Chế độ ăn uống 'đúng chuẩn' cho người sỏi thận

Chế độ ăn uống cho người sỏi thận là điều bệnh nhân hết sức lưu tâm bởi, dù bệnh đã được chữa khỏi song vẫn có thể tái phát nếu ăn uống không điều độ.

Thức ăn

Nguyên tắc chung là người mắc bệnh sỏi thận cần ăn nhạt, hạn chế tối đa lượng muối hấp thụ vào cơ thể. Những đồ ăn sẵn và thực phẩm đóng hộp đã có sẵn một hàm lượng muối nhất định và nó thường mặn hơn bình thường, người bệnh thận không nên dùng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần cắt giảm tối đa những thực phẩm giàu oxalate - chất có hại cho thận có trong củ cải đường, lạc, socola, rau bina. Một điều mà người bệnh cần nhớ là hạn chế tối đa những thực phẩm chế biến bằng phương pháp chiên xào nhiều dầu mỡ như xúc xích, lạp xưởng, khoai chiên….

Với mỗi loại sỏi khác nhau sẽ có những kiêng kỵ nhất định. Chẳng hạn như với những người bị sỏi cystein thì ăn nhạt nhằm giúp giảm bài tiết cystein trong nước tiểu. Nếu bị sỏi canxi thì cần ăn uống điều độ những thực phẩm giàu canxi như hải sản, sữa, phô mai. Không nên kiêng quá nhưng cũng không nên lạm dụng các thức ăn này. Nếu bị sỏi urat thì cần giảm thịt, nội tạng sống vật, cá đối, nấm và măng trong khi đó cần tăng cường ăn trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa.

Nước uống

Uống ít nước là 1 trong những nguyên nhân phổ biến gây nên sỏi thận. Người sỏi thận phải tuân thủ nguyên tắc uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Và không nên dùng bất kỳ loại nước nào kể cả nước ép hoa quả để thay thế hoàn toàn nước lọc.

 Uống ít nước là nguyên nhân phổ biến gây nên sỏi thận

Uống ít nước là nguyên nhân phổ biến gây nên sỏi thận

Một mẹo nhỏ nữa là hãy để nước ở nhiều nơi trong nhà, những vị trí dễ nhìn thấy nhất để đảm bảo không bị “quên” uống nước. Ngay cả khi không khát nước cũng cần uống nước để pha loãng nước tiểu, góp phần tống khứ viên sỏi ra ngoài nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống nước.

Nước ép hoa quả mặc dù rất tốt nhưng người bệnh thận nên uống điều độ, nên dùng những loại nhiều vitamin C như cam, chanh dâu, cần pha thêm nước lọc khi uống. Những loại quả này cũng rất giàu citrat - chất chống tạo sỏi canxi tự nhiên. Bên cạnh đó, một số loại nước giúp tiểu như nước râu ngô người bệnh cũng có thể sử dụng. Cần tuyệt đối tránh xa trà đặc, cà phê vì chúng ngăn ngừa sự hấp thu canxi khiến canxi phải bài tiết qua đường nước tiểu rất dễ bị sỏi thận.

Các biện pháp theo từng loại sỏi

Sỏi canxi: ở Việt Nam có khoảng 70% - 80% là sỏi canxi, chủ yếu dạng canxi oxalat và canxi phosphat.

Ăn uống điều độ thực phẩm chứa canxi: nếu lượng canxi trong nước tiểu cao quá mức. Canxi có nhiều trong xà lách, cải xoong, hạt dẻ, quả ô-liu, trái vải, mận, hạnh nhân, sữa (các loại), pho-mát, sô-cô-la, đậu trắng, đậu tương, đậu Hà Lan, rau dấp cá, trứng, tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến...

Không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi vì như thế sẽ gây mất cân bằng cơ thể. Việc giảm ăn chỉ cần nghiêm ngặt đối với các món như: sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, kem, pho-mát, yaourt) vì chúng làm tăng sự hấp thu canxi qua ruột. Với canxi trong thuốc, sự hấp thu gần như 100%. Các loại tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến thì thỉnh thoảng dùng cũng không sao.

Giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalate: trà đặc, cà phê, sô cô la, rau muống, dưa chuột, củ cải đỏ, củ niễng, măng tây, dâu tây, trà đặc, me chua, hạt tiêu...

Giảm ăn các thực phẩm có nhiều phosphat: cacao, đậu nành, đậu tương, đậu Hà Lan, cá mòi, bơ (các loại), gan (các loại)...

Nên uống nước cam, chanh, dâu pha loãng: những loại thức uống này chứa nhiều citrat, vitamin C tự nhiên chống tạo sỏi canxi.

Sỏi urat: đây là loại sỏi do biến dưỡng của cơ thể. Vì đặc tính của chúng là hình thành trong môi trrường axít nên việc phòng ngừa phải ngược lại với các loại sỏi khác. Người bệnh phải ăn thực đơn giàu kiềm: ít thịt, nhiều rau cải, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều axit uric: nội tạng động vật, thịt heo, thịt gà, nai, vịt, chim bồ câu, cá chày, cá đối, thịt bò, bê, tôm hùm, bông cải, nấm và măng tây.

Sỏi cystein: cần chú ý hạn chế muối trong khẩu phần ăn nhằm giúp giảm bài tiết cystein trong nước tiểu, ăn nhiều trái cây, rau quả giảm bớt thịt gà, đồ biển... Để điều trị tận gốc bệnh sỏi thận, tránh tái phát cần phải kiểm soát được lượng khoáng chất phát triển trong nước tiểu không được tăng quá mức.

Trong y học cổ truyền, vị thuốc kim tiền thảo và chiết xuất của nó có tác dụng hiệu quả, được ghi nhận cho tới nay. Cơ chế tác dụng của kim tiền thảo là đa cơ chế: ngăn chặn kết tụ sỏi, bào mòn sỏi bài thạch, lâm thông, có tác dụng kiểm soát lượng khoáng chất trong nước tiểu rất tốt nên có tác dụng điều trị và phòng tái phát sỏi thận. Sỏi thận tiết niệu nếu phát hiện sớm, chọn đúng phương pháp điều trị sẽ hết sỏi, không ảnh hưởng đến chức năng của thận, hạn chế tái phát.

Thu Thảo (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/che-do-an-uong-dung-chuan-cho-nguoi-soi-than-d96930.html