Chào mừng ĐHĐB Phụ nữ TP.HCM lần thứ X: Chỉ ra 'điều chưa được' để làm bàn đạp bước tới

Trước thềm Đại hội đại biểu phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều cán bộ, hội viên đã đóng góp ý kiến về những điều cần làm tốt hơn nữa trong các hoạt động Hội thời gian qua.

Đào đạo trực tuyến: Phải nâng cấp

Hệ thống đào tạo trực tuyến (ĐTTT) dành cho cán bộ Hội là mô hình đầu tiên trong cả nước, đến nay đã tổ chức được 14 khóa học, thu hút hơn 4.000 lượt học viên. Dù bước đầu mang lại hiệu quả, song hệ thống ĐTTT vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, người từng là giảng viên nhiều khóa ĐTTT của Hội về y tế công cộng - góp ý: Tính tương tác của hệ thống ĐTTT của Hội chưa cao. Để tổ chức một khóa ĐTTT, điều quan trọng nhất không phải là khâu ghi hình, phát hình, mà chính là quá trình tương tác hai chiều giữa người học và hệ thống đào tạo. Thực tế, lớp học “ảo” này, nếu triển khai bài bản, sẽ mang lại hiệu quả rất cao, tiết kiệm nhiều chi phí.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, người tham gia giảng dạy một số chuyên đề về kỹ năng cho cán bộ Hội qua hệ thống ĐTTT cho rằng, các lớp học rất cần những “cố vấn học tập” để phản hồi những câu hỏi của HV, giải quyết những “tình huống có vấn đề” phát sinh trong quá trình tự học. Ông nói: “Rất cần tổ chức lại hệ thống ĐTTT sao cho bài bản và chất lượng hơn. Đặc biệt, cần rà soát kỹ lại yêu cầu thực tế, điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp và phong phú hơn”.

Cán bộ Hội: Cần nâng chất

Nâng chất lượng cán bộ Hội là mối quan tâm của lãnh đạo Hội và cũng chính là niềm mong mỏi của HV. Tham gia công tác Hội và phong trào PN tại địa phương nhiều năm, chị Trần Lắm Thương, Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 8, P.12, Q.6 tâm tư:

“Một số buổi sinh hoạt tại chi, tổ hội thường tập trung vào việc triển khai, báo cáo, tuyên truyền các nội dung của Hội, gây nhàm chán cho người dự. Không hiếm cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế về trình độ, khả năng diễn đạt, tuyên truyền nên chưa thật sự thu hút chị em”.

Nhu cầu của HV, PN khi tham dự các buổi sinh hoạt Hội là được hỏi, được xem, được chia sẻ các vấn đề mà mình quan tâm. Điều này đòi hỏi lãnh đạo Hội cấp cơ sở phải có kiến thức, chuyên môn, vốn sống và sự tự tin.

Bà Trần Thị Thành, Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình nhìn nhận: “Hiện nay, một số cán bộ là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội PN phường vẫn chưa thể đứng ra truyền thông, báo cáo chuyên đề; nhiều nội dung, chuyên đề sinh hoạt Hội phải cậy nhờ đến báo cáo viên bên ngoài”.

Giảm "hành hóa chính" tổ chức Hội

Theo thống kê, mỗi quý, Hội LHPN Q.Bình Thạnh phải gửi 36 báo cáo cho Hội cấp trên, quận ủy và các phòng ban, đơn vị cấp quận; cơ sở Hội ở quận này nhận khoảng 46 văn bản các loại và phải thực hiện 16 báo cáo, biểu mẫu liên quan đến việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ở cấp chi, tổ hội, áp lực sổ sách còn nặng nề hơn bởi các cấp này chỉ có một hoặc hai cán bộ chuyên trách không hưởng lương.

Chị Võ Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN Q.Phú Nhuận cho biết: “Cán bộ Hội ở cơ sở, đặc biệt các chi tổ hội đang bị quá tải vì sổ sách. Các biểu mẫu đã quá nhiều, Trung ương Hội lại còn “cập nhật” thường xuyên một cách không cần thiết. Có khi đầu nhiệm kỳ triển khai một biểu mẫu đánh giá thi đua, bỗng dưng giữa nhiệm kỳ thay bằng biểu mẫu mới mà trong đó chỉ thay đổi cách bình xét thi đua, thêm một cột hay bớt một cột”.

Chị Võ Hồng Xuân, Chủ tịch Hội LHPN P.Thạnh Xuân, Q.12 trăn trở: “Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN TP.HCM đã thực hiện dự án “Xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ HV, sổ sách của hệ thống Hội” giúp giảm tải sổ sách, giấy tờ, giúp thống kê các số liệu báo cáo một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ Hội các cấp, vì sao không mạnh dạn đề xuất Trung ương Hội triển khai rộng rãi?”.

Chưa ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành phụ nữ

Thời gian qua, mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở nhiều nơi vẫn hoạt động… cầm chừng, mang tính hình thức; PN bị chồng đánh, trẻ bị cha mẹ bạo hành vẫn không biết kêu đâu khi nhiều đường dây nóng còn… nguội.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Chi hội trưởng chi hội PN P.14, Q.Gò Vấp tiếp một trường hợp đến tạm lánh tại địa chỉ tin cậy của cộng đồng trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấ p Ảnh: Phùng Huy

Từng là một nạn nhân của bạo lực gia đình, hiện quản lý một địa chỉ tin cậy cộng đồng, nhưng chị Nguyễn Thị Bích Thủy ở Chi hội PN khu phố 4, P.14, Q.Gò Vấp cho rằng, những “địa chỉ” này chỉ hoạt động bằng cái tâm thôi là chưa đủ, cần có sự kết nối chặt chẽ với công an, chính quyền, với các trung tâm trợ giúp pháp lý, giới thiệu việc làm; người phụ trách “địa chỉ” cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức về tâm sinh lý… để giúp các nạn nhân đến nơi, đến chốn.

Còn "khép cửa" với lao động nữ nhập cư

Chị Nguyễn Thị Mỹ ở Chi hội PN khu phố 3, P.16, Q.4 thông tin: Hội PN có nhiều nguồn vốn cho vay, nhưng phải đáp ứng một số điều kiện như: phải là HV, có hộ khẩu thường trú, nếu diện KT3 thì phải có xác nhận của địa phương. Điều này khiến một số chị em khi cần vốn khẩn cấp đã phải vay “nóng” bên ngoài. “Tôi hy vọng, Hội PN mạnh dạn phát vay cho đối tượng là phụ nữ nhập cư, công nhân ở trọ sống trên địa bàn TP.HCM”, chị bày tỏ.

Bà Nguyễn Hồng Bích, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH XK thực phẩm Hai Thanh (Khu công nghiệp Hiệp Phước, H.Nhà Bè) cho rằng: “Dường như Hội đã “đánh rơi” nhiều lao động nữ nhập cư. Nếu Hội muốn vươn tay tập hợp được lực lượng nữ công nhân, cần mạnh dạn, chủ động và kiên trì hơn trong việc phối hợp với doanh nghiệp, công đoàn”.

Đừng bỏ "trận địa" an toàn vệ sinh thực phẩm

Tác giả Ngọc Trúc, Ủy viên Hội Sân khấu TP.HCM góp ý: “An toàn thực phẩm là vấn đề mà PN nói riêng, người dân nói chung hết sức quan tâm và quan ngại. Hội đã triển khai nhiều hoạt động như tạo mảng xanh ở ngoại thành, tạo những vườn rau dinh dưỡng tại gia đình HV, đó là điều rất đáng quý. Nhưng tôi nghĩ, Hội cần đẩy mạnh các hoạt động giám sát vấn đề an toàn thực phẩm”.

Nghi Anh - Việt Phương

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/hoat-dong-hoi/tin-trong-hoi/chao-mung-dhdb-phu-nu-tphcm-lan-thu-x-chi-ra-dieu-chua-duoc-de-lam-ban-dap-buoc-toi-85095/