biết đến như một sự kết tinh và thăng hoa những giá trị văn hóa Việt. Suốt quá trình phát triển của mình, trong bất kỳ thời khắc lịch sử nào của đất nước, Nhà hát Chèo Hà Nội luôn đem lời ca, tiếng hát của mình phục vụ quần chúng nhân dân, kịp thời khích lệ tinh thần quân và dân thủ đô hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng và chiến đấu bảo vệ tổ quốc, góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ về nghệ thuật truyền thống trong đời sống văn hóa cộng đồng.

60 năm hình thành và phát triển, Nhà hát chèo Hà Nội bao gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành, các tác giả, đạo diễn và những diễn viên, nhạc công cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ Nhà hát các thời kỳ đã lao tâm khổ tứ gìn giữ và trao truyền, phát huy, sáng tạo nghề tổ để thế hệ hôm nay tiếp bước và có quyền tự hào.

Suốt thời gian 60 năm qua, những vở diễn đã được “mặc định” thương hiệu bởi Chèo Hà Nội, như Tấm Cám, Ai mua hành tôi, Thạch Sanh, Tú Uyên Giáng Kiều, Cô Son, Ni cô Đàm Vân, Những cô thợ dệt, Phạm Ngũ Lão, Nàng Si Ta, Người đẹp xứ Tây Lăng, Ngọc Hân công chúa, Người thiên đô, Thái úy Lý Thường Kiệt, Oan khuất một thời,... thực sự là những vở diễn đem lại hiệu ứng sân khấu, tác động mạnh mẽ đến đời sống sân khấu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tình thần của nhân dân thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Nhà hát Chèo Hà Nội tự hào vì có đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc công, họa sĩ tài ba - những tên tuổi của làng Chèo, được nhân dân mến mộ.

Thế hệ diễn viên đầu tiên của Nhà hát: NSND. Hoa Tâm, NSND. Tư Liên, NS. Tuyết Lễ, NS. Hai Sinh, NSND. Trùm Thịnh, NSND. Minh Lý, ông bà Nguyễn Đình Hy, ông bà Ba Nghi, Hoàng Lừu, Nguyệt Tiêm, Hoàng Từ, Cải Sửu, Minh Nguyệt…

Thế hệ thứ hai: NSƯT. Thanh Trầm. Văn Chính, Ngọc Bích, Xuân Quân, Quí Bôn, Kim Khánh, Thanh Chức, Văn Chính, Huy Hoàng, Minh Tiếp, Duy Tân, Tuyết Nga, Minh Toan, Bích Nhuần, NSƯT. Mạnh Phóng, NSƯT. Mạnh Thường, Thanh Tâm, Minh Nguyệt…

Thế hệ thứ ba: NSƯT. Quốc Chiêm, NSƯT. Xuân Hanh, NSƯT. Mai Hương, NSƯT. Thúy Mùi, NS. Lâm Bằng, NSƯT. Quốc Anh, NSƯT. Xuân Hinh, NSƯT. Đức Thuận, NSƯT. Ngọc Ánh, cùng những gương mặt trẻ đầy triển vọng đã từng đoạt giải nhất, nhì, ba tại các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu toàn quốc: NSƯT. Thu Huyền, Minh Nhan, Ngọc Phú, Mạnh Hùng, Hoài Nam, Thanh Hiền, Thu Hằng, Thanh Loan, Quốc Phòng, Phương Mây, Đào Dũng, Lê Tuấn...

Cảnh mở màn vở Cô Son

Nhà hát Chèo Hà Nội là nơi tập trung đội ngũ tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ cùng các cộng tác viên gạo cội của ngành Chèo nói riêng và sân khấu nói chung: thi sĩ - tác giả Trần Huyền Trân, Phùng Văn Chi, đạo diễn - NSƯT. Cao Kim Điển, NSƯT. Phan Hồ, NSƯT. Văn Thịnh, nghệ nhân Ngô Đình Thọ, NSƯT. Đoàn Nhương, NSƯT - nhạc sĩ Ngọc Chung, NS. Vũ Ngọc Quang, NSƯT - họa sĩ Bùi Vũ Minh,… đạo diễn – NSND. Doãn Hoàng Giang, NSND. Lê Hùng, NSND. Dương Ngọc Đức, NSND. Phạm Thị Thành, NSND. Xuân Huyền, GS. Hà Văn Cầu, họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Hàm, Dương Bích Liên, NSND. Bùi Huy Hiếu, Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch Lộng Chương, Hoài Giao, Tô Hoài, Tất Đạt, Xuân Bình, Việt Dung, Ngọc Côn, Triệu Huấn, NSƯT. Lê Chức, PGS.TS. Trần Trí Trắc, GS.TS. Phạm Quang Long, nhà báo Huy Thịnh, ThS. Đăng Chưong, nhạc sĩ - NSƯT. Bùi Đức Hạnh, NS. Hạnh Nhân…

Bên cạnh đó, Nhà hát còn cộng tác với đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà phê bình lý luận để nhận được sự tham góp trong công tác chuyên môn: PGS. Hà Văn Cầu, NNC. Trần Việt Ngữ, PGS. Tất Thắng, PGS.TS. Phạm Duy Khuê, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, TS. Trần Đình Ngôn, PGS.TS. Trần Trí Trắc, ThS. Nguyễn Thị Thanh Phương…

Để có được thành tích như hôm nay, Nhà hát chào Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư trực tiếp của các cấp lãnh đạo, ban, ngành của thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, sự giúp đỡ bởi những người bạn “tâm thành” cùng khán thính giả cả nước luôn dõi theo từng bước đi của Chèo Hà Nội, động viên, khích lệ, tài trợ để Nhà hát thêm điều kiện phát triển, tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa Việt.

Ngày 21/9/2012 tại Rạp Đại Nam - 89 phố Huế sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm trọng thể 60 năm thành lập Nhà hát chèo Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nhân dịp này, Nhà hát chèo Hà Nội cũng chính thức ra mắt website của nhà hát ở địa chỉ: http://cheohanoi.vn/

Một số hình ảnh vở Cô Son:

NSƯT Thu Huyền vai Cô Son

Nghệ sỹ trẻ Ngọc Thắng vai Khóa Hồng

NSƯT Minh Nhan vai thằng hầu

Nghệ sỹ Văn Phú và NSƯT Quốc Thuận

Nghệ sỹ Quang Huy vai Mõ làng

Cảnh Khóa Hồng và Cô Son gặp nhau trong đám hội

Họ tình tứ bên nhau

Tuy nhiên Cô Son đã bị người cha gả gán làm tỳ thiếp của Nhà Vua. Cảnh Cô Son đau đớn chia tay cha để lên kinh thành, trước khi đi cô không được gặp người yêu để chia tay.

13 năm là tỳ thiếp, cô chưa một lần được nhà Vua đoái hoài. Một mình cô quạnh trong phòng vắng, lầu son.

Tuy vậy cô vẫn đẹp đằm thắm, mặn mà

Rồi trong một lần tiếp khách, ngà ngà say, Vua cho vời Cô Son lên để gặp gỡ

Tên Thái Giám xuống thông báo cho Cô Son, nhưng cũng yêu cầu cô phải bịt mắt bằng dải băng đen khi đi gặp nhà Vua vì đó là luật của nhà Vua đối với các tỳ thiếp. Cô Son đã tỏ vẻ bất ngờ và đau khổ.

Trong cung cấm, nhà Vua buông lời âu yếm với Cô Son, nhưng cô đã quyết tâm bỏ dải băng ra để quyết nhìn được mặt chồng mình. Vì thế, nhà Vua nổi giận đã đuổi cô ra khỏi phòng và khép vào tội voi giày ngựa xé.

Tuy nhiên cô Son đã được cận thần xin nhà Vua tha cho tội chết. Nể tình thủy chung của cô Son, nhà Vua tha tội chết và tước bổng lộc rồi đuổi về quê.

Cô Son sung sướng khi thoát được cảnh "cá chậu, chim lồng"

Những cô thôn nữ vui vẻ khi biết tin Cô Son được thả về quê

Cô Son xúc động gặp lại cha già sau 13 năm xa cách

Lúc đó, Khóa Hồng cũng đỗ đạt làm quan và quay trở về cưới Cô Son. Tuy nhiên, nha Vua lại cho người về thông báo, các tỳ nữ bị đuổi về quê sẽ không được phép lấy chồng làm quan, mà phải lấy dân thường. Một lần nữa, tình yêu của Cô Son và Khóa Hồng lại gặp khó khăn.

Quyết tâm lấy được Cô Son, Khóa Hồng đã xin từ chức, cởi bỏ mũ áo quan triều để trở thành nông dân. Tuy nhiên, việc làm của anh lại vi phạm vào luật của nhà Vua, vì thế, Khóa Hồng lại bị đày đi tù một thời gian.

Vậy là họ lại phải chia cắt cùng tiếng kêu xé lòng của Cô Son, cũng là tiếng kêu của một thời lầm than cơ cực của những người dân dưới chế độ hà khắc của thời Vua Chúa phong kiến.

Vở diễn khép lại với tiếng vỗ tay vang dội của khán giả với sự trình diễn xuất sắc của các nghệ sỹ Nhà hát chèo Hà Nội.

Tùng Huy - ảnh Ngô Bá Lục

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/van-hoa/tin-tuc/58_316234/cheo_ha_noi_tung_bung_khai_dien_vo_co_son.html