Chất lượng cà phê rang xay, hòa tan vẫn được 'thả nổi'

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao, hiện Việt Nam mới quản lý cà phê nhân, còn chất lượng cà phê rang xay và cà phê hòa tan thì vẫn còn chưa rõ.

Kẽ hở trong quản lý cà phê thành phẩm ở Việt Nam

Trong tháng 6, 7/2016 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng caffeine trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương và Sóc Trăng.

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/l), đặc biệt đáng báo động trong đó có tới 5 mẫu hoàn toàn không caffeine và có tới 30% cà phê trên thị trường là giả.

Còn theo hồ sơ lưu tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), nhiều mẫu cà phê sau khi được kiểm định bởi cơ quan có thẩm quyền đã thu được kết quả là tỷ lệ caffein bằng 0, có nghĩa là không có thành phần của cà phê trong sản phẩm cà phê bột.

Điều đó đồng nghĩa với việc chủ nhiều cơ sở rang xay cà phê không hề sử dụng hạt cà phê để rang, mà chỉ sử dụng bắp, đậu nành và một số loại khác, chưa kể chủ cơ sở này đã sử dụng tổng hợp hóa chất, hương liệu trôi nổi trên thị trường.

Báo chí thời gian gần đây cũng đưa ra nhiều thông tin cảnh báo về vấn đề chất lượng cà phê ở nước ta hiện nay kém, không đảm bảo an toàn thực phẩm (cà phê bẩn), gây bức xúc trong dư luận và người tiêu dùng.

Thậm chí, nhiều “ông lớn” sản xuất cà phê trong nước, các thương hiệu cà phê nổi tiếng như Vinacafe, Nestlé, Lê Phan… đều thừa nhận bán cà phê pha trộn tùy thuộc vào thị hiếu người dùng, ngoài cà phê nguyên chất 100% cà phê.

Ông Nguyễn Viết Vinh: Phải có tiêu chuẩn cà phê để làm thước đo đánh giá chất lượng cà phê.

Theo đại diện công ty TNHH Cafe Lê Phan, để sản xuất những dòng cà phê giá rẻ thì chắc chắn phải trộn thêm các loại ngũ cốc và hương liệu.

Điều đáng nói là người tiêu dùng bỏ tiền ra mua cà phê nhưng rồi lại phải “đánh cược” sức khỏe của mình khi không thể chắc chắn đó là cà phê nguyên chất hay chỉ là đậu nành rang cháy, thêm tinh chất cà phê, hoặc thậm chí là được pha hoàn toàn từ... hóa chất không nguồn gốc.

Hơn nữa, nhiều người dân Việt vẫn đang băn khoăn với câu hỏi: Cà phê pha trộn bán đầy rẫy trên các kệ hàng, trong các siêu thị ở Việt Nam có thực sự an toàn không khi các doanh nghiệp sản xuất cà phê không công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm vì… sợ sẽ lộ bí quyết kinh doanh. Thêm vào đó, đậu nành, đỗ tương vốn không có hại nhưng theo giới y khoa, những loại thực phẩm này khi chế biến, được rang cháy khét lại tạo ra Aquynlamits, amin đa vòng, hidro đa vòng thơm và Nitroxamin – đây là những chất độc, không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam nhấn mạnh: Cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp phải đưa ra những quy định về chất lượng của cà phê tại Việt Nam, cà phê như thế nào thì được gọi là “cà phê sạch”, như thế nào thì bị gọi là “cà phê bẩn”.

“Thứ nhất, phải có quy chuẩn về cà phê để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tức là an toàn trong đồ uống, nhằm định hướng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà sản xuất. Trước đây, Việt Nam đã có tiêu chuẩn về cà phê nhân, chúng tôi cũng đang đề nghị Bộ Y tế cho tiêu chuẩn về chất lượng cà phê rang xay và hòa tan để quản lý và định hướng người tiêu dùng”.

Đại diện hãng cà phê Lê Phan cũng chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang mong có được những thông số cụ thể về tiêu chuẩn cho sản phẩm café để từ đó tuân thủ”.

Tại Diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với tổ chức USAID (Mỹ) tổ chức mới, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng Giám đốc Công ty Vinacafe Biên Hòa cũng nhấn mạnh: “Phải có một bộ tiêu chuẩn mới quản lý được thị trường cà phê. Chúng ta đang tự hào là quốc gia xuất khẩu hàng đầu cà phê thế giới, nhưng đa số xuất thô, không có thương hiệu.

Ngay trong nước, chúng ta cũng không có một bộ tiêu chuẩn về cà phê để người ngoài nhìn vào biết cà phê Việt Nam thế nào, toàn nghe câu chuyện cà phê trộn bột bắp, bột đậu nành, trộn hóa chất… rất đáng buồn. Bộ tiêu chuẩn này nói rõ cà phê nguyên chất, hòa tan, cà phê hỗn hợp… thế nào. Thực tế, hiện trên thị trường, chỉ có mỗi loại duy nhất là cà phê. Và thị trường đang lẫn lộn giữa thực giả rất nguy hại”.

Ông Kỷ cũng khẳng định: Phải thực hiện việc đưa ra tiêu chuẩn cà phê này vì đây là tương lai cho một ngành công nghiệp cà phê Việt mà các hội viên trong Hiệp hội cà phê Việt Nam rất trăn trở lâu nay.

Trách nhiệm thuộc Bộ Y tế ở đâu?

Theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của Bộ Y tế, việc quản lý chất lượng sản phẩm nông sản là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, điều 21 Nghị định 38/2012/NĐ-CP, cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý an toàn thực phẩm cà phê là Bộ Nông nghiệp. Tính đến năm 2016, Bộ Nông nghiệp đã ban hành 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về cà phê, bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chế biến cà phê – điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm QCVN 01-06 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cà phê nhân – các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm QCVN 01-26.

Việc kiểm tra các chất phụ gia trong cà phê có an toàn hay không là trách nhiệm thuộc Bộ Y tế.

Với 2 quy chuẩn này, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với cà phê. Còn việc quản lý đối với cà phê thành phẩm, các quy chuẩn bắt buộc về cà phê rang xay và cà phê hòa tan thì chưa có, chính vì vậy mà các doanh nghiệp hiện nay vẫn cứ thoải mái lập lờ về thành phần trên nhãn mác.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cho biết: Vừa rồi, Hiệp hội cũng đã đưa ra kiến nghị, đề xuất về dự thảo về quy chuẩn cà phê, trong đó phải nêu rõ quy định thành phần trong cà phê gồm những gì, được phép pha trộn tỷ lệ bao nhiêu % để đảm bảo sức khỏe con người. Tuy nhiên, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho rằng: Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa thống nhất được!

“Tôi nghĩ quản lý chất lượng cà phê trách nhiệm của Bộ Y tế vì nó liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm cho người. Cà phê thành phẩm có các chất phụ gia trong khi Bộ Y tế phụ trách về các phụ gia, những thứ trên bàn ăn, bàn uống, liên quan tới sức khỏe an toàn cho con người thì trách nhiệm thuộc Bộ Y tế.

Thêm vào đó, cần kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất pha đậu nành hoặc bắp theo tỷ lệ bao nhiêu. Với tỷ lệ đó, khi rang xay, hoặc có chút dầu vào thì cà phê có đảm bảo hay không, có gây ra quá trình thay đổi chất, và chất bị thay đổi đó có an toàn hay không, Bộ Y tế phải chứng minh điều đó thì mới gọi là an toàn vệ sinh thực phẩm” – ông Vinh nói.

Mặc dù vậy, theo ông Vinh, việc xem xét chất phụ gia trong cà phê có an toàn cho người hay không, điều này cần cả một quy trình, ông cho rằng trách nhiệm này thuộc về Bộ Y tế.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chat-luong-ca-phe-rang-xay-ca-phe-hoa-tan-ai-quan-ly-d103242.html