Cháy nhà ra... cái sự liều

Liên tiếp những vụ cháy kinh hoàng diễn ra từ trong thời gian ngắn và gần đây nhất là vụ hỏa hoạn khiến nhiều người thương vong ở quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã dấy lên hồi chuông cảnh báo. Nguyên nhân bắt nguồn từ tấm biển quảng cáo có kích thước lớn tuy đẹp mã, sang trọng nhưng luôn tiềm ẩn những hậu quả khó lường. Chỉ đến khi mọi chuyện đã rồi dư luận mới đặt ra câu hỏi: Có hay không những quy định pháp luật đang bị buông lỏng để dân cố tình vi phạm?

Hiện trường tan hoang sau đám cháy kinh hoàng ở quán Karaoke trên phố Trần Thái Tông.

Vụ cháy lớn trên đường Nguyễn Khang vào giữa tháng 9 mới đây khiến nhiều người chưa kịp hoàn hồn thì ngày 01/11 trên quận Cầu Giấy tiếp tục xảy ra thêm 1 vụ cháy quán karaoke nữa khiến nhiều người thương vong, 4 ngôi nhà gần nhau đều phủ 1 màu đen kịt, nhiều tài sản có giá trị bị thiêu rụi và đường phố vương vãi đầy rác, tro tàn. Các cơ quan chức năng và đơn vị phòng cháy chữa cháy được huy động kịp thời để xử lý đám cháy.

Vụ cháy kéo dài nhiều giờ làm 13 người tử vong.

Theo chuyên gia Nguyễn Đăng Ninh nguy cơ tiềm ẩn từ những tấm biển hiệu đẹp và vô cùng bắt mắt vô cùng lớn, vốn dĩ được làm từ chất liệu dễ cháy như bạt hiflex hay polycacbonat. Nhiều khi chỉ cần một điểm bắt lửa là lan khắp các tầng, sở dĩ cũng 1 phần do các quán karaoke luôn được bọc cách âm bằng những vật liệu dễ cháy, những mối điện nối vào tấm biển quảng cáo được vặn xoắn thủ công và lỏng lẻo, đẹp mã bên ngoài nhưng chắp nối bên trong. Chính vì thế hiểm họa cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, các văn bản pháp luật quy định khá cụ thể về đặt bảng quảng cáo công trình, nhà ở riêng lẻ. Thông tư số 19/2013/TT-BXD quy định vị trí đặt quảng cáo ốp sát mép tường đứng với quảng cáo dọc, ốp sát vào ban công, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên, có kích thước hạn chế rõ ràng.

Ở Việt Nam nói chung và đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng, nguy cơ sẽ còn bị cháy nhiều nữa nếu các cơ quan quản lý tiếp tục duy trì các biển quảng cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh như hiện nay. Quan điểm chung của các hộ kinh doanh thì việc lắp đặt những tấm biển bắt mắt, kích thước càng to, càng màu sắc thì càng thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng. Cũng chính vì thế mà việc lách luật để làm những tấm biển hiệu lớn, bất chấp nguy hiểm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể đến mỗi ngày. Lực lượng cứu hỏa thực thi vô cùng vất vả khi tiếp cận những công trình này bởi hệ thống khung xương của biển bịt kín các lối vào.

Trên thị trường hiện nay có 2 loại biển quảng cáo khá phổ biến đó là biển chiếu sáng từ ngoài vào và biển chiếu sáng từ trong ra. Loại chiếu sáng từ trong ra đang là nguyên nhân gây ra các vụ cháy thương tâm khiến nhiều người thiệt mạng trong thời gian gần đây. Công nghệ chiếu sáng của loại biển này là dùng đèn tuýp hoặc đèn led, những người thợ làm biển không có chuyên môn cao, mắc nối nguồn điện chằng chịt, chỉ cần mối nối không chặt là điểm nối sẽ phát nhiệt, nung nóng cả sợi dây đồng, thêm vào đó là sự tính toán phụ tải không chính xác, sử dụng kích cỡ chủng loại dây dẫn không hợp lý và vật liệu rẻ để tăng thêm nguồn lợi. Chưa hết, những tấm biển này còn không đạt tiêu chuẩn chống chọi những yếu tố khách quan như chống ngấm nước, chống sự xâm nhập của các loài động vật gặm nhấm, chống sự lão hóa của điều kiện thời tiết ở Việt Nam như mưa nắng thất thường.

Việc quản lý và kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy ở các quán karaoke không nghiêm ngặt, thêm vào đó là việc thiếu các loại dụng cụ chữa cháy như bình cứu hỏa và cách cấp cứu khi cháy nên khi hỏa hoạn xảy ra, nạn nhân tìm ra cách xử lý và thoát hiểm là vô cùng khó. Trước thảm cảnh này, rất cần các cơ quan chức năng thiết lập lại việc quản lý, lập lại trật tự trong việc sản xuất và lắp đặt các loại biển quảng cáo. Cần xử phạt nghiêm các hộ kinh doanh sử dụng những loại biển quảng cáo sai kích thước, không đảm bảo an toàn để hạn chế tối đa xảy ra những vụ cháy kinh hoàng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Luật sư Hoàng Nguyên Bình: Hầu hết các biển quảng cáo đều sai luật

Đối chiếu với quy định của luật quảng cáo, tại điều 34 quy định: Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh

3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Theo tôi nếu đối chiếu với quy định của pháp luật nói trên thì toàn bộ các biển quảng cáo của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kin doanh hiện tại hầu hết là sai luật. Còn lý do vì sao sai mà vẫn tồn tại, lý do vì sao làm được những biển quảng cáo đó mà nhà chức trách lờ đi thì không nói thì chúng ta cũng biết.

Nếu bỏ qua vấn đề luật lá, thì có lẽ chẳng có nơi đâu liều như Việt Nam, nhà hình ống có mỗi mặt tiền để thoát hiểm thì làm biển quảng cáo che hết mặt tiền tức là chắn hết lối thoát hiểm. Điều đó có nghĩa là tự mình giết mình.

Hà Đào (Tổng hợp)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/chay-nha-ra-cai-su-lieu.html