Chất lượng hàng hóa thấp là lo ngại lớn nhất của người mua sắm trực tuyến

Với ưu thế cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng Internet ước tính 45%, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang là một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân.

Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 châu Á và đứng thứ 18 thế giới về tốc độ tăng trưởng người dùng Internet. Không chỉ mua bán qua các website TMĐT, các hình thức mưa bán trên mạng xã hội hay qua các ứng dụng trên thiết bị di động cũng ngày càng phổ biến.

Theo Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm 2015 ước tính khoảng 160USD và doanh số thu từ TMĐT bán lẻ ước đạt 4,07 tỷ USD, tăng gần gấp đôi từ con số 2,2 tỷ USD năm 2013 và chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ này chưa phải là lớn, nhưng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới.

Theo bà Lê Thị Hà (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương): Ba nhóm hàng hóa, dịch vụ được người dân mua trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (64%); tiếp theo là đồ công nghệ, điện tử và thiết bị đồ dùng gia đình. Xu hướng mua hàng qua diễn đàn, mạng xã hội cũng đang tăng nhanh trong thời gian gần đây, từ 53% năm 2014 lên 68% năm 2015. Với hơn 127 triệu thuê bao di động, Việt Nam đang dần tiếp cận với các hình thức kinh doanh thông qua các thiết bị di động. Có đến 85% người dân truy cập Internet bằng thiết bị di động và 74% sử dụng thiết bị này để tìm kiếm thông tin trước khi mua hàng. Xu hướng này đang được dự đoán sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục là xu hướng được chào đón trong thời gian tới.

Nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) cho rằng thị trường bán lẻ trực tuyến vẫn chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Các tập đoàn lớn trong nước và các công ty bán lẻ nước ngoài cũng đã chú ý đầu tư vào mảng bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, điển hình là việc Tập đoàn Vingroup đầu tư hơn 700 tỷ đồng thành lập Công ty VinE-com, chính thức tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Hay Alibaba, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, mua lại trang bán hàng trực tuyến Lazada, chính thức đặt chân vào thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ phát triển nhanh và ổn định trong giai đoạn 5 năm tới 2016 - 2020, với tốc độ phát triển khoảng 30%/năm. Với dân số hơn 90 triệu người, 127 triệu thuê bao di động và 21,9 triệu số thuê bao 3G, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động. Hiện nay hơn 32 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm gần 36% dân số.

Khảo sát năm 2015 cũng cho thấy 30% người tiêu dùng gắn bó mật thiết với việc tham khảo mạng xã hội để đưa ra quyết định mua sắm. Đến năm 2020 dự đoán tình hình ứng dụng TMĐT sẽ không chỉ còn tập trung tại 2 thành phố lớn nữa mà sẽ tiếp tục mở rộng trên phạm vi cả nước.

Các mô hình kinh doanh mới, đa dạng sẽ tiếp tục được hình thành và được doanh nghiệp vận hành, triển khai rộng khắp. Thị trường TMĐT sẽ có sự xuất hiện của các doanh nghiệp TMĐT quy mô lớn, uy tín đáp ứng nhu cầu mua sắm của đại bộ phận người tiêu dùng.

Tuy vậy, việc mua bán trên mạng của Việt Nam vẫn còn nhiều cản trở, trước hết phải kể đến hạ tầng công nghệ cho thanh toán trực tuyến. Khảo sát năm 2015 cho thấy, tỷ lệ người tham gia thanh toán trực tuyến khi mua hàng trên mạng chưa nhiều, tỷ lệ người dân thanh toán truyền thống bằng tiền mặt khi nhận hàng vẫn chiếm áp đảo với 91%.

Thêm vào đó, trở ngại lớn nhất được người tiêu dùng nhắc đến khi mua sắm trực tuyến là vấn đề chất lượng sản phẩm kém so với quảng cáo (73%), thứ hai là trở ngại về giá cả (61%) và cuối cùng là khâu vận chuyển và giao nhận (45%).

Ngoài ra, gần đây hàng loạt những vụ lừa đảo qua mạng, kinh doanh đa cấp trá hình bị các cơ quan chức năng phanh phui như vụ việc tập đoàn Tâm mặt trời sử dụng hai trang web emt.vn và emt.com.vn, Công ty cổ phần Đào tạo mua bán Trực tuyến muaban24h.vn, Công ty cổ phần xuyên Việt binhongiathitruong.com.vn... bán hàng đa cấp lừa đảo hàng chục nghìn người với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng cũng khiến lòng tin của người mua sắm giảm sút.

Những trở ngại trên đặt ra đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đối với thị trường bán lẻ nói chung và thị trường bán lẻ trực tuyến nói riêng, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực.

Theo đại diện Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, thực tế là các mánh khỏe trá hình đều nằm ngoài các giao dịch thương mại điện tử và hiện nay, thanh toán điện tử chưa xứng với tiềm năng. Do vậy, để có thể phát triển bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử.

Nam Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/chat-luong-hang-hoa-thap-la-lo-ngai-lon-nhat-cua-nguoi-mua-sam-truc-tuyen-393686/