Chất tạo nạc và bài học chưa thuộc của nhà quản lý

SGTT.VN - Lại một lần nữa, người tiêu dùng, giới sản xuất và xã hội Việt Nam có thêm một thách thức mới về chuyện “an toàn thực phẩm”, với tên gọi: “chất tạo nạc” trong thịt heo. Thật lạ là sau gần hai tháng nổ ra vụ việc chất tạo nạc, đến cuối tuần qua giới quản lý – bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và bộ Y tế – vẫn chưa thống nhất quan điểm với nhau.

Thịt ở chợ đang giảm giá, do người tiêu dùng e ngại việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: L.Q. Nhật

Trong khi bộ NN&PTNT nhìn chất tạo nạc – hay gọi chính xác theo tên khoa học là beta-agonist (gồm các chất salbutamol, clenbuterrol và ractopamine) – như “độc chất” thì bộ Y tế xem đó là “dược chất”. Và trong khi bộ đầu tiên không cho phép ractopamine tồn dư trong thịt, bộ sau lại cho phép tồn tại ở mức độ giới hạn.

Sự nhìn nhận khác nhau này thực tế không sai vì nếu bộ NN&PTNT cho rằng salbutamol, clenbuterrol có thể gây ra ngộ độc mạn tính hoặc cấp tính như run cơ, rối loạn nhịp tim, co thắt phế quản, thậm chí ung thư nên không thể cho phép tồn dư trong thịt heo thì bộ Y tế lại cho rằng hai chất này có tác dụng điều trị các bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, chuyển dạ sớm. Về ractopamine, trong khi bộ NN&PTNT liệt chất này vào danh sách 18 chất cấm dùng trong chăn nuôi thì bộ Y tế lại lưu ý trên thế giới có đến 24 nước vẫn chấp nhận chuyện này.

Tranh cãi và nhìn nhận khác nhau về một vấn đề là chuyện thường tình trong cuộc sống, nhưng đứng về góc độ quản lý nhà nước điều này có nên kéo dài quá lâu trong khi những thiệt hại do chất tạo nạc gây ra không bị ngăn chặn. Ghi nhận thị trường những tuần qua cho thấy, người tiêu dùng đang nói không với thịt heo bất chấp thông tin cho thấy thực tế chỉ có 3% cơ sở nuôi heo sử dụng chất tạo nạc. Hậu quả của điều này là giới chăn nuôi chân chính điêu đứng nặng nề khi mỗi con heo rớt giá cả triệu đồng.

So với các vụ việc trước đây là “nước tương nhiễm 3-MCPD”, “sữa nhiễm melamine” vụ “heo nhiễm chất tạo nạc” lần này dường như có cùng một kịch bản: giới truyền thông nêu lên vụ việc, các nhà quản lý vào cuộc, người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm, giới sản xuất lao đao và xã hội thiệt hại nghiêm trọng. Đối với những vụ việc trước, giới chức trách từng trách cứ giới truyền thông thông tin sai lệch, nặng nề, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Lần này cũng thế, một đại diện của sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng có chuyện nhiễu thông tin: “Việc sử dụng chất cấm trong nuôi heo ở địa phương không nhiều, vì thế người tiêu dùng không nên hoảng sợ đến độ phải tẩy chay thịt heo” (báo Nông nghiệp Việt Nam). Có thể thông cảm cho sự bức xúc của vị đại diện này vì Đồng Nai được xem là “điểm nóng” của chất tạo nạc, nhưng trách cứ báo chí được không khi cũng như các vụ “nước tương bẩn”, “sữa nhiễm độc” trước đây, trong vụ “thịt heo bẩn” lần này thông tin chính thống mà báo chí nhận được từ cơ quan chức năng thiếu thống nhất và không đầy đủ? Ngoài chuyện “đá nhau” trong nhìn nhận về chất tạo nạc, đến nay cả bộ NN&PTNT cũng như bộ Y tế còn nợ người tiêu dùng không ít câu trả lời. Chẳng hạn, thịt heo tồn dư chất tạo nạc đến mức độ nào và người ta ăn bao nhiêu thịt chứa chất tạo nạc mới có thể bị nhiễm độc? Và ngoài thịt heo, liệu chất tạo nạc có được sử dụng trong chăn nuôi gà, vịt hay động vật khác không?

Nếu đã xem chất tạo nạc là “chất cấm”, vậy tại sao không xử lý hình sự việc buôn bán chất này thay vì xử lý hành chính không có tính chất răn đe? Nhiều người đã đề nghị như thế tại hội nghị “Nói không với chất kích thích tạo nạc beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi” do hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (VFA) và viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (IAS) tổ chức cuối tuần tại TP.HCM. Điều đáng nói là chất tạo nạc đã bị liệt vào danh sách chất cấm từ năm 2002, vậy tại sao mãi đến nay nó vẫn là chuyện tranh cãi giữa các bộ và không đi đến hồi kết? Liệu các nhà chăn nuôi chân chính phải còn trả thêm bao nhiêu ngàn tỉ đồng thiệt hại chỉ vì các cơ quan chức năng hành động chậm chạp và đùn đẩy trách nhiệm qua lại nhau?

Phan Sơn

Cá và các loại gia cầm có bị cho ăn chất cấm?

Liệu các chất cấm (họ Beta-agonits) có tác dụng kích thích tăng trưởng, giảm mỡ, giảm độ dày mỡ ở lưng, mông heo, giúp đùi heo to nhiều nạc, màu sắc đỏ hơn… có được sử dụng ở một số vật nuôi khác như gia cầm, thủy sản? Tại hội nghị liên quan đến việc sử dụng chất cấm vừa tổ chức cuối tuần qua, mối lo này đã được PGS Lã Văn Kính giải tỏa khi khẳng định, cho đến nay, các cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện tồn dư chất tạo nạc trên heo chứ chưa tìm ra thêm ở loài nào khác.

TS Nguyễn Quốc Đạt, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, cũng cho rằng chưa có một nghiên cứu nào cho thấy chất cấm được sử dụng cả trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, theo ông Đạt, các chất này vẫn có thể có hiệu quả trên gia cầm và việc sử dụng, nếu có, chỉ có thể xảy ra ở một số trại chăn nuôi nhỏ lẻ chứ các trại, công ty chăn nuôi lớn sẽ không vì lợi ích trước mắt mà làm liều như vậy.

Hiện nay, thị trường thịt gà công nghiệp do một số công ty nước ngoài như C.P, Emivest, Japfa chi phối. Ngoài tự tổ chức nuôi, các công ty này còn cấp con giống, thức ăn, thuốc để khoán người chăn nuôi gia công hưởng định mức trên đầu ký. Qua trao đổi, ông Nguyễn Quốc Trung, giám đốc công ty chăn nuôi Japfa, khẳng định các công ty có tên tuổi, thương hiệu, nhất là doanh nghiệp nước ngoài không dám sử dụng chất cấm cho gà ăn. Ông cũng phân tích, sở dĩ gà công nghiệp nuôi trong thời gian ngắn đạt trọng lượng xuất chuồng vì trong thành phần thức ăn được cơ cấu đủ thành phần dinh dưỡng premix, vitamin, khoáng, men tiêu hóa...

Hoàng Bảy

Cá và các loại gia cầm có bị cho ăn chất cấm?

Liệu các chất cấm (họ Beta-agonits) có tác dụng kích thích tăng trưởng, giảm mỡ, giảm độ dày mỡ ở lưng, mông heo, giúp đùi heo to nhiều nạc, màu sắc đỏ hơn… có được sử dụng ở một số vật nuôi khác như gia cầm, thủy sản? Tại hội nghị liên quan đến việc sử dụng chất cấm vừa tổ chức cuối tuần qua, mối lo này đã được PGS Lã Văn Kính giải tỏa khi khẳng định, cho đến nay, các cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện tồn dư chất tạo nạc trên heo chứ chưa tìm ra thêm ở loài nào khác.

TS Nguyễn Quốc Đạt, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, cũng cho rằng chưa có một nghiên cứu nào cho thấy chất cấm được sử dụng cả trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, theo ông Đạt, các chất này vẫn có thể có hiệu quả trên gia cầm và việc sử dụng, nếu có, chỉ có thể xảy ra ở một số trại chăn nuôi nhỏ lẻ chứ các trại, công ty chăn nuôi lớn sẽ không vì lợi ích trước mắt mà làm liều như vậy.

Hiện nay, thị trường thịt gà công nghiệp do một số công ty nước ngoài như C.P, Emivest, Japfa chi phối. Ngoài tự tổ chức nuôi, các công ty này còn cấp con giống, thức ăn, thuốc để khoán người chăn nuôi gia công hưởng định mức trên đầu ký. Qua trao đổi, ông Nguyễn Quốc Trung, giám đốc công ty chăn nuôi Japfa, khẳng định các công ty có tên tuổi, thương hiệu, nhất là doanh nghiệp nước ngoài không dám sử dụng chất cấm cho gà ăn. Ông cũng phân tích, sở dĩ gà công nghiệp nuôi trong thời gian ngắn đạt trọng lượng xuất chuồng vì trong thành phần thức ăn được cơ cấu đủ thành phần dinh dưỡng premix, vitamin, khoáng, men tiêu hóa...

Hoàng Bảy

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/tieu-dung/163025/chat-tao-nac-va-bai-hoc-chua-thuoc-cua-nha-quan-ly.html