Che chắn chồi non giữa 'giông bão' thế kỷ

Trời nghiêng bóng chiều. Cái thành phố tỉnh lỵ Sóc Trăng đầy nắng gió miền Tây này như vẫn còn chưa tỉnh hẳn sau giấc ngủ trưa say nồng.

Trời nghiêng bóng chiều. Cái thành phố tỉnh lỵ Sóc Trăng đầy nắng gió miền Tây này như vẫn còn chưa tỉnh hẳn sau giấc ngủ trưa say nồng. Trong yên ắng thanh bình, câu chuyện với bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Phước Trúc Đào lại cho một cảm giác thanh bình hơn nữa, giữa giông bão HIV/AIDS.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Phước Trúc Đào - Trưởng Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên kiêm Trưởng phòng Khám điều trị ngoại trú ARV (ARV là tên viết tắt của Antriretrovaral - một loại thuốc được chế ra nhằm giảm sự sinh sôi, nảy nở của tế bào HIV trong cơ thể người bệnh). Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 3 phòng khám và điều trị miễn phí ARV đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện Trần Đề và huyện Mỹ Xuyên. BS. Trúc Đào đã phát hiện, điều trị, chăm sóc cho 7 sản phụ nhiễm HIV/AIDS sinh 7 đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Câu chuyện trở lại 4 năm trước. Có hai vợ chồng nông dân hiền lành, chân chất. Chồng đi làm thuê xa, vợ ở nhà làm ruộng và chăn nuôi. Khi người vợ mang thai, đi khám thai định kỳ qua công đoạn tầm soát, Phòng khám ARV Mỹ Xuyên phát hiện dương tính với HIV/AIDS. Cả bầu trời như sụp đổ, người phụ nữ loạng choạng chực ngã. BS. Trúc Đào choàng tay dìu bệnh nhân ngồi ghế, an ủi như với một người em gái của mình: Bình tĩnh đi em, bệnh thì ai cũng có thể mắc phải, nếu em giữ tinh thần lạc quan và tuân thủ nghiêm chỉnh phác đồ điều trị, bệnh cũng không đến nỗi quá lo ngại. Hiện nay, y học đã tiến bộ rất nhiều nên em vẫn có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh, vợ chồng em sẽ vẫn sống bình thường.

BS. Trúc Đào đang tư vấn cho một bệnh nhân.

Cơn sốc của bệnh nhân rồi cũng qua. Người chồng sau đó tự nguyện làm xét nghiệm, kết quả cũng dương tính với HIV/AIDS và được phòng khám ARV Mỹ Xuyên chăm sóc, điều trị hàng tháng.

“Thế đứa con của họ sinh ra có bị nhiễm HIV/AIDS không? Cuộc sống của họ giờ như thế nào?”, tôi nôn nóng. BS. Trúc Đào cười rạng rỡ: Đứa bé khỏe mạnh bình thường, cuộc sống của hai vợ chồng này giờ có phần khấm khá hơn xưa. Chiếc thảm chùi chân trước cửa phòng là sản phẩm của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, tôi mua ủng hộ họ đó!

Tôi thắc mắc: Như bác sĩ nói ban nãy, cả hai vợ chồng bệnh nhân này đều sống lành mạnh thì nguồn lây nhiễm của họ từ đâu đến? BS. Đào lắc đầu: Trong chuyên môn đã phân loại đối tượng nguy cơ cao, thấp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phòng chống thích hợp chứ thực ra ai cũng có thể nhiễm HIV/AIDS cả anh à. Hiện có đến 99% trẻ nhiễm HIV/AIDS là do lây truyền từ mẹ sang con. Theo tìm hiểu của tôi thì trước đây, chồng của sản phụ này lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê, chẳng may bị tai nạn giao thông, có truyền máu. Nhưng đây cũng chỉ là giả thiết thôi, không chắc chắn!

Tôi vặn lại: Các nguồn máu tiếp nhận đều được sàng lọc rất kỹ trước khi truyền cho bệnh nhân? BS. Trúc Đào giải thích: HIV/AIDS có giai đoạn cửa sổ, các xét nghiệm không thể phát hiện ra. Nếu người cho máu mang mầm bệnh trong giai đoạn này thì đành chịu anh ơi!

Phòng chống HIV/AIDS gian nan và người thầy thuốc trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân vướng căn bệnh thế kỷ này phải vất vả, nhọc nhằn biết nhường nào! Thế nhưng, khi trò chuyện, BS. Trúc Đào rất ít đề cập đến những vất vả, nhọc nhằn của bản thân cũng như của đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Chị tâm sự: Đã mang nghiệp vào thân thì xem như kiếp tằm phải nhả tơ thôi anh ạ. Cái trở ngại lớn nhất trong công tác phòng chống HIV/AIDS là sự kỳ thị của một bộ phận cộng đồng đối với người bệnh. Nhiều bệnh nhân không chịu nổi phải bỏ nhà ra ruộng cất chòi ở thoi loi một mình thấy tội nghiệp lắm. Trong khi thực ra HIV/AIDS là một căn bệnh nguy hiểm nhưng khó lây, nó chỉ lây qua 2 đường chính là máu và tình dục. Và nhiễm HIV/AIDS cũng chưa phải là hết bởi nếu tuân thủ đầy đủ và nghiêm chỉnh phác đồ điều trị ARV thì bệnh nhân vẫn lao động, sinh hoạt bình thường.

Trầm ngâm một chút, BS. Trúc Đào trăn trở: Chính sự kỳ thị đã khiến nhiều bệnh nhân chỉ tìm đến sự trợ giúp của y tế trong giai đoạn muộn. Chỉ số CD4 (tế bào bạch cầu chỉ huy) của một người bình thường, âm tính với HIV dao động từ 500- 1.200 tế bào/1mm 3 máu. Thế nhưng đã có bệnh nhân chỉ tìm đến phòng khám ARV khi chỉ số này chỉ còn có... 1 tế bào/1mm 3 .

BS. Trúc Đào lại kể trường hợp khác, trong 7 đứa trẻ ra đời khi người mẹ nhiễm HIV/AIDS, hai vợ chồng cũng là nông dân, làm mướn nay đây mai đó. Khi sinh đứa con đầu lòng, đứa bé bị nhiễm HIV/AIDS. Cả hai mẹ con được điều trị miễn phí ARV đến nay vẫn mạnh khỏe bình thường. Hơn thế, người mẹ tiếp tục sinh 2 con nữa, đều không nhiễm HIV/AIDS. Đây chính là gia đình đang làm thảm chùi chân mà BS. Trúc Đào vẫn thường mua.

Theo tìm hiểu của tôi, đa phần người nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống khó khăn, không ít lần BS. Trúc Đào và các nhân viên phòng khám phải góp tiền túi cho họ mua vé xe về nhà. Còn nghiên cứu xã hội, những người nguy cơ phơi nhiễm cao nhất, ngoài người nghiện ma túy là những người nghèo khổ, tha phương cầu thực.

BS. Trúc Đào không chỉ trực tiếp phát hiện, điều trị cho những người mang căn bệnh hiểm nghèo mà còn che chắn cho những chồi non, sinh linh nhỏ bé ra đời từ những bệnh nhân ấy. Kéo dài sự sống cho người mẹ và chống lây nhiễm từ mẹ sang con. Công việc cực nhọc trăm bề. Nỗi nhọc nhằn vì thế mà sáng đẹp nét nhân văn, tình người cao cả.

Dáng người nhỏ nhắn, nét duyên xuân sắc con gái vẫn đằm thắm trên gương mặt bác sĩ đã 48 tuổi. Chồng của chị cũng công tác chung ngành, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Sóc Trăng nhưng đã qua đời vì một cơn đột quỵ cách đây 4 năm, để lại cho chị đứa con gái nhỏ. Vượt qua đau buồn riêng tư, BS. Trúc Đào luôn làm tốt việc công và việc nuôi dạy con, nhất mực dịu dàng, được đồng nghiệp quý mến.

Câu chuyện quá trưa, BS. Trúc Đào xem đồng hồ, nói: Tôi đã tới giờ hẹn với bệnh nhân, mong anh thông cảm nghen. Tiễn tôi ra cổng, BS. Trúc Đào cứ dặn đi dặn lại rằng thành tích có được là do sự nỗ lực của cả tập thể y bác sĩ mà chị chỉ là một thành viên trong ấy thôi. Tôi cũng mỉm cười đáp lại, mục đích của bài viết không phải ca ngợi những kết quả tuyệt đẹp của BS. Trúc Đào và Phòng khám ARV Mỹ Xuyên mà muốn phản ánh cái Tâm của người thầy thuốc đang giữ một góc cuộc sống yên bình giữa cơn giông bão thế kỷ.

Sóc Trăng, ngày 28/9/2016

Nguyễn Thụy Vũ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/che-chan-choi-non-giua-giong-bao-the-ky-n124253.html