Chế độ với người lao động suy giảm khả năng lao động

(Chinhphu.vn) - Ông Văn Phi Long (vphi.long@yahoo...) đề nghị tư vấn về trường hợp của bố ông, sinh năm 1960, làm việc tại Ban thi đua khen thưởng thuộc Sở Nội vụ tỉnh hơn 30 năm, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 30 năm. Nay, do sức khỏe yếu, Sở Nội vụ có văn bản giới thiệu bố ông đi giám định y khoa và kết quả bố ông suy giảm khả năng lao động 65%.

Theo phản ánh của ông Long, Sở Nội vụ căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2006; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ để ra quyết định cho bố ông nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chế độ BHXH, không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Ông Long muốn được biết, việc Sở Nội vụ căn cứ vào Nghị định 152/2006/NĐ-CP cho bố ông nghỉ hưu có đúng quy định không? Bố ông có được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo Nghị định 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ không?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Được nghỉ hưởng chế độ hưu trí trước tuổi

Theo điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật BHXH thì cán bộ, công chức, viên chức là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định tại Luật BHXH.

Tại Điều 51, Luật BHXH quy định: Người lao động đã đóng BHXH đủ 20 trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được nghỉ việc hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Nghỉ hưởng lương hưu, không được trợ cấp thôi việc

Tại Khoản 1 Điều 60 Luật Cán bộ, công chức quy định: Công chức được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động .

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 14 nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ, và hướng dẫn tại điểm b, Khoản 2, Mục III thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: Người lao động nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 145 của Bộ luật Lao động thì không được trợ cấp thôi việc.

Quyền lợi BHXH khi nghỉ hưu trước tuổi

Tại Điều 52, Luật BHXH quy định mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.

Cùng với đó, theo quy định tại Điều 54 Luật BHXH thì người lao động đã đóng BHXH trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.

Trường hợp ông Văn Phi Long phản ánh bố của ông Long sinh năm 1960 là công chức làm việc tại Ban thi đua khen thưởng thuộc Sở Nội vụ tỉnh hơn 30 năm, có thời gian tham gia BHXH bắt buộc 30 năm. Do sức khỏe yếu nên Sở Nội vụ giới thiệu bố ông đi giám định y khoa, kết quả giám định y khoa mất sức lao động 65%.

Theo luật sư, việc Sở Nội vụ căn cứ các điều kiện như: Bố ông Long có tuổi đời trên 50, đã có thời gian tham gia đóng BHXH 30 năm và bị suy giảm khả năng lao động 65% để giải quyết cho bố ông nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi là đúng quy định.

Vì bố ông Long nghỉ việc hưởng lương hưu theo chế độ BHXH, do vậy không được hưởng trợ cấp thôi việc là đúng quy định.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ thì công chức được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp: Có nguyện vọng thôi việc và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý; hoặc công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc. Trường hợp bố của ông Long là công chức do suy giảm khả năng lao động, nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi, không phải là trường hợp công chức thôi việc, do đó không áp dụng trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

Chế độ khi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/che-do-voi-nguoi-lao-dong-suy-giam-kha-nang-lao-dong/20126/140285.vgp