Chất lượng là yếu tố hàng đầu để kết nối giao thương

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Để tiêu thụ được sản phẩm một cách bền vững, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tại các tỉnh, thành phố phải đặt chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng lên hàng đầu.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã kết nối với các địa phương khai thác nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Ảnh: Hải Nguyễn

Tạo chuỗi cung ứng bền vững

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối khai thác, tiêu thụ sản phẩm với các địa phương trên cả nước. Đây là hoạt động đồng hành thiết thực với các DN, nhà sản xuất, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.

Theo Bộ Công Thương, chương trình kết nối cung cầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhất là vào những dịp cao điểm như các tháng cuối năm và ngày lễ, tết. Đặc biệt, đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm khi nguồn cung thiếu tính ổn định do bị tác động bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết.

Nổi bật như loạt chương trình kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau… giúp các DN, cơ sở sản xuất của Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, khai thác thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Mặt khác, Sở còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN nâng cao giá trị hàng hóa, xây dựng quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường…

Qua những chương trình kết nối, nhiều sản phẩm thế mạnh của các địa phương như gạo, trái cây, gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại tại Hà Nội và được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đón nhận. Trong đó, không thể không nhắc đến những DN tích cực tham gia kết nối như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), hệ thống các siêu thị Vinmart, Big C, Co.opmart, Fivimart, Intimex… đã kết nối với các địa phương khai thác các sản phẩm rau, củ, quả, chè an toàn với sản lượng trung bình đạt hơn 50 tấn/tháng…

Đẩy mạnh liên kết

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn Hà Nội và cả nước đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động kết nối cung - cầu còn gặp nhiều khó khăn, do tại nhiều địa phương có ít DN lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho nông dân, đơn vị sản xuất, nên các DN Hà Nội khó gom được lượng hàng lớn với chất lượng đồng nhất.

Các DN cung ứng, phân phối chưa thống nhất được điều kiện về giao nhận hàng hóa, điều khoản thanh toán, ít DN phân phối chủ động hướng dẫn kỹ thuật, đơn vị sản xuất sẵn sàng hủy hợp đồng với đơn vị phân phối để bán hàng hóa cho thương lái khi họ mua với giá cao hơn… là những khó khăn khi kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố.

Để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững và được người tiêu dùng đón nhận, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp nhằm khai thác hàng hóa thế mạnh, đặc sản các vùng, miền tiêu thụ tại Hà Nội. Trong quá trình hỗ trợ nông dân, DN sản xuất, các sở, ngành cần định hướng cung cầu, hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) và tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP). Các DN cần quan tâm đến đóng gói, thiết kế mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, tiếp tục chủ động kết nối với DN phân phối của Hà Nội để đưa sản phẩm vào thị trường Thủ đô.

Đối với các DN phân phối ở Hà Nội, Sở Công Thương đề nghị, cần tạo điều kiện thuận lợi, tư vấn, hỗ trợ… để sản phẩm của DN các tỉnh, thành phố được vào các kênh phân phối của đơn vị mình và đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng Thủ đô cũng như cả nước.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/852273/chat-luong-la-yeu-to-hang-dau-de-ket-noi-giao-thuong