Chất và lượng tín dụng phải luôn song hành

Một trong những yếu tố giúp chi nhánh duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp đó là tăng dư nợ an toàn, khách hàng vay phải có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng trả nợ.

Là một trong những chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn hệ thống, nhưng Phó giám đốc Agribank chi nhánh Vũng Tàu Nguyễn Văn Thơm cho biết, quan điểm của Ban lãnh đạo chi nhánh là tăng trưởng phải đảm bảo cả lượng lẫn chất. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Thơm đã có những trao đổi thẳng thắn.

Ông có thể cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng cũng như công tác xử lý nợ xấu của chi nhánh trong 6 tháng đầu năm?

Tính đến ngày 30/6/2017, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank chi nhánh Vũng Tàu ở mức 1.847 tỷ đồng, đạt 89,1% kế hoạch được giao. Nợ xấu của chi nhánh là 661 triệu đồng. Nếu tính trên tổng dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh chỉ là 0,04%, thấp hơn nhiều so với mức 1% kế hoạch giao.

Trong công tác thu hồi nợ, riêng nợ đã xử lý rủi ro, chi nhánh được giao thu 3,9 tỷ đồng nhưng chỉ 6 tháng đầu năm chúng tôi đã thu được 5,93 tỷ đồng, vượt hơn 1,5 lần. Hiện tại, các khoản nợ đã bán cho VAMC cũng chỉ còn 3 món. Dự kiến, nếu trong năm 2017 chi nhánh bán đấu giá tài sản thành công của hai khách hàng thì số thu nợ đã bán cho VAMC sẽ vượt kế hoạch giao.

Cách nào đã giúp chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu thấp như vậy, thưa ông?

Thứ nhất, trong công tác tăng trưởng tín dụng, phương châm của chi nhánh là số lượng phải đi đôi với chất lượng. Ngoài ra, chi nhánh tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Agribank và địa phương, là những lĩnh vực đang có dư địa để phát triển và rủi ro thấp.

Thứ hai, công tác quản lý nợ xấu, nợ có vấn đề được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi quyết tâm và chỉ đạo sát sao trong toàn chi nhánh với nỗ lực khống chế nợ xấu, đảm bảo dưới mức kế hoạch được giao.

/**/

Một trong những yếu tố giúp chi nhánh duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp đó là tăng dư nợ an toàn, khách hàng vay phải có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng trả nợ. Chúng tôi xác định nếu cho vay dễ dãi, sau phát sinh rủi ro thì ngân hàng lại phải mất thời gian, chi phí xử lý nợ xấu.

Vậy, từ giờ đến cuối năm, chi nhánh sẽ có những giải pháp gì thúc đẩy tín dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn chất lượng?

Với lượng dư nợ tín dụng còn phải tăng trưởng 6 tháng cuối năm lớn, nhiệm vụ của công tác tín dụng còn khá nặng nề. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực tế, nhất là đặc thù của kinh tế địa phương, mùa du lịch thường rơi vào điểm cuối quý III đầu quý IV, do đó tín dụng tại đây thường tăng thấp vào đầu năm, tăng mạnh vào cuối năm, nên chi nhánh không lo tín dụng tăng trưởng thấp.

Để đạt chỉ tiêu, chi nhánh phân công nhiệm vụ tới từng cán bộ phụ trách tín dụng, khảo sát nhu cầu, xác định dư địa tăng trưởng cụ thể từng đối tượng. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể và đưa ra biện pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp.

Đơn cử, tranh thủ các chương trình cho vay ưu đãi của trung ương thường được tổ chức vào dịp cuối năm, hoặc vận dụng cơ chế của trung ương về lãi suất, mức cho vay, bảo đảm tiền vay để có chính sách hấp dẫn khách hàng. Đồng thời, hạn chế tình trạng khách hàng chuyển sang ngân hàng khác giao dịch, qua đó ổn định dư nợ cho vay.

Còn về quản lý rủi ro thì sao, thưa ông?

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa trong những tháng tới là chi nhánh tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh việc lựa chọn dự án hiệu quả, khả thi để tăng trưởng dư nợ, ngân hàng thường xuyên phân tích thực trạng khoản vay để có cảnh báo sớm nợ xấu tiềm ẩn.

Riêng đối với vấn đề này, ngoài việc đưa ra nhiều biện pháp để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh cũng như thu hồi nợ xấu, chi nhánh tiếp tục giao chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng cán bộ, nhất là gắn cơ chế lương thưởng với kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu của từng cá nhân, đơn vị nhằm duy trì kiểm soát tỷ lệ nợ xấu khi kết thúc năm 2017 vẫn đảm bảo dưới 1%.

Xin cảm ơn ông!

Theo TBNH

Nguồn ANTT: http://antt.vn/chat-va-luong-tin-dung-phai-luon-song-hanh-205288.htm