Châu Á sẽ ra sau sau cuộc gặp giữa Donald Trump và Shinzo Abe?

Vào ngày 17/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại tòa Tháp Trump ở New York. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên với một nhà lãnh đạo châu Á kể từ khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Theo tờ Foreign Policy (Chính sách Ngoại giao), lịch trình này được sắp xếp sau khi ông Abe gọi điện cho ông Trump vào ngày 9/11 và hứa hẹn sẽ cùng dùng bữa trưa hoặc tối với Tổng thống đắc cử trên đường Thủ tướng Nhật Bản tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại Peru. Các lãnh đạo châu Á và châu Âu cho biết sẽ theo dõi sát sao cuộc gặp mặt này.

Theo các chuyên gia, ông Abe sẽ thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Thủ tướng Nhật Bản là một người biết lắng nghe, ôn hòa và những người bạn của ông bao gồm nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới như Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Israel Netanyahu hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Mặc dù là người xuất thân từ làn sóng chống tập quyền khi Đảng Dân chủ Tự do lên nắm quyền, song Thủ tướng Nhật Bản cũng có những giới hạn dân tộc của riêng mình.

Tổng thống đắc cử Donald Trump trên trang nhất các tờ báo tại Nhật Bản. Nguồn: FP

Ông Abe là người quyết định và ông Trump sẽ phải thừa nhận điều đó. Tuy nhiên, bên dưới vẻ ngoài thân thiện, Nhật Bản, cũng như hầu hết các nước châu Á và thế giới khác, ông Abe cũng rất lo lắng về nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump đối với an ninh nước này trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng từ phía Trung Quốc và Triều Tiên.

Nỗi lo lắng này được phản ánh trong cuộc khảo sát hậu bầu cử Mỹ khi 70% người dân Nhật Bản bày tỏ quan điểm tiêu cực đối với nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Trump. Trong khi đó, một nửa người dân Australia trước bầu cử cũng khẳng định Australia nên tránh xa Mỹ nếu ông Trump đắc cử.

Một số cố vấn chủ chốt của ông Trump nói với các đại sứ châu Á tại Washington rằng Hoa Kỳ có thể cần xem xét lại sự hiện diện quân sự của nước này ở châu Á hay có quãng thời gian nghỉ ngơi ở khu vực này để tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố hay các vấn đề kinh tế nội địa. Việc ông Trump phản đối hiệp định TPP có thể sẽ hủy hoại nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy phê chuẩn thỏa thuận này để đẩy mạnh quan hệ với Mỹ.

Trong khi đó, các nhà bình luận chống Mỹ ở Nhật lại hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử vì cho rằng đây là cơ hội lớn để tách khỏi Washington. Những xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở Australia, Hàn Quốc và các quốc gia đồng minh Hoa Kỳ khác trong khu vực.

Mặc khác, Tokyo và các nước còn lại cũng nhìn thấy một số dấu hiệu khôi phục. Theo khảo sát mới nhất của Hội đồng Chicago về quan hệ quốc tế, 2/3 người Mỹ cho rằng sự toàn cầu hóa là tốt và 60% ủng hộ tự do thương mại, trong khi khảo sát của Pew cho thấy phần lớn người Mỹ sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc nếu hai nước này bị tấn công. Điều đó cho thấy cuộc bầu cử không tạo ra một làn sóng cô lập trong cử tri.

Việc lựa chọn ông Mike Pence làm Phó Tổng thống và Reince Priebus làm Chánh văn phòng Nhà Trắng đã làm gia tăng hy vọng vào các vị trí chủ chốt khác ở lĩnh vực an ninh. Một ngày trước ngày bầu cử, cố vấn của ông Trump là Alexander Gray và Peter Navarro đã lên tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại hướng về châu Á của ông Obama, cho rằng nó có thể được viết ra bởi bất kỳ ai.

Gray và Navarro chỉ ra rằng các đồng minh châu Á sẽ được yêu cầu gia tăng chi tiêu quốc phòng một cách “tôn trọng”, tuy nhiên, điều này trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử rằng sẽ không để cho các nước đồng minh “lấy tiền” từ Mỹ. Nếu hai nhà lãnh đạo muốn có một kết quả tích cực từ cuộc gặp vào ngày mai thì cả hai sẽ còn rất nhiều điều phải đề cập đến.

Công chúng Nhật Bản chắc chắn sẽ không thể dễ dàng quên đi các tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử khiến niềm tin của họ dành cho nước Mỹ bị lung lay. Một số quan chức Nhật Bản đã yêu cầu ông Abe phải mạnh mẽ bảo vệ TPP và có chính kiến riêng trong vấn đề chia sẻ gánh nặng.

Thủ tướng Abe có thể sẽ dẫn dắt cuộc nói chuyện với ông Trump theo hướng mình mong muốn và tập trung vào việc hình thành những đường nét cơ bản cho chiến lược đồng minh Mỹ - Nhật nói riêng và với châu Á nói chung của Tổng thống đắc cử. Nếu được như vậy, ông Abe sẽ giúp cho các nước châu Á còn lại và cả ông Trump có được lợi thế lớn.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chau-a-se-ra-sau-sau-cuoc-gap-giua-donald-trump-va-shinzo-abe-post213910.info