Châu Á: Niềm hy vọng của Liên minh kinh tế Á - Âu

GD&TĐ - Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam vừa có hiệu lực từ ngày 5/10. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Hàn Quốc đang là đối tác đầy hấp dẫn của EAEU.

Chọn Việt Nam là “cánh cửa vào châu Á”, EAEU hy vọng sẽ gặt hái thành công tại thị trường đầy tiềm năng này.

Hàn Quốc - đối tác “nặng ký” của EAEU

EAEU và Hàn Quốc đã hoàn thành nghiên cứu về việc tạo ra một khu vực tự do thương mại. Cuộc thảo luận giữa hai bên Học viện Kinh tế đối ngoại Nga và Viện Hàn Quốc về chính sách kinh tế (KIEP) đã được tổ chức hôm 5/10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nga Veronica Nikishina và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Kim Hak-Up.

Chúng tôi hiểu rằng, đối với Hàn Quốc, sự hình thành của một khu vực tự do thương mại là giải pháp tốt nhất, nhưng hai bên chưa có sự hiểu biết sâu sắc và điều này ảnh hưởng đến các quyết định tham gia vào các cuộc đàm phán của EAEU - Bà Nikishina cho biết.

Hàn Quốc dự định thành lập một khu vực tự do thương mại với Nga từ năm 2010, nhưng quá trình này đã chậm lại bởi triển vọng gia nhập WTO của Nga. Giờ đây, qua các báo cáo của các đại biểu tham dự diễn đàn doanh nghiệp Nga - Hàn Quốc vào ngày 5/10, các bên hy vọng ngoài vấn đề thương mại, chủ đề của các cuộc đàm phán sẽ là hợp tác đầu tư. Vấn đề huy động vốn và công nghệ là rất cấp thiết, các bên cũng quan tâm đến việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan. Công việc sẽ được tiếp tục, nhưng sẽ tiến hành một cách chính thức hơn. Câu chuyện Hàn Quốc trở thành thành viên EAEU và các doanh nghiệp có sự hài hòa trong việc tiếp cận thị trường cũng được thảo luận tại cuộc hội thảo này.

Vượt qua những trở ngại để hướng tới tương lai

Phía Nga phàn nàn rằng việc đầu tư từ Hàn Quốc bao giờ cũng kém hơn so với các hoạt động thương mại. Phía Hàn Quốc khẳng định, khi thành lập thị trường thương mại tự do, các doanh nghiệp nước này có thể coi việc đầu tư vào EAEU là hướng ưu tiên trong chiến lược đầu tư nước ngoài của họ.

Theo Trung tâm Nghiên cứu ITI, hàng hóa chính mà Nga cung cấp cho Hàn Quốc là dầu, than, khí, hải sản và hợp kim nhôm với trị giá tới 4,4 tỷ USD trong nửa đầu của năm 2016 (giảm 34%). Trong khi đó, nhập khẩu chủ yếu là các loại xe cùng phụ tùng, máy móc, nhựa, kim loại đen từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Nga thấp hơn so với ở Kazakhstan (2,3 tỷ USD so với 2,5 tỷ USD).

Các hướng đầu tư của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào sản xuất, xây dựng, bán lẻ và khai khoáng.

Theo các nhà phân tích, Nga là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng trong việc thu hút các nhà đầu tư. Vấn đề còn lại chỉ là hệ thống chính sách của nước này và sự hiểu biết lẫn nhau. Đối với các thành viên khác trong EAEU cũng tương tự như vậy.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe kể về câu chuyện rằng trước đây, Hàn Quốc rất muốn đầu tư vào nhà máy đóng tàu “Zvezda” ở Viễn Đông. Muốn là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Chỉ biết rằng vì một lý do nào đó mà thỏa thuận không được ký kết. Theo các nhà phân tích, khu vực “nhạy cảm” nhất với nền kinh tế Nga là sản xuất ô tô, với Hàn Quốc là nông nghiệp. Nếu hiệp định về thị trường tự do được ký kết thì hai lĩnh vực này sẽ được quan tâm đặc biệt.

Sự quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp Hàn Quốc là thị trường Nga và Kazakhstan, với Kyrgyzstan có vẻ kém hơn. Tuy nhiên, theo “Kommersant” nếu bốn nước đồng ý ký kết xây dựng thị trường thương mại tự do, thu nhập có thể được bù đắp bằng việc phân bổ lại nhiệm vụ. “Cơ chế thực sự phù hợp như tại kết luận của các thỏa thuận về khu vực thương mại tự do và có tính đến việc chuyển đổi sang một chính sách công nghiệp phổ biến, nhưng chưa được chính thức hóa” - “Kommersant” trích nguồn tin từ chính phủ Nga cho biết.

Nhìn chung, viễn cảnh hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và EAEU là xán lạn, chỉ có điều các bên cần có sự hiểu biết thấu đáo về điều kiện, hoàn cảnh của nhau - Các chuyên gia khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chau-a-niem-hy-vong-cua-lien-minh-kinh-te-a-au-2392855-b.html