Chắp cánh cho tài năng trẻ bay cao

Quỹ “Bảo trợ tài năng trẻ TP Hồ Chí Minh” năm 2016 vừa trao kinh phí bảo trợ cho 10 tài năng trẻ của thành phố trên các lĩnh vực học tập, giảng dạy, văn hóa - nghệ thuật và thể dục - thể thao.

Dù ở lĩnh vực nào, những tài năng trẻ này vẫn luôn cống hiến, cháy hết mình với đam mê, mang về những thành tích đáng tự hào cho bản thân, gia đình, thành phố và đất nước...

Trong 10 tài năng trẻ được trao kinh phí bảo trợ năm nay, có năm người đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học. Những đề tài nghiên cứu khoa học, những sáng kiến của các bạn không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế.

Nguyễn Xuân Giềng là một trong những tài năng trẻ như thế. Đam mê công nghệ thông tin (CNTT) từ nhỏ, chàng trai gốc Quảng Trị này đã không ngừng nỗ lực để biến ước mơ trở thành chuyên gia CNTT thành hiện thực. Trên giảng đường đại học, Xuân Giềng đã nhận được nhiều học bổng và giải thưởng, đáng kể nhất là giải thưởng “Ý tưởng xuất sắc” của cuộc thi Việt Nam Hackademics năm 2015; Giải đặc biệt “Nghiên cứu khoa học Eureka năm 2015”; Top 3 dự án khởi nghiệp công nghệ tham gia chương trình Push Accelerator năm 2016,… Tài năng trẻ sinh năm 1993, sinh viên năm cuối Khoa CNTT, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, không có thành công nào đến dễ dàng, điều quan trọng là có ước mơ và biết vượt qua những thử thách. Để đi đến thành công thì không sợ thất bại vì khi thất bại sẽ giúp chúng ta có những kinh nghiệm quý báu và trở nên mạnh mẽ hơn.

Nguyễn Phúc Cảnh là một trong những điển hình về gương thầy giáo vừa giảng dạy tốt, vừa thành công trong nghiên cứu khoa học. Đến nay, Nguyễn Phúc Cảnh đã có ba bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế, 44 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước. Giảng viên trẻ của Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh này còn tham gia và báo cáo đề tài ở bốn hội thảo khoa học quốc tế, 28 hội thảo trong nước. Phúc Cảnh hiện đã thực hiện 10 đề tài nghiên cứu khoa học, là nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp thành phố trong hai năm 2014 và năm 2015. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học còn được anh truyền sang cho sinh viên của mình. Tiến sĩ, thầy giáo Nguyễn Phúc Cảnh cho biết, nhờ thường xuyên tiếp xúc với các hoạt động của sinh viên thông qua công tác đoàn, anh đã tiếp thêm lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên và giúp đỡ sinh viên thực hiện những đề tài nghiên cứu đầu tiên. “Khi còn là sinh viên, tôi cũng được các thầy cô tận tình giúp đỡ trong nghiên cứu khoa học. Vì thế, khi trở thành giảng viên, tôi cũng muốn mang sự tận tình ấy đến với sinh viên của mình để các bạn có thêm tự tin”, giảng viên trẻ Nguyễn Phúc Cảnh chia sẻ… Trong những năm gần đây, cái tên Nguyễn Thị Mộng Quỳnh được nhiều người nhắc đến như là một gương mặt triển vọng của thành phố và cả nước ở môn võ Tê-cuôn-đô. Những chiếc huy chương vàng, bạc, đồng mà Mộng Quỳnh mang về cho đất nước ở các giải châu Á hay thế giới đã chứng minh điều đó. Hiện, cô võ sĩ nhỏ nhắn Nguyễn Thị Mộng Quỳnh đang là sinh viên năm nhất, khoa Quản lý thể dục - thể thao của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Cô gái trẻ hai năm liên tiếp được nhận kinh phí bảo trợ tài năng trẻ TP Hồ Chí Minh này sẽ còn tiếp tục gặt hái nhiều thành công với “nghiệp” võ mà cô đã say mê, chọn lựa.

Là một trong những tài năng nhỏ tuổi nhất được nhận kinh phí bảo trợ của Quỹ “Bảo trợ tài năng trẻ TP Hồ Chí Minh” năm 2016, cô bé 11 tuổi Nguyễn Lan Anh luôn biết cách “thôi miên” khán giả bằng những ngón đàn điêu luyện của mình. Năm 2015, Lan Anh đạt giải nhất bảng A cuộc thi piano quốc tế tại Hà Nội. Cũng trong năm đó, Lan Anh tiếp tục chinh phục ban giám khảo khi đạt giải nhất bảng C cuộc thi piano quốc tế Medan Indonesia. Trong năm 2016 này, Lan Anh lại tiếp tục giành giải nhất cuộc thi Steinway International Youth Competition 2016 tại Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, ngay từ nhỏ, ông nội đã truyền cho Lan Anh tình yêu với âm nhạc cổ điển. Theo thời gian, tình yêu ấy ngày càng mãnh liệt hơn trong trái tim của cô bé xinh xắn này. Mỗi ngày, Lan Anh đều dành hai giờ để tập đàn. Lan Anh “bật mí”, số tiền nhận được từ Quỹ “Bảo trợ tài năng trẻ” sẽ được em dùng để mua sách âm nhạc vì “sách học âm nhạc của em phải mua ở nước ngoài mới có”,… TUY giá trị vật chất không nhiều (mỗi tài năng trẻ được bảo trợ 20 triệu đồng), nhưng Quỹ “Bảo trợ tài năng trẻ TP Hồ Chí Minh” thật sự là nguồn động viên, nâng cánh cho những tài năng trẻ tiếp tục bay cao, bay xa, mang vinh quang về cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và cho đất nước nói chung…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/31131602-chap-canh-cho-tai-nang-tre-bay-cao.html