Châu Âu và Nhật chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất lịch sử

EU và Nhật hiện là hai khu vực có nền kinh tế lớn của thế giới, tổng GDP của EU và Nhật chiếm hơn 25% tổng GDP toàn thế giới.

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật đang tiến gần hơn đến việc ký kết một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Thỏa thuận này sẽ có thể khiến Mỹ bị cô lập hơn nữa trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại.

Thỏa thuận thương mại mà EU và Nhật ký kết sẽ cho thấy thương mại tự do vẫn là lựa chọn tất yếu trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng với sự dẫn đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo nhận định được đăng tải trên New York Times.

EU và Nhật hiện là hai khu vực có nền kinh tế lớn của thế giới, tổng GDP của EU và Nhật chiếm hơn 25% tổng GDP toàn thế giới.

Thỏa thuận thương mại tự do mà EU và Nhật ký kết sẽ giúp cả hai phía tiếp cận được tốt hơn thị trường của nhau, đẩy mạnh xuất khẩu được nhóm sản phẩm chủ chốt như ô tô hay máy móc. Ngoài ra, các rủi ro tranh chấp về đầu tư hay rào cản thương mại cũng sẽ giảm bớt.

Thỏa thuận thương mại tự do này dự kiến sẽ được ký trong những tuần tới, đồng thời nó cũng sẽ đi cùng với sự đồng thuận của hai bền về thỏa thuận Paris vốn đã bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump “hắt hủi” trước đó.

Phía châu Âu đang hối thúc Nhật giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào Nhật, ví như bơ đang chịu thuế 30%, socola 10% hay cà chua đóng hộp 9%. Nhật cùng lúc đó đang hối thúc châu Âu bãi bỏ thuế 10% áp với sản phẩm ô tô Nhật.

Khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi mục tiêu ưu tiên cao nhất cho quyền lợi của nước Mỹ muốn áp thuế cao để đảm bảo công việc sản xuất thuộc về tay người Mỹ, phần còn lại của thế giới đang đẩy mạnh xây dựng các liên minh thương mại.

Chỉ vài ngày sau khi chính thức trở thành Tổng thống, ông Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông cũng tuyên bố chấm dứt hiệu lực của rất nhiều thỏa thuận thương mại liên quốc gia lớn khác.

Khi Bộ trưởng Thương Mại Mỹ, ông Wilbur Ross, tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ có thể bàn thảo để hồi sinh lại thỏa thuận thương mại với châu Âu, ông Donald Trump đã bác bỏ vì lý do lo ngại về thâm hụt thương mại mà Mỹ đang có với Đức.

Và ngay khi chính phủ Mỹ rút khỏi các thỏa thuận thương mại, châu Âu ngay lập tức thế chỗ. Tháng Hai năm nay, Nghị viên châu Âu phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Canada. Thủ tướng Đức cùng lúc đó không ngừng lên tiếng ủng hộ tự do thương mại trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng.

Để có được thỏa thuận thương mại tự do chuẩn bị ký kết, lãnh đạo EU và Nhật đã bàn thảo trong rất nhiều năm. Tuy nhiên, tiến độ bàn thảo được đẩy nhanh hơn trước rất nhiều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP.

Việc chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ cũng có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc đẩy mạnh phát triển các khu vực thương mại tự do do Trung Quốc đứng đầu. Chính phủ Trung Quốc, đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, đã và đang theo đuổi tham vọng xây dựng khu vực thương mại tự do với 16 nước châu Á Thái Bình Dương trong đó có Nhật.

Nhiều nhóm bảo vệ môi trường lo ngại rằng thỏa thuận thương mại giữa châu Âu và Nhật sẽ không giải quyết được triệt để một số vấn đề, ví như ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ và hải sản quá mức. Dưới thời của chính quyền Tổng thống Obama trước đây, các thỏa thuận thương mại đều phải thực hiện rất nhiều các cam kết liên quan đến môi trường.

Các điều khoản về bảo vệ môi trường trong thỏa thuận thương mại EU – Nhật nhìn chung yếu hơn rất nhiều so với TPP. Nhật hiện đang là nước tiêu thụ cá nhiều nhất thế giới, hoạt động đánh bắt cá quá mức hoàn toàn tiềm ẩn khả năng gây hại đến môi trường.

Ngoài ra, thỏa thuận thương mại với châu Âu cũng không buộc chính phủ Nhật phải ngừng hỗ trợ cho ngành cá nước này, nếu hoạt động đánh bắt cá tiếp diễn ở tốc độ hiện tại, tác động đến môi trường không thể tránh khỏi.

Trung Mến

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/chau-au-va-nhat-chuan-bi-ky-ket-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-lon-nhat-lich-su-2899242.html