Châu Phi dùng trí tuệ nhân tạo bắt kẻ săn bắt động vật trái phép

Nhờ hệ thống camera ảnh nhiệt và trí tuệ nhân tạo, kiểm lâm tại Kenya có thể bắt giữ nhiều kẻ săn bắt động vật hoang dã trái phép hơn.

Linh dương đầu bò, hà mã, lợn warthog của Nam Kenya từ nay có thể bớt lo lắng đôi chút. Đó là vì những người ủng hộ động vật hoang dã đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống hệ đại hơn để xác định và bắt giữ những kẻ săn trộm. Công nghệ giúp họ tiến hành nhiều vụ bắt giữ lẽ ra không thể làm được.

Ông Brian Heath, Giám đốc Mara Conservancy tại Kenya, tin rằng việc tăng cường sử dụng công nghệ tại châu Phi có thể cải thiện đáng kể nỗ lực chống săn bắt trộm. “Cán bộ kiểm lâm của chúng tôi hiện tại cảm thấy hoàn toàn bất lợi và thiệt thòi nếu thiếu nó. Họ được trấn an nhờ có công nghệ và có khả năng nhìn và nhận diện con người, động vật tốt hơn”.

Ông Heath, trong quan hệ hợp tác với Tổ chức Động vật hoang dã thế giới, dựa vào camera ảnh nhiệt, dùng trí tuệ nhân tạo để xác định động vật và kẻ bắt trộm ở khoảng cách tối đa 1km. Kiểm lâm gắn camera trên nóc chiếc Land Rover và đỗ xe ở những khu vực kẻ săn trộm thường lui tới. Chiếc xe được che phủ bằng một tấm bạt để không bị lọt ánh sáng ra khỏi xe. Camera cảm nhận nhiệt phát từ con người và phân biệt với thú dựa theo hình dạng của chúng. Nó cũng dùng cách tương tự để xác định động vật.

Phạm vi của camera mở rộng vùng đất kiểm lâm có thể bảo vệ hiệu quả.

Trong xe, kiểm lâm theo dõi video, phân loại các đối tượng theo khoảng cách. Khi phát hiện kẻ săn trộm, họ gọi cho đồng nghiệp rồi hướng dẫn họ tiếp cận bọn chúng.

Ông Heath dùng công nghệ chủ yếu dọc biên giới với Tanzania và công viên quốc gia Serengeti, nơi ông đánh giá nạn săn bắt trộm tồi tệ nhất. Dù vậy, hệ thống không hoàn hảo. Chẳng hạn, đôi khi nó nhầm giữa kiểm lâm và kẻ săn trộm vì họ có hình dáng giống nhau. Song, điều đó không cản trở công việc của kiểm lâm vì họ biết đồng nghiệp của mình đứng ở đâu.

Kể từ khi quản lý Mara Conservancy gần 16 năm trước, ông Heath đã bắt giữ hàng ngàn kẻ săn bắt trái phép. Khoảng 8 năm trước, những kẻ này không dùng đèn pin nữa vì dễ bị phát hiện. Giải pháp mới hiệu quả hơn các giải pháp tầm nhìn ban đêm khác.

Tổ chức Động vật hoang dã cũng thử nghiệm công nghệ vào mùa thu năm 2016 để xác định kẻ săn bắt trộm qua máy bay tự hành tại Zimbabwe và Malawi.

Du Lam (Theo CNN)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/chau-phi-dung-tri-tue-nhan-tao-bat-ke-san-bat-dong-vat-trai-phep-148124.ict