Châu Âu đứng trước ngã ba đường

Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, nhiều người đã cho rằng việc nước Anh ra đi báo hiệu sự kết thúc liên minh này.

EU sẽ không chấp nhận đầu hàng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đưa ra 5 kịch bản mà ông hy vọng sẽ tạo nên một cuộc tranh luận lớn về tương lai của châu Âu: (1) Tiếp tục; (2) Không có gì khác ngoài một thị trường chung; (3) Ai muốn đi tiếp thì đi; (4) Làm ít hiệu quả nhiều hơn; và (5) Cùng nhau tiến xa hơn nữa. Các viễn cảnh này được xem là tín hiệu tích cực cho thấy EU không chấp nhận đầu hàng.

Ngày 25/3/1957, lãnh đạo của 6 nước châu Âu họp tại Rome (Italy) để đặt nền móng cho Cộng đồng Kinh tế châu Âu, mà sau này được biết đến là Liên minh châu Âu (EU), một thị trường chung nơi hàng hóa, dịch vụ và tiền tệ được lưu chuyển tự do. Những giá trị và nguyên tắc cơ bản là vì hòa bình và ổn định, được tạo ra bởi khát vọng không muốn lặp lại quá khứ kinh hoàng thời Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, song cũng là để ràng buộc những quốc gia gây chiến - như Pháp và Đức - thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, thương mại.

60 năm trôi qua và EU giờ đây đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa: Brexit (Anh quyết định rời EU), sự đổi hướng thái độ của Mỹ với châu Âu, sự phát triển của chủ nghĩa dân túy và dân tộc, tham vọng của những nhà lãnh đạo độc đoán như Viktor Orban của Hungary muốn tạo lập “một nhà nước phi tự do”, và uy thế đang lên của nhà lãnh đạo cực hữu Marine le Pen ở Pháp.

Trước các kịch bản do ông Juncker đề xuất, các quan điểm phản đối đã xuất hiện: Trong khi Paris và Berlin nằm trong số những nước ủng hộ một châu Âu phát triển với các tốc độ khác nhau, nhóm 4 nước Trung Âu - Czech, Ba Lan, Hungary và Slovakia - lại không muốn liên bang hóa cũng không quay trở lại thị trường chung và cho rằng một châu Âu đa tốc độ sẽ khiến nhiều nước bị tụt lại sau. Các lãnh đạo EU quyết tâm đưa ra một thông điệp thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome. Trong cuộc họp trù bị cho hội nghị, các lãnh đạo đã thống nhất giảm bớt thảo luận về châu Âu đa tốc độ, và thay vào đó sẽ nêu ra sự thống nhất khi châu Âu đang đối mặt với “những thách thức chưa từng có”. Họ nhất trí không nên tạo ra tình trạng các nước thành viên bị tụt lại phía sau.

Châu Âu hiện đang đối mặt với nhiều thách thức: đang trong quá trình hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng nhiều vùng lân cận đang bị bất ổn định - do cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai - trong khi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang đe dọa những giá trị cốt lõi của nó. Thực tế là các ứng cử viên cực hữu đã tạo được vị thế: Không nên coi thường khả năng ứng cử viên đảng Mặt trận Quốc gia (FN) Marine le Pen giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Đảng FN muốn Pháp rời EU. Dù việc thắng cử của một người không báo hiệu sự chấm dứt của EU, nhưng có thể tác động tới con đường đi sắp tới mà EU lựa chọn.

Sự sống còn của EU xoay quanh một thỏa thuận chính trị mới. Hiện có một số vấn đề đang tồn tại mà các nước thành viên cảm thấy như họ đang đạt được một thỏa thuận tồi tệ bởi các nguyên tắc đều chống lại họ hoặc bởi họ không thể giữ được các nguyên tắc. Vấn đề lớn nhất là sự bất đồng ngày càng tăng giữa các khu vực khác nhau trong EU. Những bất đồng này không thể hàn gắn bằng cách rút những nguyên tắc vận hành thị trường hiện nay của EU, hay đơn giản là tham khảo những chỉ dẫn hiện hành để đưa ra một số chỉnh sửa nào đó. Chúng phải được xử lý về mặt chính trị và các giải pháp phi thị trường phải được nhất trí và thực thi về mặt chính trị, điều chỉnh một cách thiện ý những gì đang đi chệch hướng.

Nếu EU hy vọng gửi thông điệp tới người dân rằng mình đang nghiêm túc xử lý những vướng mắc thực sự của người dân - di cư, việc làm, tăng trưởng và môi trường - EU phải chuyển từ lời nói sang thành hành động.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chau-au-dung-truoc-nga-ba-duong.aspx