Châu Á đang đi vào 'vùng biển' chưa được thám hiểm

Tuần qua, sự kiện nổi bật nhất trên thế giới là việc ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa đã bất ngờ đánh bại ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ để trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy khu vực châu Á đang đứng trước một tương lai không mấy tươi sáng dưới thời ông Donald Trump làm ông chủ Nhà Trắng.

Tống thống đắc cử Mỹ Donald Trump

Đồng minh lo lắng

Quan sát quá trình tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump có thể thấy, nhà tài phiệt này ít khi đề cập chi tiết về chính sách và bản thân ông cũng thường xuyên mâu thuẫn với chính mình, nên rất khó xác định nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với châu Á. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra hiện nay là ông Trump sẽ điều hành chính quyền Mỹ như thế nào?

Nhiều người dự đoán ông Trump sẽ giống như một vị “Chủ tịch hội đồng quản trị”, hành động chủ yếu theo hướng chung đã đặt ra và giao cho Thư ký nội các hoặc các cố vấn đưa ra những quyết định cốt lõi.

Theo Giáo sư Nick Bisley thuộc ĐH La Trobe (Australia), nếu đúng như vậy thì hoặc là ông Trump sẽ bổ nhiệm nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa vào những vị trí chủ chốt, hoặc sẽ đưa nhiều nhân vật cấp tiến vào nội các.

Nếu theo hướng thứ nhất, những tuyên bố mạnh bạo của ông Trump trong chiến dịch tranh cử vừa qua sẽ không trở thành hiện thực. Còn nếu theo hướng thứ hai thì mọi việc khi đó sẽ khác xa so với trước đây.

Trong thời gian quá độ này, các đồng minh châu Á của Mỹ sẽ đánh giá độ tin cậy của nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Trump. Trong suốt cuộc vận động tranh cử kéo dài hơn một năm qua, ông Donald Trump chỉ duy nhất có một lần diễn thuyết về chính sách đối ngoại vào tháng 4-2016. Theo ông Trump, Mỹ không thể đóng vai trò “sen đầm” quốc tế nữa, nước Mỹ phải cắt bớt trợ giúp với bên ngoài trong đó có cả các nước đồng minh.

Bởi vậy với chiến thắng của ông Trump, các đồng minh của Mỹ ở châu Á chắc chắn không khỏi lo ngại về những cam kết của Washington bảo vệ các đồng minh trước sự lấn lướt về sức mạnh của Trung Quốc cùng mối đe dọa khó lường từ Triều Tiên.

Mối lo ngại của các đồng minh châu Á đã thể hiện rõ. Ngay sau khi có kết quả bầu cử ở Mỹ, ngày 9-11, Seoul đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định rằng việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ vẫn phải được tiến hành như dự định dưới thời chính quyền Trump.

Lãnh đạo nhóm Nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Chung Jin-suk, nhận định sắp tới sẽ có những thay đổi lớn trong môi trường an ninh khu vực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp, liên minh quân sự Mỹ - Hàn không được lung lay vì đó là cơ sở cho sự thịnh vượng của Hàn Quốc”.

Tại Tokyo, một thành viên Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng trước khi có kết quả Donald Trump thắng cử, kêu gọi Tổng thống tương lai của Mỹ hãy tuyên bố: “Bảo đảm thực hiện các cam kết của Mỹ đối với các đồng minh”. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích thì cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Á, nền tảng cơ sở cho sự ổn định của khu vực chắc sẽ không có gì thay đổi.

Xu thế đối đầu Mỹ - Trung gia tăng

Vài năm trở lại đây, khu vực châu Á ngày càng trở nên bất ổn. Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, và để đối phó, các nước trên khắp châu Á đã tăng chi phí quốc phòng để giảm thiểu rủi ro. Tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn dưới thời chính quyền Trump. Dự kiến, quân sự hóa sẽ lấn lướt các vấn đề chính trị của châu Á trên trường quốc tế.

Có thể thấy là xu thế đối đầu đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay sẽ khó có thể hóa giải nhanh chóng. Bắc Kinh đang muốn duy trì mối quan hệ ổn định với Washington nên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới Tổng thống mới của Mỹ một cách long trọng.

Trong một thông điệp truyền trực tiếp trên truyền hình, ông Tập Cận Bình nói: “Rất coi trọng quan hệ Trung - Mỹ” và khẳng định mong muốn cùng ông Trump làm việc để bảo vệ những nguyên tắc: Không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác hai bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, những lời hứa khi tranh cử của ông Trump đòi đánh thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và những lời tố cáo Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hai nước sẽ khó ổn định như mong muốn từ phía Trung Quốc.

Một vấn đề gai góc khác trong quan hệ Mỹ - Trung là vấn đề tranh chấp Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng hung hăng, còn Mỹ thì muốn duy trì luật pháp và hoạt động tự do hàng hải quốc tế.

Trong những năm gần đây, những hành động của Trung Quốc lấn chiếm và xây đảo nhân tạo phi pháp trên vùng biển đang tranh chấp với các nước khác là những tín hiệu đáng báo động với Mỹ.

Washington lo ngại chính sách bành trướng của Trung Quốc cuối cùng sẽ giúp nước này ngang nhiên kiểm soát tuyến đường biển, nơi có tới một lượng hàng hóa trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi năm được vận chuyển qua đây.

Trên mặt trận kinh tế, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có một tương lai u ám nếu như ông Trump thực hiện đúng như những gì đã tuyên bố trong quá trình tranh cử. Điều còn chưa rõ trên mặt trận này là liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa của mình sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc hay không? Nếu ông làm vậy, thiệt hại cho cả hai nước sẽ là đáng kể…

Theo Giáo sư Nick Bisley, cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Trump, ở nhiều khía cạnh, có thể đánh dấu sự chấm hết của một kỷ nguyên ở châu Á. Khu vực này từng được hưởng một môi trường địa chính trị hòa bình và ổn định khi Mỹ và Trung Quốc cùng thống nhất tìm cách chung sống với nhau hồi cuối những năm 1970.

Giờ đây, với việc tỷ phú Trump đắc cử, giai đoạn đó chắc chắn sẽ khép lại. Người ta chưa thể biết ông Trump sẽ làm những gì với châu Á, song nhiều người còn nói thêm rằng bản năng thích phá vỡ của ông Trump sẽ càng khiến khu vực này trở nên căng thẳng và bất ổn hơn. Nền chính trị quốc tế của châu Á đang đi vào “vùng biển” chưa được thám hiểm.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/chau-a-dang-di-vao-vung-bien-chua-duoc-tham-hiem/708363.antd