Cháy sáng khát vọng nâng tầm cây thuốc Việt

Ngày 11/10/2016, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã lần đầu công bố chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC giúp nâng cao thể trạng...

Ngày 11/10/2016, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã lần đầu công bố chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC giúp nâng cao thể trạng, giảm độc tính sau hóa trị xạ trị ung thư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong và sau quá trình bệnh nhân điều trị ung thư, đánh dấu một bước đi mới trong lĩnh vực ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân ở Việt Nam. Đề tài do TS. Hà Phương Thư (Trưởng phòng Nano Y Sinh - Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu. Nhưng không mấy ai biết rằng, để tạo được dấu ấn này, là có sự hỗ trợ thầm lặng của một người luôn hết lòng vì cây thuốc Việt: Dược sĩ Phan Văn Hiệu. Bởi thế, TS. Hà Phương Thư chia sẻ: Nếu không có sự hợp tác tích cực của ThS. Phan Văn Hiệu, thì mãi mãi tôi sẽ không thể biến khát vọng thành hiện thực để có thể làm ra được sản phẩm gì, mà chỉ dừng ở nghiên cứu cơ bản.

Biến giấc mơ thành sự thật

Chính ThS. Phan Văn Hiệu đã chủ động gặp TS. Hà Phương Thư sau khi chị nhận Giải thưởng L’Oreal UNESCO cho đề tài “Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư”, để đề nghị hợp tác. Niềm say mê khoa học và tin tưởng lẫn nhau của những người hết lòng vì khoa học đã nhanh chóng tạo nên sự gắn kết và chia sẻ. Bằng sự hiểu biết sâu sắc về cây thuốc Việt, cũng ThS. Phan Văn Hiệu đã gợi ý cho TS. Hà Phương Thư bài thuốc Hắc hoàng kỳ phương của Tây Tạng có thành phần từ củ nghệ vàng và tam thất, được lưu truyền có tác dụng hỗ trợ điều trị tốt cho bệnh ung thư, để nghiên cứu phát triển thành dạng bào chế và làm rõ cơ sở khoa học của bài thuốc. Bằng công nghệ nano, TS. Hà Phương Thư đã khắc phục được những điểm yếu của hoạt chất curcumin quý trong cây nghệ vàng là ít tan, hấp thu kém, đồng thời, phối hợp với saponin chiết xuất toàn phần từ tam thất, fucoidan từ rong nâu thành phức hệ nano FGC, vừa khắc phục được nhược điểm của mỗi dược chất, vừa phát huy tác dụng, nâng cao hiệu quả so với dùng từng loại riêng, giúp nâng cao thể trạng cho người bệnh trong quá trình điều trị ung thư.

ThS. Phan Văn Hiệu.

Hiểu rõ những thách thức của việc nghiên cứu khoa học, giữa suy luận logic trên lý thuyết với thực tế, nhưng vượt nên tất cả là tâm huyết và niềm tin, hiểu rõ những giá trị của cây thuốc dân gian cũng như những kết quả đã được công bố quốc tế trong các công trình nghiên cứu khoa học của TS. Hà Phương Thư về hệ dẫn thuốc nano trong điều trị ung thư, Công ty của Hiệu đã mạnh dạn đầu tư để TS. Hà Phương Thư nghiên cứu trong suốt hơn 2 năm phức hệ nano FGC để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cumargold Kare.

Sau thành công về nghiên cứu bào chế, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm các tác dụng sinh học trên ung thư tại Học viện Quân y. Từ các kết quả tích cực chứng minh tác dụng ức chế sự phát triển của khối u trên dòng tế bào ung thư vòm họng, vú, phổi, gan và tuyến tiền liệt người, nhóm tiếp tục thực hiện trên động vật với mô hình nghiên cứu tiên tiến, đảm bảo kết quả khách quan, khoa học, được thế giới công nhận. Việc thử nghiệm không tiến hành trên chuột bạch, mà là trên chuột thiếu hụt miễn dịch (chuột nude mice) được cấy ghép mang khối ung thư phổi người. Suốt quá trình thử nghiệm, ThS. Phan Văn Hiệu hồi hộp theo dõi từng ngày và niềm vui như vỡ òa khi PGS.TS. Nguyễn Lĩnh Toàn, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y, cho biết kết quả rất khả quan: Phức hệ nano FGC có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư, đặc biệt trên dòng tế bào ung thư phổi A549, ung thư gan Hep-3B, ung thư vòm họng HTB-43. Trên chuột nude mang khối ung thư phổi người, đồng thời có tác dụng ức chế khối u phát triển, khi dùng đối chứng với nhóm chuột sử dụng doxorubicin đơn độc và nhóm chuột sử dụng doxorubicin phối hợp với phức hệ nano FGC đã làm tăng tỷ lệ sống sót so với nhóm chứng. Đặc biệt phức hệ nano FGC cũng có khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu.

Thành công của Cumargold Kare đã thêm một lần chứng minh hướng đi của ThS. Phan Văn Hiệu là đúng đắn: đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng vào thực tiễn, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao từ cây thuốc dân gian Việt Nam, giúp người dân được sử dụng với chất lượng cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát triển và gắn nghiên cứu với phục vụ cuộc sống. Trước đó, năm 2013, anh đã hợp tác với các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để nghiên cứu và ứng dụng nano vào sản xuất dòng sản phẩm Cumargold chứa nano curcumin chiết xuất từ cây nghệ vàng, tạo nên bước đột phá mới trong hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày, bệnh xương khớp, gan mật... và được thị trường đón nhận.

Đam mê cây thuốc Việt

Để có được những sản phẩm có chất lượng cao, có nguồn gốc hoàn toàn từ cây thuốc Việt đang giúp cho rất nhiều người bệnh thêm hy vọng chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo, là một hành trình đầy hy sinh và kéo dài trong nhiều năm của ThS. Phan Văn Hiệu - chàng trai vừa “say” cây thuốc Nam, vừa đam mê nghiên cứu khoa học.

Tuổi thơ của Phan Văn Hiệu thấm đẫm hương thơm nồng nàn của sả, bạc hà, hương nhu của những cánh đồng chuyên canh dược liệu ở Khoái Châu, Hưng Yên. Không phải một lần, đứng giữa màu xanh bạt ngàn của những vườn thuốc Nam, cậu bé Hiệu thầm ước một ngày nào đó, sẽ làm cho những cây thuốc dân dã này trở thành những loại thuốc quý chữa bệnh cho bà con, thậm chí, xuất khẩu ra nước ngoài với thương hiệu thuốc Việt. Ước mơ ấy đã lớn dần theo năm tháng, thành khát vọng dẫn anh vào Đại học Dược.

Dù không có điều kiện chuyên tâm học hành khi phải vừa học, vừa làm thêm nhiều việc để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng với niềm đam mê cộng với sự thông minh và chăm chỉ, Phan Văn Hiệu đã luôn là một tấm gương nổi bật trong top đầu ở Trường đại học Dược. Từng là Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Dược Hà Nội, là thủ lĩnh phong trào sinh viên đại học, tham gia dẫn dắt nhiều hoạt động của phong trào sinh viên, đồng thời vẫn dành thời gian thực tập làm nghiên cứu khoa học. Với kết quả học tập luôn trong top đầu của khóa, Hiệu đã được nhận nhiều học bổng, đặc biệt là học bổng Furyo danh giá của Chính phủ Nhật.

Quý mến câu học trò thông minh, đam mê nghiên cứu, GS.TS. Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội đã hướng dẫn, chỉ bảo cho anh rất nhiều về thuốc Nam và những giá trị đặc biệt của cây thuốc Việt. GS.TS. Phạm Thanh Kỳ chính là người đã truyền cảm hứng mạnh nhất cho Hiệu để anh luôn khao khát gắn bó bền chặt với cây thuốc Nam.

Bởi thế, ra trường, dù quyết định từ bỏ cơ hội trở thành giảng viên của Trường đại học Dược, tạm gác giấc mơ gắn bó với khoa học để lo cho cuộc sống, ThS. Phan Văn Hiệu vẫn không nguôi khát vọng được nâng tầm cây thuốc Việt. Và, sau 10 năm, mặc dù đã cùng đồng nghiệp tạo dựng một công ty dược phẩm lớn mạnh, có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm cùng với 5 công ty thành viên và hệ thống phân phối khắp cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 200 nhân viên, khát khao đưa cây thuốc Nam giá trị thấp thành các sản phẩm có giá trị vẫn cháy bỏng trong anh.

Lớn lên từ vùng trồng cây thuốc Nam, Hiệu hiểu hơn ai hết về tiềm năng to lớn của cây thuốc Nam, khi nước ta có rất nhiều cây thuốc quý và kho tàng tri thức bản địa được kết tinh ở các bài thuốc dân gian có giá trị thực tiễn, kinh nghiệm sử dụng phong phú, đã truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ ở phạm vi nhỏ hẹp, dạng sử dụng không thuận tiện, chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, cách chế biến bài thuốc và không lượng hóa được hiệu quả. Vì thế, chỉ áp dụng khoa học vào những bài thuốc, cây thuốc dân gian, mới có thể mang những sản phẩm này phục vụ đông đảo người dân.

Sau nhiều đêm đấu tranh tư tưởng, Phan Văn Hiệu đã có một quyết định táo bạo: Rời bỏ vị trí CEO tại công ty đã làm nên tên tuổi của mình với mức thu nhập “khủng” hàng chục nghìn USD/tháng, để thực hiện mơ ước của mình bằng mô hình mới đầy mạo hiểm và rủi ro: Phát triển các sản phẩm phục vụ việc điều trị người bệnh bằng nguồn dược liệu sẵn có từ việc áp dụng các thành tựu khoa học để nâng cao giá trị và tầm vóc của cây thuốc Nam truyền thống. Anh không chọn các bài thuốc Đông y sẵn có, vì không muốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.

Cùng với người bạn thân là dược sĩ Nguyễn Trường Thành, cả hai thành lập Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, với định vị kết nối trí tuệ của các nhà khoa học, ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ cao, tiên tiến vào việc nâng tầm giá trị các cây thuốc quý, có giá trị đã được thế giới thừa nhận cũng như người dân có hiểu biết, kinh nghiệm sử dụng phong phú, thành các dạng bào chế hiện đại.

ThS. Phan Văn Hiệu chia sẻ: Trong khi năng lực nghiên cứu và nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này của doanh nghiệp rất khó khăn, thì nhiều kết quả nghiên cứu tâm huyết của các nhà khoa học sau khi nghiệm thu thường để “trong ngăn kéo”, rất lãng phí. Vì thế, tìm kiếm các công trình khoa học có khả năng ứng dụng, để hợp tác chuyển giao, nhằm đưa những nghiên cứu khoa học vốn chỉ nằm trên giấy ứng dụng vào thực tiễn, hoặc đặt hàng các nhà khoa học, giúp doanh nghiệp rút ngắn được quá trình phát triển sản phẩm mới, sẽ đem lại lợi ích cho cả nhà khoa học - người bệnh - người trồng dược liệu.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, Hiệu và dược sĩ Nguyễn Trường Thành đã phát hiện Đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano sản xuất các hệ dẫn thuốc tan trong nước của các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiệm thu từ lâu, nhưng không được ứng dụng. Hiệu đã mạnh dạn đề xuất các tác giả ứng dụng vào việc sản xuất nano curcumin - chiết xuất từ củ nghệ vàng - để hỗ trợ điều trị bệnh.

“Đứa con đầu lòng” của mô hình hợp tác này là sản phẩm Cumargold đã trở thành sự kiện KHCN gây dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam, được truyền thông trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Công trình này còn lọt vào danh sách 10 thành tựu KHCN tiêu biểu năm 2013 của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.

Thành công trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật với nghệ, rồi tam thất và rong biển càng động viên ThS. Phan Văn Hiệu và tập thể các nhà khoa học trong việc xác định hướng đi. Giờ đây, anh và các đồng nghiệp, các nhà khoa học tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu chế tạo sản phẩm từ quả gấc rất phổ biến ở Việt Nam, trong khi rất ít nước có. Đây là loại quả có hoạt tính lycopen cao nhất trong các loại quả, mà lycopen có thể hỗ trợ chữa nhiều bệnh như ung thư hay đào thải độc tố...

Tuy nhiên, đầu tư cho bào chế và sử dụng lycopen cũng đầy thử thách. Theo ThS. Phan Văn Hiệu, việc bào chế cực kỳ khó do lycopen là chất chống ôxy hóa mạnh nhưng cũng bị ôxy hóa rất nhanh. Lycopen tan trong dầu nhưng lại không tan trong nước. Những vấn đề này đòi hỏi có sự can thiệp của công nghệ mới giải quyết được các vướng mắc và khi đó, tiềm năng từ quả gấc là rất lớn.

DS. Phan văn Hiệu cho biết, thế giới đã bào chế thành công lycopen dưới dạng công nghệ nano, hoàn toàn tan trong nước, được ứng dụng sản xuất các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến, nâng cao sức khỏe với giá thành rất đắt: một lọ 60 viên chứa lycopen dạng nano, chiết xuất từ cà chua và resveratrol vỏ nho của Singapore giá tới 1.500USD, hay dùng trong mỹ phẩm chống lão hóa da cao cấp của Nhật giá đến vài trăm USD/tuýp. Nếu hướng nghiên cứu này thành công, giá trị quả gấc đầy tiềm năng của Việt Nam sẽ được nâng lên gấp bội, mở ra cơ hội làm giàu cho bà con nông dân.

ThS. Phan Văn Hiệu tại vườn trồng tam thất Bắc (huyện Si Ma Cai, Lào Cai).

Chẳng đường nào dạo bước trên hoa hồng

Định hướng nghiên cứu của Hiệu là tập trung vào các cây thuốc chứa các dược chất đã được thế giới chứng minh, như củ nghệ, tam thất, gấc... là các vị thuốc được người dân sử dụng hàng ngàn năm với kinh nghiệm sử dụng phong phú, hay rong biển đã được người Nhật sử dụng từ nhiều thế kỷ trước. Từ việc phát huy các giá trị đã được thừa nhận, anh và các nhà khoa học đưa khoa học vào giải quyết những trở ngại trong chiết xuất, làm giàu dược chất, dùng công nghệ bào chế hiện đại cải thiện sự hấp thu của từng dược chất (như tính khó tan trong nước, khó hấp thu của curcumin trong nghệ, chiết xuất saponin toàn phần từ tam thất hay khắc phục tính dễ bị ôxy hóa của lycopen trong gấc...), giúp gia tăng giá trị của cây thuốc Việt.

Tuy vậy, việc đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu để có các sản phẩm mới đầy mạo hiểm, khi việc thành - bại chỉ cách nhau gang tấc, vì không phải đề tài nào cũng có thể thành công. Nếu thất bại, cả tỷ đồng đầu tư nghiên cứu và đánh giá kết quả sẽ đổ xuống sông xuống bể. Vì thế, nhiều nhà khoa học có kết quả nghiên cứu rất tốt, nhưng không thể sản xuất đại trà được, vì khi nâng quy mô từ sản xuất thí nghiệm lên quy mô sản xuất thử nghiệm, rồi quy mô sản xuất công nghiệp có thể làm chất lượng hay các thông số kỹ thuật thay đổi, trong khi yêu cầu chất lượng phải ổn định và giá thành giảm. Cũng có khi, đặt hàng mãi mà vẫn không thể nghiên cứu được, như ThS. Phan Văn Hiệu đã đặt hàng bào chế lycopen từ quả gấc nhiều năm qua vẫn chưa thành công. Vì về lý thuyết công nghệ là thế, nhưng để chiết xuất quy mô lớn lycopen dạng tinh thể ổn định, không bị phân hủy đã khó, mà thành lycopen nano còn khó gấp bội.

Bên cạnh đó, thuyết phục các nhà khoa học hợp tác chuyển giao thành quả nghiên cứu đầy tâm huyết và đầu tư lớn của họ là một thách thức. Phải mất nhiều thời gian làm việc và xây dựng niềm tin, bằng sự đam mê và trân trọng thành quả khoa học, bằng việc triển khai các đề tài thành các sản phẩm có chất lượng và thương hiệu trên thị trường, anh và đồng nghiệp mới thực sự chinh phục được các nhà khoa học, để họ coi công ty của anh là địa chỉ uy tín “chọn mặt gửi vàng” ứng dụng các đề tài vào thực tiễn.

Việc đầu tư còn phải đối mặt với những thách thức trong thay đổi thói quen và nhận thức của người tiêu dùng. Các sản phẩm làm từ cây cỏ có sẵn trong nước, như nghệ, tam thất, gấc... được đầu tư KHCN nên hiệu quả cao hơn nhiều, do đó giá thành cũng cao hơn, nhưng người dùng không dễ đón nhận. Hơn nữa, nhiều người tin rằng, dùng bột tam thất, bột nghệ, quả gấc như thực phẩm cũng tốt lại rẻ tiền, mà hoàn toàn không biết rằng các hoạt chất của nghệ và tam thất không tan trong nước nên không hấp thu được, hay lycopen trong dầu gấc hàm lượng thấp lại bị phá hủy nên khó hấp thụ.

Đầu tư KHCN nên giá thành cao, rất dễ gặp rủi ro về thị trường. Trong khi sản phẩm mới cần một quãng đường dài với việc tiếp cận bài bản mới hy vọng thành công. Mà, trên quãng đường ấy vẫn luôn đầy thử thách, dễ khiến nhụt chí khi để có được một sản phẩm, phải đầu tư rất nhiều tâm sức, tiền của và thời gian, nhưng đưa ra thị trường chưa được bao lâu đã bị làm nhái, ăn theo một cách trắng trợn. Thiếu hàng rào bảo vệ quyền sở hữu hữu hiệu, nên ThS. Phan Văn Hiệu mới chỉ dám dừng lại ở việc phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ thiên nhiên.

Tuy thế, anh khẳng định, trong lĩnh vực nghiên cứu bào chế những dạng thuốc mới, như thuốc dạng nano hay liposome, các nghiên cứu bán tổng hợp dược chất... tiềm năng nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam không hề thua kém các nước. Nhiều đề tài làm xong không thể ứng dụng do cần hành trình làm các thử nghiệm lâm sàng, đòi hỏi không chỉ đầu tư tiền của, mà còn cần hành trình dài 5-10 năm với bao quy định ngặt nghèo. Doanh nghiệp không dám đầu tư khi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các thủ tục cấp phép cho vấn đề này còn phức tạp và đầy rủi ro.

Với khát vọng khoa học luôn rực cháy, đặc biệt là niềm đam mê, trân trọng những giá trị truyền thống trong lĩnh vực dược học của ThS. Phan Văn Hiệu, hy vọng không xa nữa, ước mong có được những sản phẩm thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo của anh sớm thành hiện thực, để cứu chữa thêm nhiều người bệnh. Đêm đêm, anh vẫn lặng lẽ làm việc trong căn phòng nhỏ có khi tới sáng, như muốn chạy đua với thời gian để chiếm lĩnh thành công khoa học...

Rõ ràng, với hướng đi đúng đắn của ThS. Phan Văn Hiệu là đưa khoa học vào soi sáng những cây thuốc và bài thuốc dân gian, anh đã không chỉ kế thừa được tri thức bản địa, phát huy được tiềm năng của cây thuốc, mà còn góp phần giảm “chảy máu ngoại tệ”, giảm nhập các sản phẩm từ nước ngoài. Các nhà khoa học cũng có “đất” để thể hiện tài năng và gắn nghiên cứu phục vụ cuộc sống, thay vì nhiều công trình được nghiên cứu bằng trí tuệ của những con người ưu tú trong thời gian dài, lại chỉ có giá trị “nằm đắp chiếu”. Chắc chắn, người bệnh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi có điều kiện tiếp cận các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo, chứ không chỉ là quyền lợi của người giàu như hiện nay khi giá sản phẩm rất cao do phải nhập từ nước ngoài.

Dạ Miên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chay-sang-khat-vong-nang-tam-cay-thuoc-viet-n124542.html