Chặt rừng thông 30 năm trồng mắc ca: Kinh doanh mạo hiểm!

Việc chặt rừng thông 30 năm để trồng mắc ca là chủ quan, khi chưa có đánh giá hiệu quả về loài cây này.

Không nên chặt rừng trồng mắc ca, chỉ nên trồng xen kẽ

Trước thông tin, để phát triển kinh tế, gần 122harừng thông đã được trồng từ 30 năm nay thuộc tiểu khu 481, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, sẽ được chặt bỏ để trồng cây mắc ca, TS Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên vô cùng lo ngại.

Trao đổi cụ thể với Đất Việt, ngày 21/8, ông Vinh cho biết: "Hiện nay, một số vùng ở Tây Nguyên trồng mắc ca nhưng không hiệu quả, bởi giống cây trên yêu cầu hệ sinh thái vô cùng nghiêm ngặt.

Đầu tiên, chế độ nhiệt phải đúng, chế độ mưa hài hòa, vừa đủ; thời gian ra hoa, đậu quả chính xác. Nếu không thử nghiệm mà trồng ngay là không được, phải có quy hoạch, đánh giá điều kiện sinh thái, đất đai thật chi tiết để có một phương án trồng cho hiệu quả, không mất hết cả vốn lẫn lãi.

Vốn dĩ cây mắc ca không chịu được gió, trong khi cây thông chắn gió cho mùa khô rất hiệu quả, nếu chặt thông đi, liệu trồng mắc ca có hiệu quả, khi Kon Tum khá nhiều gió.

Cho nên, việc chặt rừng thông 30 năm để trồng mắc ca là hơi chủ quan, khi chưa có đánh giá. Đáng lẽ phải xem hiệu quả so sánh với trồng cây thông ra sao, nếu thực sự hơn thì hãy trồng. Chưa đánh giá được thì đừng nên quá mạo hiểm đối diện với rủi ro.

Những cây thông đã gần 30 năm tuổi bị chặt bỏ nhường đất cho mắc ca

Cây thông hiện nay là cây có giá trị kinh tế lại vừa bảo vệ môi trường, để chọn cây gì phải đảm bảo các mục đích: về mặt kinh tế, môi trường, rồi cả xã hội, có công ăn việc làm cho người dân. Tôi cho rằng đây là việc làm chủ quan, chúng ta không nên liều lĩnh như vậy".

Bên cạnh đó, theo ông Vinh, giá trị kinh tế của rừng thông 30 năm là rất lớn, một m3 gỗ thông hiện nay dường như cũng trên chục triệu đồng, nếu chặt đi là mất hoàn toàn và không còn nữa.

Giờ lại trồng mắc ca nếu sau 8 năm không thu hoạch được thì là hai lần thất bại. Hơn nữa, nó ảnh hưởng tác động đến môi trường, nên rút kinh nghiệm từ bài học của Ea Súp (Đắk Lắk), khi kiên quyết chặt rừng Khộp để trồng điều, sau này thấy điều không hiệu quả ở đó, nên mất đi mấy nghìn ha đất rừng.

"Dù có làm gì cũng phải thử nghiệm trước, nếu thử nghiệm cũng phải đánh giá vùng trồng gần đó, khí hậu, đất đai tương tự xem phù hợp, hiệu quả hay không cả kinh tế và môi trường.

Cây mắc ca là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu đầu tư đúng cách, chăm bón đúng kỹ thuật và tìm được đầu ra, thì giá trị kinh tế mang lại không kém cây cà phê và hồ tiêu, 1ha cây mắc ca có thể cho 3-4 tấn hạt thô, trong khi đó, mỗi kg hạt thô có thể bán với giá từ 3-4 USD.

Tuy nhiên, trồng cây gì cũng phải có khởi nghiệp, bây giờ chỉ trồng 5-1 ha, 7-8 năm sau hiệu quả thì mở rộng tiếp đừng vội vàng.

Mặc dù cây mắc ca có giá trị kinh tế như vậy, nhưng nhiều năm qua, nông dân trồng nhiều nhưng vẫn chưa thể "đổi đời", thậm chí có nơi còn phải chặt bỏ trong thua lỗ. Tất cả đều do lặp lại các sai lầm kép: Không những bởi đầu tư không theo quy hoạch, không qua nghiên cứu, mua giống tràn lan và trồng "không đúng đất".

Trong khi đó, cây mắc ca là loại cây khó tính, không phải vùng đất nào của Tây Nguyên cũng thích hợp. Mắc ca là cây á nhiệt đới, yêu cầu độ ẩm cao, đất dày. Cây này đòi hỏi được chăm sóc đúng kỹ thuật", ông Vinh phân tích rõ.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia trên, ở đây có xảy ra việc dự án nối dự án mà không thu được hiệu quả nên tác hại lớn, ảnh hưởng rất nhiều từ lũ lụt, hạn hán, nên không ai muốn chặt rừng để trồng cây khác.

"Cây mắc ca là cây mới đưa về Việt Nam nên chúng tôi khuyên bà con trồng xen vào các cây có sẵn như cây cà phê, cây ăn quả không ảnh hưởng gì lại có thu nhập, nhưng chặt rừng trồng cây mắc ca thì chúng tôi không ủng hộ.

Ở Tây Nguyên, tính đến nay tổng diện tích mô hình trồng xen là hơn 15ha. Kết quả bước đầu cho thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt ở tất cả các mô hình trồng xen. Sau 4-5 năm cho năng suất khoảng 10kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15kg/cây/năm", ông Vinh tiết lộ.

Đừng vội vàng

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho rằng, lãnh đạo địa phương cần phải làm rõ, khu vực rừng thông là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hay rừng phát triển sản xuất, nếu là rừng sản xuất họ có quyền trồng, quyền sử dụng vào mục đích như mình mong muốn.

Cái điểm quan trọng là vì sao phải bắt buộc chặt rừng thông, do thông đã đến giai đoạn lấy gỗ, khai thác được, có giá trị kinh tế rồi thì khoản thu được như thế nào cũng cần làm rõ.

Hay chặt là vì thấy cái gì hiệu quả hơn thì chạy theo trong khi chưa biết có hiệu quả không, cây mắc ca, đến nay chưa có đánh giá nào cụ thể về hiệu quả, đã có nhiều địa phương chịu thiệt hại lớn khi phá rừng trồng mắc ca.

"Khi đã chặt rừng thông nó còn liên quan đến vấn đề phòng hộ, chống xói mòn. Mắc ca là phải trồng thử. Tôi ủng hộ mắc ca nhưng cần phải cẩn trọng, xem điều kiện khí hậu thích hợp không, trồng thử bao nhiêu diện tích, tự nhiên trồng nhiều mà không tính toán là khốn khổ. Rồi quan hệ cung cầu rất quan trọng. Tất cả phải xem cụ thể đừng vội vàng", ông Khả cảnh báo.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chat-rung-thong-30-nam-trong-mac-ca-kinh-doanh-mao-hiem-3341574/