Châu Á - Thái Bình Dương hợp tác vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng

LTS - Nhân dịp Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24, diễn ra tại Pê-ru, từ ngày 14 đến 20-11, Bộ trưởng Ngoại giao LB Nga X.La-vrốp có bài viết về phương hướng hợp tác của LB Nga trong khuôn khổ APEC, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài viết.

Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 24 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới nhiều biến động. Rủi ro liên quan chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, xung đột khu vực, khủng hoảng di cư ngày càng lớn. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xu hướng tiêu cực này giảm bớt nhờ tiềm năng công nghệ và tài chính mạnh mẽ, cho phép khu vực giữ vững vị trí hàng đầu trong các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, các thách thức ngày càng tăng chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài hạn trong khu vực.

Nga là một phần không thể tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quan tâm việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tham gia mang tính xây dựng vào hệ thống các mối quan hệ kinh tế phát triển năng động ở đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết thành công các vấn đề của chúng tôi, trước hết, nhằm đẩy nhanh sự phát triển vùng Viễn Đông của Nga, bao gồm việc tham gia quá trình hội nhập khu vực.

Tuần lễ cấp cao APEC lần này khẳng định rõ vị trí nguyên tắc của APEC trong vai trò bổ trợ các hiệp định thương mại khu vực liên quan hệ thống thương mại đa phương. Đây là cách duy nhất để đạt được sự phát triển cân bằng, ngăn chặn sự mất ổn định của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, khu vực APEC có hơn 150 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu vấn đề thực thi ý tưởng hình thành Hiệp định tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) được tiến hành nhanh chóng. Chúng tôi tin rằng, hợp tác mang tính xây dựng nhằm liên kết các hiệp định trên cơ sở minh bạch và không phân biệt đối xử sẽ cho phép tránh được những rủi ro trầm trọng trong thương mại toàn cầu.

Một ưu tiên khác trong chương trình nghị sự khu vực là bảo đảm chất lượng tăng trưởng. Trong khuôn khổ diễn đàn APEC, nhiệm vụ này được giải quyết phù hợp việc thực thi Chiến lược APEC 2010 trong lĩnh vực phát triển đã được các nhà lãnh đạo tán thành. Văn kiện trên định hướng tăng trưởng cân bằng, bền vững, toàn diện, sáng tạo, với các biện pháp hỗ trợ nhằm xây dựng một cộng đồng khu vực hội nhập sâu sắc. Trong bối cảnh này, cần chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hậu cần trong khu vực. Nga đang thực hiện những dự án lớn nhằm hiện đại hóa tuyến đường sắt Bai-can - A-mua và xuyên Xi-bê-ri; củng cố tổ hợp cảng vùng Viễn Đông; hoàn thiện cơ sở hạ tầng sân bay Kha-ba-rốp-xcơ và Vla-đi-vô-xtốc. Nga ủng hộ việc áp dụng các công nghệ mới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong khuôn khổ diễn đàn, chúng tôi đã đưa ra khái niệm “kinh tế điện tử”, một chế độ công nghệ mới vượt ra ngoài khuôn khổ “kinh tế số” và “kinh tế in-tơ-nét”. Chúng tôi coi đây là thời điểm chín muồi để APEC soạn thảo những giải pháp mới về các vấn đề như điều chỉnh các mảng dữ liệu điện tử, kể cả các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật, tạo điều kiện pháp lý và hành chính để mở rộng hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Nga ủng hộ các nỗ lực của APEC về phát triển tiềm năng con người. Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp là chìa khóa để đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao. Trong tương lai, APEC có thể thống nhất các tiêu chuẩn giáo dục trong khu vực. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và chia sẻ với các đối tác kinh nghiệm tiên tiến trong công tác bảo đảm tất cả các nhóm dân cư có thể tiếp cận giáo dục.

Chúng tôi đề nghị nghiên cứu khả năng hiện đại hóa các doanh nghiệp cực nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) thông qua việc mở rộng sự hiện diện của MSMEs trên các thị trường “kinh doanh - kinh doanh” và “kinh doanh - nhà nước”. Bên cạnh đó, Nga hưởng ứng chủ trương của Diễn đàn động viên kinh doanh “xanh”, coi đó là một đóng góp quan trọng vào việc thực thi Hiệp định Pa-ri trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Nga cũng tích cực duy trì các nỗ lực phát triển kinh doanh của phụ nữ.

Một đề tài ưu tiên khác là bảo đảm an ninh lương thực. Chúng tôi có quyền tự hào rằng, năm 2012, lần đầu tiên vấn đề này đã được chấp nhận trong chương trình nghị sự APEC. Nga sẵn sàng chia sẻ với các đối tác những tiềm năng to lớn trong lĩnh vực này. Bất chấp những khó khăn, đất nước chúng tôi vững bước trên con đường phát triển ổn định. Nga là một trong những nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi hy vọng vào sự gia tăng đáng kể thị phần của các nền kinh tế APEC trong tổng khối lượng thương mại Nga về nông sản, thực phẩm.

Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực trong cuộc chiến chung chống khủng bố quốc tế. Chúng tôi cho rằng, APEC với các đòn bẩy kinh tế sẵn có, cần góp phần quan trọng vào việc tiêu diệt các mối đe dọa khủng bố, ngăn chặn các nguồn tài chính của các nhóm khủng bố, phong tỏa hoạt động của các tổ chức cực đoan.

Nga tin vào triển vọng hợp tác trong khuôn khổ APEC. Với cam kết hợp tác trung thực và cùng có lợi, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, là đối tác đáng tin cậy vì tiến trình sáng tạo toàn khu vực, vì lợi ích của các dân tộc.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/31338202-chau-a-thai-binh-duong-hop-tac-vi-hoa-binh-phat-trien-va-thinh-vuong.html