Châu Á dẫn đầu thế giới về mức độ sẵn sàng cho điện toán đám mây

Để giúp các quốc gia châu Á có cái nhìn toàn diện về quá trình tiến đến một môi trường đầy đủ của dịch vụ và hạ tầng dựa trên điện toán đám mây, theo thông lệ hàng năm, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á (Asia Cloud Computing Association - ACCA) tiếp tục xây dựng và phát hành báo cáo “Chỉ số sẵn sàng đám mây” (Cloud Readiness Index - CRI) năm 2016.

Trong lần phát hành này, báo cáo CRI 2016 tập trung phân tính 10 thuộc tính cũng là 10 chỉ số chủ yếu trong việc triển khai và sử dụng công nghệ điện toán đám mây tại 14 quốc gia châu Á khác nhau. Trong số này có cả những quốc gia đầu tầu kinh tế của khu vực. Danh sách đầy đủ các quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Australia, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

10 chỉ số được phân tích trong CRI 2016 bao gồm: Kết nối quốc tế; Chất lượng băng thông rộng; Chất lượng mạng lưới điện, chính sách và độ ổn định; Rủi ro trung tâm dữ liệu; An ninh mạng; Tính riêng tư; Vai trò điều tiết của chính phủ; Bảo vệ sở hữu trí tuệ; Hiệu quả kinh doanh và Tự do truy cập thông tin.

Hồng Kông dẫn đầu khu vực châu Á về mức độ sẵn sàng cho điện toán đám mây

Theo đó, Hồng Kông đang dẫn đầu trong 14 quốc gia được nghiên cứu với tổng điểm CRI 2016 đạt 78,1 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2015. Hồng Kông có được vị trí này là nhờ vào những thành tựu trong việc nâng cao chất lượng kết nối quốc tế, chất lượng băng thông rộng, khả năng đảm bảo tính riêng tư và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ số anh ninh mạng của Hồng Kông cũng chỉ đạt mức trung bình khá với 6,2 điểm, thấp hơn Singapore, New Zealand, Austalia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí là cả Ấn Độ.

Vị trí thứ hai thuộc về Singapore với tổng điểm CRI 2016 đạt 76,7 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2015. Chỉ số chất lượng băng thông rộng và riêng tư của Singapore đều đạt trên 9 điểm tuy nhiên chỉ số về tự do truy cập thông tin của Singapore chỉ đạt tròn 6 điểm.

Các vị trí tiếp theo là New Zealand (74,4 điểm), Austalia (73,2 điểm), Nhật Bản (73 điểm), Đài Loan (71,1 điểm), Hàn Quốc (68 điểm), Malaysia(66,3 điểm), Philippine (53,8 điểm), Thái Lan (52,6 điểm), Indonesia (50,6 điểm), Ấn Độ (49,1 điểm), Trung Quốc (45,4 điểm) và Việt Nam (44 điểm).

Thống kê chỉ số sẵn sàng cho điện toán đám mây tại 14 quốc gia châu Á năm 2016

Vị trí của Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam còn khá khiêm tốn nếu không muốn nói là đang ở trong tình thế “đội sổ” là do những quốc này còn tồn tại một số vấn đề về chất lượng kết nối quốc tế, rủi ro trung tâm dữ liệu và tự do truy cập thông tin. Chẳng hạn, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc chỉ đạt 1,6 đến 1,8 điểm về chỉ số kết nối quốc tế trong khi cả 4 quốc gia chỉ đạt từ 1,9 đến 2,7 điểm về chỉ số rủi ro trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, Trung Quốc và Việt Nam còn có chỉ số tự do truy cập thông tin rất thấp chỉ với lần lượt là 1,3 và 2,4 điểm.

Việt Nam vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho điện toán đám mây

Vốn được đánh giá là nước có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển song nếu đối chiếu với kết quả CRI 2016 này thì Việt Nam vẫn là quốc gia có chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng điện toán đám mây thấp.

Theo đó, tổng điểm CRI của nước ta chỉ đạt 44 điểm, điểm thấp nhất trong 14 quốc gia được ACCA nghiên cứu kỳ này. Vị trí của Việt Nam không thay đổi so với năm 2015.

Một trong những nguyên nhân khiến mức độ sẵn sàng cho điện toán đám mây của nước ta còn thấp là do 4 chỉ số (chỉ số chất lượng kết nối quốc tế, chỉ số rủi ro trung tâm dữ liệu, chỉ số an ninh mạng và chỉ số tự do truy cập thông tin) đều đạt mức điểm rất thấp (từ 2,4 đến 3,2 điểm), thấp hơn rất nhiều so với điểm trung bình của khu vực là 5 điểm. Trong khi đó, chỉ số chất lượng băng rộng của nước ta đạt điểm cao nhất nhưng cũng chỉ là 6,7 điểm. Còn nhớ, trong CRI 2015, chỉ số chất lượng băng rộng của nước ta đạt 2,2 điểm. Mức điểm trung bình cũng được ghi nhận tại các chỉ số về năng lực mạng lưới, tính riêng tư, vai trò của chính phủ và hiệu quả kinh doanh.

Nếu so với vị trí dẫn đầu khu vực thì Việt Nam còn kém Hồng Kông tới 34,1 điểm. Nếu so sánh gần hơn, thì Việt Nam còn thua Malaysia 22,3 điểm và thua Ấn Độ 5,1 điểm.

Vì sao có thể nói châu Á đang dẫn đầu thế giới về mức độ sẵn sàng cho điện toán đám mây?

Để có thể khẳng đinh điều này, ngoài 14 quốc gia châu Á, ACCA còn tập trung phân tích và so sánh với 6 quốc gia ngoài châu Á, bao gồm: Brazil, Đức, Nam Phi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và Mỹ.

Thống kê chỉ số sẵn sàng cho điện toán đám mây tại 6 quốc gia ngoài châu Á năm 2016

Theo bảng phân tích này thì chỉ số CRI của Đức và Anh là cao nhất trong 6 quốc gia với lần lượt là 74,3 và 75,7 điểm. Tuy nhiên, nếu so sánh với bảng CRI của 14 quốc gia châu Á thì với mức điểm này thì vị trí Đức và Anh chỉ tương đương với vị trí của New Zealand (vị trí số 3, sau Hồng Kông và Singapore). Trong khi đó, cường quốc công nghệ thông tin, Mỹ, có tổng điểm chỉ là 71,6 điểm, tương đương với vị trí số 5 của Nhật Bản. Chỉ số kết nối quốc tế của Mỹ cũng chỉ đạt có 4,3 điểm và không có chỉ số nào đạt 9 điểm trở lên.

Ba quốc gia ngoài châu Á còn lại là Brazil, Nam Phi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất có tổng CRI 2016 lần lượt là 57,1 điểm, 54,3 điểm và 57,5 điểm, chỉ tương đương với vị trí số 8 của Malaysia.

Lê Hường (theo teleasia.net)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201604/chau-a-dan-dau-the-gioi-ve-muc-do-san-sang-cho-dien-toan-dam-may-527268/