Chế biến gỗ và bán lẻ là hai ngành đang cần sự hỗ trợ nhất

Theo Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng, Việt Nam đã đi từ hội nhập theo chiều rộng đến hội nhập theo chiều sâu, với mức mở cửa và tự do hóa vô cùng ấn tượng, và dư địa chính sách cho các ngành kinh tế ngày càng hẹp lại.

Chuyên gia cho rằng ngành bán lẻ đang rất cần được hỗ trợ

Ông đề nghị các DN, Hiệp hội DN phải xắn tay cùng Nhà nước suy nghĩ về các sáng kiến chính sách đáp ứng được các yêu cầu phát triển, đồng thời cũng phải phù hợp với không gian chính sách đã cam kết.

“Hỏi DN có muốn hỗ trợ không chẳng khác nào hỏi người đang đói có muốn ăn không?”- Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) ví von. Vấn đề còn lại là Nhà nước có muốn hỗ trợ và có khả năng hỗ trợ? Đã từng chính sách hỗ trợ chưa? Có hiệu quả không?

Theo Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, Việt Nam cũng đã và đang có nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ các ngành kinh tế. Mặc dù vậy, thời gian qua, dường như vẫn có sự lúng túng nhất định trong việc xác định các ngành, lĩnh vực cần tập trung hỗ trợ cũng như trong việc tìm kiếm các chính sách hỗ trợ vừa bảo đảm hiệu quả, vừa tuân thủ đúng cam kết.

Không phải không có lý do nhóm nghiên cứu đề xuất ngành chế biến gỗ và ngành bán lẻ là hai ngành cần có sự hỗ trợ nhất.

Ngành chế biến gỗ hiện là ngành đang có sự phát triển rất mạnh, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 6 lần trong vòng 10 năm (2004- 2014) và là ngành duy nhất cán đích mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trước 5 năm (năm 2015 đã đạt kim ngạch xuất khẩu 6,9 tỷ USD trong khi mục tiêu năm 2020 là 7 tỷ USD). Còn ngành bán lẻ, một ngành khá lớn với quy mô 50% DN có hoạt động bán lẻ, 1.750 dự án FDI trong lĩnh vực bán lẻ chuyên sâu, chưa kể 2 triệu hộ kinh doanh bản lẻ.

“Có 2 luồng quan điểm: Một là hỗ trợ những ngành, DN yếu để nó phát triển lên một chút rồi thôi; Hai là hỗ trợ những ngành, DN mạnh để nó phát triển mạnh hơn như một đầu tàu kéo các ngành, các DN khác phát triển!”, Bà Trang nêu vấn đề.

Tuy nhiên, theo bà Trang hỗ trợ như thế nào có hiệu quả khi mà nguồn lực nhà nước luôn thiếu và dư địa chính sách đang hẹp dần theo cam kết hội nhập.

Phát triển mạnh nhưng ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang đối mặt với một loạt rủi ro tiềm ẩn. Đó là: Rủi ro liên quan tới khả năng đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu; Rủi ro xuất phát từ việc thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung; Rủi ro trong bảo đảm tuân thủ pháp luật về lao động; Rủi ro do thiếu hiểu biết về các quy định của các thị trường xuất khẩu; Và rủi ro phát sinh từ những hạn chế trong khả năng kiểm soát các yếu tố thị trường có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

Với ngành bán lẻ, theo TS Đinh Thị Bích Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), với vai trò là khâu kết nối không thể thiếu được giữa sản xuất với tiêu dùng, sự vận hành của hoạt động bán lẻ có ý nghĩa quan trọng với các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở cả góc độ sản phẩm đầu ra, các yếu tố đầu vào và tỷ suất lợi nhuận.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt với việc Việt Nam tham gia TPP và EVFTA, hai hiệp định có cam kết mạnh trong mở cửa thị trường bán lẻ cũng như xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa, ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà bán lẻ lớn trên thế giới khiến các nhà bán lẻ Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tuy không gian chính sách bị thu hẹp đáng kể trong một số lĩnh vực nhưng phần còn lại để phát triển vẫn còn rộng lớn, nhất là khi Việt Nam là một nước đang chuyển đổi nên trong các hiệp định, chúng ta vẫn được các nước khác nhân nhượng. Vấn đề là Việt Nam nên chủ động thiết kế các chính sách cần thiết và có lợi cho DN hoặc các ngành sản xuất trong nước.

Theo bà Lan, cả Chính phủ và DN cần phải tận dụng dư địa này, đặc biệt là là Chính phủ, bởi “Chính phủ thiết kế chính sách” và bà cũng lưu ý thời gian không còn nhiều nữa… “Tôi lấy làm tiếc vì đến nay, một số người làm ở các cơ quan nhà nước chưa có được sự hiểu biết đầy đủ, ngộ nhận về chính sách. Báo chí không ít lần phản ánh khi DN đề xuất vấn đề nọ kia thì được các công chức ở bộ ban ngành ráo hoảnh “cái này chúng ta đã hội nhập rồi, không được làm vậy…”, trong khi có phải vậy đâu, là họ hiểu sai, vẫn còn những không gian để chúng ta làm...” bà Chi Lan chia sẻ.

Theo chuyên gia này, hỗ trợ không phải bằng vật chất, mà Chính phủ phải tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng minh bạch, phải kết nối các nguồn lực. “Hội nhập có nghĩa sống trong thế giới kết nối. Nếu chúng ta chỉ kết nối bên ngoài mà bên trong không được thì thua là cái chắc…”, bà Lan nhận định.

Linh Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/che-bien-go-va-ban-le-la-hai-nganh-dang-can-su-ho-tro-nhat-298368.html