Châu Âu quyết theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập

Lạnh nhạt và mâu thuẫn, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ bị rạn vỡ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tình hình mới buộc EU phải có sự chuyển hướng khi Liên minh xuyên Đại Tây Dương truyền thống chưa biết đi về đâu.

Đã đến lúc tự vận động

Từng được xem là chỗ dựa vững chắc, giờ đây Tổng thống Donald Trump và chính quyền Mỹ lại bị coi là mối đe dọa đối với sự thống nhất của Liên minh châu Âu. Tổng thống Trump đã đi ngược lại các nguyên tắc, thỏa thuận mà Mỹ đã từng cam kết hay theo đuổi khi công khai ủng hộ việc Anh rời EU (Brexit), chống lại chính sách của EU đối với người Hồi giáo nhập cư và người tị nạn, rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đe dọa không thực hiện cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO, chủ trương chống toàn cầu hóa…

Sau hàng loạt hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo EU và Mỹ, tờ Libération (Pháp) đã nhận định rằng, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel buộc phải đoàn kết khi EU đang phải đối mặt với 2 thực tế: Brexit bên kia eo biển Manche và nước Mỹ của Donald Trump bên kia bờ Đại Tây Dương đang ngày càng xa rời đồng minh. Hoàn cảnh mới đang khiến châu Âu phải thức tỉnh, thúc đẩy Pháp và Đức phải ra tay củng cố EU trở nên vững mạnh hơn để có thể tự quyết vận mệnh của mình. Theo Libération, với một châu Âu đang rệu rã và trì trệ như hiện nay sẽ còn rất nhiều việc khẩn cấp phải làm để thiết lập một trật tự mới trong liên minh. Đó là phải hoàn thiện khu vực đồng euro, triển khai một nền quốc phòng châu Âu, phải có một chính sách chung về nhập cư, phát triển an ninh nội địa để chống khủng bố, xây dựng lại hoàn toàn cơ chế để liên minh có một thủ lĩnh thực sự.

Xu thế châu Âu theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ đã thể hiện rõ trong những tuyên bố gần đây của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Lần đầu tiên sau nhiều năm trở thành đồng minh, tại cuộc vận động tranh cử tại miền Nam nước Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định, bà muốn giữ quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Mỹ và Đức, cũng như Nga, nhưng giờ là lúc châu Âu phải chiến đấu cho số phận của chính mình. Bà cũng cho rằng, việc châu Âu có thể hoàn toàn trông cậy vào một đồng minh nào đó đã qua. Các phát biểu cứng rắn trên của bà Merkel nhằm gửi một thông điệp tới các cử tri Đức rằng, Berlin vẫn giữ các quan hệ hữu nghị với Anh và Mỹ, nhưng đồng thời cũng tỏ rõ quyết tâm về một châu Âu sẽ độc lập hơn trong các quyết định quan trọng. Về phía Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron gần đây đã có những tuyên bố tương tự. Tổng thống Pháp từng khẳng định rằng, không cho phép “chủ nghĩa bảo thủ mới từ nước Mỹ” thẩm thấu vào chính sách của nước Pháp, đặc biệt là trong chiến lược ngoại giao quốc tế.

Tìm hướng mới

Sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều có một nhiệm vụ quan trọng là khuyên ông Donald Trump tiếp tục ủng hộ NATO. Tuy nhiên, bên cạnh việc nỗ lực lôi kéo Mỹ, các nước châu Âu cũng đang tích cực tăng cường hợp tác quốc phòng trong nội bộ EU. Do trước kia Anh luôn giữ lập trường tiêu cực đối với việc EU phát triển phòng thủ chung, nên việc Anh rời khỏi EU đã đem đến cơ hội có lợi cho EU tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng.

Hiện nay, các nước EU đã quyết định nhanh chóng khởi động “Chương trình hành động phòng thủ EU” trong năm 2017, trong đó có quy định, từ năm 2020 mỗi năm chi 5,5 tỷ EUR để thiết lập Quỹ phòng thủ châu Âu. Cho dù quá trình xây dựng phòng thủ châu Âu ra sao vẫn phải chờ quan sát, nhưng nhận thức chung trong nội bộ EU yêu cầu xác lập “tính tự chủ chiến lược” dường như đã hình thành. Ngoài ra, trong vấn đề chia sẻ chi phí phòng thủ của NATO, va chạm giữa châu Âu và Mỹ cũng sẽ tồn tại kéo dài. Trên lĩnh vực kinh tế, châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục coi nhau là đối tác thương mại và nguồn đầu tư lớn nhất của nhau, nhưng vẫn không thể loại trừ khả năng Mỹ - Đức hoặc Mỹ - châu Âu xảy ra “cuộc chiến thương mại”. Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini thừa nhận, trong tương lai Mỹ và châu Âu có thể tiến vào thời kỳ quan hệ song phương trở nên thực dụng và mặc cả với nhau.

Trong khi đó, sự ấm lên giữa quan hệ Đức - Nga và chuyến thăm Pháp của Tổng thống Putin đã mang tới nhiều hy vọng cho mối quan hệ lâu nay bị rạn vỡ vì các ảnh hưởng từ Washington. Bản thân Pháp và Đức cũng muốn đưa Nga trở lại quỹ đạo đối thoại với châu Âu. Vì không có Nga, châu Âu cũng không thể giải quyết các vấn đề Syria, Ukraine. Đây là điều mà chính Tổng thống Pháp Macron từng nhận định. Trước đây, trong các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Putin chỉ đánh giá cao bà Merkel, thậm chí bà Merkel được coi là người duy nhất nói chuyện được với ông Putin. Việc ông Macron có thể trở thành người đối thoại tiếp theo của ông Putin đang được xem là diễn biến tích cực. Nga và Pháp là hai quốc gia quan trọng trong Hội đồng Bảo an LHQ, cần có sự đối thoại, phối hợp vì lợi ích của cả hai bên. Với tư tưởng đặc biệt mới mẻ của Tổng thống Pháp trẻ tuổi, có một số quan điểm cho rằng, ông Putin có thể sử dụng chính sách thắt chặt quan hệ với Pháp để phá vỡ thế bao vây của EU với Nga. Tuy nhiên, vì ông Macron cũng là người ủng hộ mạnh mẽ sự gắn kết trong châu Âu, hăng hái nhất trong việc xây dựng một châu Âu vững mạnh nên việc qua con người ông Macron để gây phá vỡ chính sách chung của EU cũng là điều không dễ làm.

Theo giới quan sát, nếu Mỹ tỏ ra lơ là trong quan hệ với EU thì một trong những quốc gia có thể được hưởng lợi là Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là đang tận dụng sự rạn vỡ của EU và Mỹ dù nước này vẫn còn bất đồng về vấn đề nhân quyền hay thương mại. Những bất hòa hiện nay giữa châu Âu và Mỹ đã trở thành một cơ hội cho Trung Quốc để nước này vẫn bảo đảm an toàn quan hệ làm ăn với các đối tác thương mại lớn và nổi lên với vai trò là quốc gia ủng hộ xu thế toàn cầu hóa.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/chau-au-quyet-theo-duoi-chinh-sach-doi-ngoai-doc-lap-455969.html