Cháu bé 7 tuổi đã mắc bệnh dạ dày: BS cảnh báo loại vi khuẩn 'chết người'

Dù mới chỉ 7 tuổi nhưng đã bị trào ngược axít, ợ nóng và đau dạ dày. Không những thế, bé luôn có hơi thở hôi và nôn mửa. Cha mẹ cần biết căn bệnh này để chăm sóc trẻ đúng cách.

Cảnh báo: Trẻ mới chỉ 7 tuổi đã mắc bệnh dạ dày

Cậu bé Xuân Xuân 7 tuổi, ở Bắc Kinh (Trung Quốc) gần đây bỗng nhiên có hiện tượng bị trào ngược axít, ợ nóng và đau dạ dày. Không những thế, miệng bé luôn có hơi thở hôi, khiến mẹ cậu vô cùng lo lắng.

Mặc dù gia đình đã cho bé uống một số thuốc dân gian, uống nước đường, các loại thuốc dạ dày, nhưng bệnh tình không hề có chuyển biến tích cực.

Sau một thời gian chứng kiến tình trạng sức khỏe của con giảm sút, gia đình sốt ruột đưa bé đi khám ở bệnh viện Trung Sơn Bắc Kinh để kiểm tra toàn diện cho bé.

Các bác sĩ sau khi khám tổng thể và xét nghiệm cơ bản, kết quả cho thấy bé Xuân đã dương tính với bệnh nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) dạ dày.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung Sơn Bắc Kinh, vi khuẩn Helicobacter pylori sau khi đi vào cơ thể có thể xâm nhập vào niêm mạc dạ dày, gây viêm dạ dày mãn tính, bệnh nhân sẽ xuất hiện khó chịu vùng bụng, đau dạ dày, ợ hơi, trào ngược axit, buồn nôn, ói mửa…

Mặc dù tiến trình phát triển bệnh chậm nhưng nó là một triệu chứng lặp đi lặp lại khiến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ vô cùng khó khăn.

Nguyên nhân lây nhiễm đôi khi chỉ là thói quen mất vệ sinh

Có nhiều trẻ lười ăn, bố mẹ thường hay ép ăn hay nhai mớm cơm cho trẻ, từ đó gây ra lây nhiễm chéo, bệnh từ người lớn lây nhiễm sang cho trẻ.

Theo các bác sĩ, việc bé Xuân bị nhiễm trùng Helicobacter pylori không chỉ gây thiệt hại niêm mạc dạ dày, mà triệu chứng bệnh lâm sàng cũng cho thấy có nhiều dấu hiệu phát triển phức tạp.

Trên thực tế, dấu hiệu nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori thường không có triệu chứng đặc biệt rõ ràng, vì thế nếu nghi ngờ thì cần kiểm tra để xác định liệu có phải nhiễm Helicobacter pylori hay không.

Mầm bệnh Helicobacter pylori còn có khả năng gây ra các bệnh đường tiêu hóa. Vì thế không nên sử dụng thuốc tùy tiện, dễ gây ra các tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe.

Theo các bác sĩ, việc trẻ mắc những căn bệnh nguy hiểm mà vốn trước đây chỉ xảy ra ở người lớn là cảnh báo khẩn cấp đến các bậc phụ huynh. Người chăm sóc trẻ phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống hợp vệ sinh.

Việc cho trẻ tự ăn thay vì nhai mớm cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta nên lưu ý các nguồn lây bệnh sau.

- Lây nhiễm qua đường miệng: Vi khuẩn Hp được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Thói quen của người Việt Nam khi ăn uống là ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn từ bát chung... vì vậy nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP là rất cao.

- Lây nhiễm qua đường dạ dày - dạ dày: Quá trình lây nhiễm này diễn ra khi thực hiện thao tác nội soi tại các cơ sở y tế. Nếu dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người có bệnh sang người lành.

- Lây nhiễm qua đường phân - miệng: Khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch, hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.

Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori được phát hiện ra năm 1982 bởi Robin Warren và Barry Marshall vẫn được viết tắt trong các phiếu khám bệnh là H.Pylori hoặc khuẩn HP.

Loại vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh catalase, chất này phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.

Đây là một loại vi khuẩn hiếm khi gây ra các độc tính cấp tính. Trong điều kiện bình thường vi khuẩn HP tồn tại như một phần của hệ sinh thái dạ dày nhưng khi các tác nhân phối hợp như căng thẳng, stress, ăn uống bia rượu thì chúng sẽ hoạt động mạnh, là một trong như nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày mãn tính và ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP gây ra bệnh gì?

Thực ra, không phải trường hợp nào nhiễm vi khuẩn HP cũng gây ra bệnh nguy hiểm. Có tới trên 80% người có nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng cũng như không gây ra biến chứng gì.

Theo các nhà nghiên cứu, trong suốt cả cuộc đời của 1 người có nhiễm vi khuẩn HP không điều trị thì khoảng 10 - 20% trong số đó có khả năng bị loét dạ dày tá tràng, 1 - 2% có khả năng ung thư dạ dày.

Nhìn 1 cách tổng thể, vi khuẩn HP có thể gây ra những loại bệnh sau:

- Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày: Phần lớn bệnh nhân khi mới nhiễm H.P không có triệu chứng, chỉ có một số ít người trong giai đoạn nhiễm cấp tính có biểu hiện lâm sàng như: đầy bụng, buồn nôn, chán ăn.

- Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày: Sau giai đoạn viêm cấp có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, lâu dài sẽ gây viêm mạn tính.

- Loét dạ dày tá tràng: Loét dạ dày thường gặp ở người trên 40 tuổi, vị trí ổ loét hay gặp ở phía bờ cong nhỏ, đặc biệt là vùng nối giữa thân vị và hang vị.

Loét tá tràng hay gặp ở độ tuổi từ 20-50 tuổi, vị trí ổ loét thường gặp tại phần đầu tá tràng hay còn gọi là hành tá tràng. Loét dạ dày tá tràng hay gây biến chứng chảy máu, chảy máu có thể xuất hiện tái phát nhiều lần.

- Ung thư dạ dày.

Theo Trithuctre

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/chau-be-7-tuoi-da-mac-benh-da-day-bs-canh-bao-loai-vi-khuan-chet-nguoi-118514/