Chế tạo máy nông nghiệp: cả thập kỷ vẫn "giậm chân tại chỗ"

(HQ Online)- Mặc dù đóng vai trò then chốt trong việc từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp và cũng đã có cả “mớ” chính sách để phát triển, song thời gian dài, việc chế tạo máy móc ngành nông nghiệp vẫn khá ì ạch, chưa có sự chuyển biến đáng kể.

Việc chế tạo máy móc nông nghiệp còn rất ì ạch. Ảnh: ST

Nhập khẩu hơn 70%

Theo ông Chu Văn Thiện, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: Ngành cơ khí nói chung và công nghiệp chế tạo máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản nói riêng hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, trình độ thấp. Máy móc thiết bị phục vụ cho chế tạo còn lạc hậu, tỷ lệ đổi mới thấp, năng lực tư vấn, thiết kết yếu, chủ yếu gia công, lắp ráp. Theo thị phần thị trường máy móc nông nghiệp thì các sản phẩm NK từ một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… chiếm con số áp đảo lên tới gần 70%. Một số loại máy tỷ lệ này còn lên tới 90%. Trung bình, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm ít ỏi từ 15-20%.

“Một vấn đề còn tồn tại đối với các cơ sở chế tạo máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản là mạng lưới hệ thống và dịch vụ bảo hành, sửa chữa vẫn đang thiếu. Người mua khi sử dụng máy nếu xảy ra hư hỏng thì chủ yếu là tự sửa vì không có trạm sửa chữa tại địa phương”, ông Thiện nói.

Trên thực tế, suốt thời gian qua, để phát triển các DN cơ khí chế tạo, trong đó có các DN chế tạo máy phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành gần 30 chính sách liên quan. Điển hình như Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn…

Một số chuyên gia nhìn nhận: Các chính sách này tương đối ưu đãi, tuy nhiên sau khoảng 10 năm triển khai, khả năng đáp ứng của ngành cơ khí mới chỉ đạt khoảng 30%. Nhập siêu của ngành cơ khí lớn hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó giá trị NK máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ càng ngày càng cao (năm 2006 là 6,6 tỷ đồng, năm 2012 là hơn 16 tỷ đồng). Riêng ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp thì gần như “giậm chân tại chỗ”. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, lắp ráp máy động lực và máy nông nghiệp rất ít, chỉ có duy nhất Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam.

Coi chế tạo máy như đầu tư cơ sở hạ tầng

Mặc dù có cả “mớ” chính sách, song tại sao ngành cơ khí nói chung, cơ khí chế tạo máy nông nghiệp nói riêng bao năm vẫn đì đẹt? Về điều này, ông Thiện phân tích: Chính sách đủ đầy nhưng lại thiếu cơ chế để vận hành, nhất là cơ chế tiếp cận nguồn vốn vay. Vì vậy, suốt thời gian qua, chỉ có 2/11 dự án thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm được giải ngân. Hầu hết DN nhỏ và vừa chế tạo cơ khí nông nghiệp chưa tiếp cận được với các nguồn vốn vay từ Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa theo Quyết định số 601/QĐ-TTg cũng như chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp vẫn còn khó khăn do chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển cơ khí chế tạo máy nông nghiệp. Các nhà đầu tư còn lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm và xây dựng các dự án đáp ứng các điều kiện hỗ trợ. Ngoài ra, thiếu rào cản kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn hàng kém phẩm chất và không phù hợp với du nhập từ nước ngoài vào và hàng giả, hàng nhái của các cơ sở làm ăn gian dối trong nước tung ra thị trường cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể.

“Sòng phẳng mà nói, suốt thời gian qua, chính sách có nhiều song chưa có chính sách nào đủ sức hấp dẫn các DN chế tạo máy nông nghiệp đầu tư phát triển. Đứng từ góc độ DN thì các DN chế tạo máy nông nghiệp trong nước cũng chưa xác định đúng tầm quan trọng của việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đầu tư nhỏ giọt, khép kín; chưa quan tâm đúng mức đến nghiên cứu phát triển thị trường (trong nước và khu vực) để có được những liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài có thương hiệu mạnh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thiện nhấn mạnh.

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, để giải quyết bài toán nan giải này, cần thay đổi cách nhìn nhận về chính sách, coi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo cơ khí nói chung và chế tạo máy nông nghiệp nói riêng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế. Từ đó, có cơ chế và chính sách đặc biệt ưu đãi, nhất là chính sách về tài chính, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài… đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Không ít quan điểm cho rằng, phải điều chỉnh một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Cụ thể, điều chỉnh thuế Giá trị gia tăng của máy móc phục vụ nông nghiệp từ 5% thành không chịu thuế, bởi điều này gây bất lợi cho DN chế tạo máy nông nghiệp trong nước vì không được khấu trừ đầu vào (thường là 10%); cùng với đó là có chính sách phù hợp thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế tạo máy nông nghiệp…

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/may-moc-nong-nghiep-ca-thap-ky-van-dam-chan-tai-cho.aspx