Chào bán 7,7% cổ phần cho GIC, Vietcombank vẫn đang chờ Chính phủ và NHNN phê duyệt

Theo chủ tịch HĐQT Vietcombank, trong số các đối tác thì GIC đưa ra giá hấp dẫn nhất, tuy nhiên do giá mà tổ chức này đưa ra vẫn thấp hơn giá cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường nên đây vẫn là trở ngại và ngân hàng đang chờ Chính phủ và NHNN phê duyệt.

Tại Hội nghị "Ngân hàng Châu Á: Hướng tới Hội nhập toàn cầu" sáng nay (11/11), trong khuôn khổ Đại hội đồng và hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội ngân hàng châu Á (ABA), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tếquốc tế diễn ra sâu rộng.

Đồng thời, Thống đốc NHNN tiếp tục bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước.

Theo ông Hưng, kể từ khi được thành lập đến nay, ABA đã trở thành nơi quy tụ hơn 100 các ngân hàng hàng đầu đến từ 25 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam đánh giá cao những hoạt động của ABA và luôn coi đây là sân chơi chung, nơi các ngân hàng có cơ hội giao lưu, cập nhật các thay đổi trong khu vực, tiếp cận các cơ hội hợp tác kinh doanh mới để hỗ trợ sự phát triển của ngành tài chính – ngân hàng trong khu vực cũng như xúc tiến hợp tác quốc tế. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên ABA tại Việt Nam là nỗ lực của Vietcombank, các thành viên ABA khác của Việt Nam, và hệ thống ngân hàng trong tiến trình tích cực chủ động hội nhập vào sân chơi quốc tế.

Trước câu hỏi về việc chào bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với ngân hàng Vietcombank, Chủ tịch HĐQT ngân hàng - ông Nghiêm Xuân Thành cho biết thực trạng hiện nay các ngân hàng đều đang thiếu vốn.

"Sắp tới sẽ là lộ trình áp dụng chuẩn mực Basel II và trước mắt là cho 10 ngân hàng áp dụng chuẩn mực này vì vậy áp lực thiếu vốn càng trở lên bức thiết nên các ngân hàng kêu gọi vốn từ nước ngoài, chào bán cổ phần. Tại Vietcombank đã có cổ đông lớn là Mizuho và chúng tôi đã được Chính phủ, NHNN phê duyệt cho tăng vốn thông qua bán cổ phần riêng lẻ cho NĐTNN", ông Thành cho biết.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietcombank, muốn bán được vốn thành công thì ngoài việc ngân hàng phải minh bạch số liệu, còn phải có định hướng chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cho NĐTNN.

Đối với Vietcombank, ông nhận định đây là ngân hàng khá hấp dẫn với NĐTNN, bởi lẽ dù hết thời hạn 5 năm nhưng Mizuho tiếp tục là cổ đông lớn của ngân hàng và nhiều đối tác khác cũng đang muốn trở thành đối tác của Vietcombank ví dụ trong thời gian gần đây là Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore .

"Trong số các đối tác thì GIC đưa ra giá hấp dẫn nhất, tuy nhiên do giá mà tổ chức này đưa ra vẫn thấp hơn giá cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường nên đây vẫn là trở ngại và ngân hàng đang chờ Chính phủ và NHNN phê duyệt", ông cho biết thêm.

Lãnh đạo Vietcombank chia sẻ thêm việc chọn NĐTNN, ngân hàng lựa chọn NĐT không những mạnh về tài chính mà còn có năng lực quản trị và hỗ trợ được cho Vietcombank.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cho biết thêm tham gia vào ABA cũng là cơ hội giao lưu, gặp gỡ và tìm kiếm các đối tác mua cổ phần. ABA thành lập 1981 tại Đài Bắc, Vietcombank tham gia Hiệp hội này từ năm 1992 và liên tục có thành viên tham gia vào HĐQT. Đây là diễn đàn trao đổi cập nhật thông tin về đổi mới công nghệ, quản trị, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ... có giá trị thiết thực đối với thành viên tham gia và đang có xu hướng mở rộng cho các quốc gia ngoài châu Á, những khu vực có nền tảng tài chính ngân hàng tiên tiến.

Ông Thành cho biết gia nhập ABA, Vietcmbank vay và ủy vốn với lãi suất hợp lý, bán cổ phần cho đối tác thậm chí các thành viên tham gia là cổ đông của ngân hàng.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chao-ban-7-7-co-phan-cho-gic-vietcombank-van-dang-cho-chinh-phu-va-nhnn-phe-duyet-20161111114942882p4c149.news