Chật vật thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Từng là “mỏ vàng” của tỉnh về nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS), nhưng đến thời điểm này, các mỏ KTKS ở địa bàn huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh đã bị “rớt đài” khi hàng loạt chủ mỏ rơi vào tình trạng nợ thuế, ngừng hoạt động.

Đã từng nghe nhiều thông tin trên các diễn đàn về tình hình “vỡ trận” của các mỏ KTKS, đặc biệt là khai thác đá xây dựng ở địa bàn huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh, nhưng chuyến thị sát cùng các đơn vị liên quan vào một ngày đầu tháng 10 mới thật sự cho chúng tôi “mắt thấy, tai nghe”.

Đường vào mỏ rộng thênh thang, họa hoằn lắm mới có một vài xe tải vào “ăn hàng”; đá sau khai thác chất cao thành đống, bụi phủ một lớp dày đến độ cỏ dại mọc lên cao; nhiều nhà điều hành cửa đóng then cài, vườn không, nhà trống… là những hình ảnh cho thấy sự sống lay lắt của các mỏ đá hiện nay.

Là một trong số ít mỏ ở thị xã Kỳ Anh còn “sống được” đến thời điểm này, nhưng mỗi ngày Mỏ đá Hồng Sơn (Công ty CP Khai thác đá Hưng Thịnh) cũng chỉ xuất bán được gần 300 m 3.

Theo phân tích của nhiều doanh nghiệp (DN), tình trạng này diễn ra là hệ quả của việc ồ ạt đầu tư khi dự báo sai về nhu cầu. Từ chỗ chỉ có một vài mỏ khai thác vật liệu xây dựng nhỏ lẻ, từ 2011 đến nay, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh đã ghi nhận sự góp mặt của hơn 50 mỏ KTKS các loại. Nếu như “thời hoàng kim” của các mỏ là giai đoạn các hạng mục của dự án Formosa đang trong quá trình xây dựng (trước 2014) thì đến nay, nhiều mỏ gần như đang “chết lâm sàng”.

Ông Nguyễn Thế Hải - Trưởng phòng Nghiệp vụ Công ty CP Khai thác đá Hưng Thịnh (TX Kỳ Anh) cho biết: “Tình trạng cung vượt cầu như hiện nay làm nhiều DN khai thác trên địa bàn khó có thể cầm cự được. Trước đây, mỗi ngày, mỏ đá Hồng Sơn xuất bán khoảng 2.000 khối thì nay giảm xuống chưa tới 300 khối...”.

Bức tranh chung của các mỏ khai thác ở 2 địa bàn nói trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thu ngân sách của địa phương. Ngoài những nguồn thu từ thuế GTGT, thuế tài nguyên, thuế thuê đất, phí bảo vệ môi trường,… các mỏ khai thác hiện đang gặp khó ở việc nộp nguồn cấp quyền KTKS. Theo đó, bắt đầu từ 2014, Nghị định 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực đồng nghĩa với nguồn thu từ tiền cấp quyền KTKS được “khai sinh”. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, các mỏ ở TX Kỳ Anh nợ tiền cấp quyền KTKS lên đến 56,74 tỷ đồng và huyện Kỳ Anh nợ 9,3 tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Ngọc - Đội trưởng Đội Kê khai nghiệp vụ và dự toán, Chi cục Thuế huyện Kỳ Anh cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, nhiều đơn vị KTKS tại địa phương gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, một số đơn vị đang sản xuất cầm chừng và dừng hoạt động. Ngoài ra, còn có những DN đầu tư kinh doanh và được cấp phép KTKS trên địa bàn nhưng không tìm thấy địa chỉ liên lạc cụ thể như Công ty CP Hợp Phúc nên việc đôn đốc nộp và xử lý chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế rất phức tạp và khó khăn”.

Đơn giá tính tiền cấp quyền KTKS cũng là một “bước cản” trong việc nộp ngân sách từ nguồn này. Ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TX Kỳ Anh cho hay: “DN địa phương đã có nhiều ý kiến bằng văn bản gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh đề nghị xin gia hạn, chậm nộp, hoãn nộp tiền cấp quyền KTKS trong thời gian qua. Đặc biệt, đơn giá tính thuế phí và tiền cấp quyền khai thác của tỉnh quá cao so với đơn giá xuất bán thực tế. Theo đó, Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 3/9/2014 của UBND tỉnh về việc quy định giá tính thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì đơn giá đá hộc là 120.000 đồng/m3 trong khi đơn giá đá hộc xuất bán thực tế từ 80.000 - 90.000 đồng/m3 (cao hơn từ 1,5 - 2,4 lần so với các tỉnh lân cận). Từ vấn đề bất cập về đơn giá tính thuế như vậy dẫn đến các DN khai thác đá trên địa bàn gặp không ít khó khăn”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN&MT thông tin: “Giá tính tiền cấp quyền KTKS được xác định trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Sở TN&MT đã chủ trì tiến hành khảo sát giá thành, giá bán sản phẩm tại 24 mỏ khoáng sản trên toàn tỉnh và trên cơ sở góp ý của các đơn vị liên quan, đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho điều chỉnh giảm giá tính thuế đối với đá hộc từ 120.000 đồng/m3 xuống 100.000 đồng/m3. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành khung giá tính thuế tài nguyên cho cả nước, nên sở đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua để có căn cứ ban hành quy định tạm thời...”.

Làm thế nào để các DN tự giác nộp tiền cấp quyền KTKS, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo đúng quy định đang là vấn đề không chỉ của riêng cơ quan chức năng mà của chính DN. Được biết, đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác của 4 đơn vị (đây được xem là giải pháp cuối cùng nếu DN không thực hiện nghĩa vụ). Ngoài ra, các đơn vị liên quan đang tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của từng đơn vị khai thác mỏ khoáng sản để trực tiếp đôn đốc, ký cam kết nộp trong thời gian sớm nhất.

Thành Chung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/kinh-te/chat-vat-thu-nop-tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san/121799.htm