Chàng trai Palestine với ước mơ làm đại sứ văn hóa Việt Nam-Palestine

Qua lời giới thiệu của chị đồng nghiệp, tôi gặp Saleem Hammad (1993, Palestin) trong dịp anh đến Đà Nẵng quay chương trình quảng cáo. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Saleem không phải ở vẻ điển trai đậm chất Trung Đông, mà bởi khả năng phát âm tiếng Việt rất chuẩn, am hiểu về ca dao, tục ngữ và văn hóa ẩm thực Việt Nam...

Qua lời giới thiệu của chị đồng nghiệp, tôi gặp Saleem Hammad (1993, Palestin) trong dịp anh đến Đà Nẵng quay chương trình quảng cáo. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Saleem không phải ở vẻ điển trai đậm chất Trung Đông, mà bởi khả năng phát âm tiếng Việt rất chuẩn, am hiểu về ca dao, tục ngữ và văn hóa ẩm thực Việt Nam...

Saleem Hammad. Ảnh: P.T

Saleem Hammad. Ảnh: P.T

Ngay lúc gặp mặt, Saleem đã thể hiện sự thân thiện, cởi mở. Nói về cơ duyên đến với đất nước Việt Nam xinh đẹp, Saleem chia sẻ: "Tôi đặt chân đến Việt Nam vào ngày 24-11-2011 với học bổng toàn phần. Xin được nói rõ hơn về điều này một chút. Ngài Saadi Salama- đại sứ Palestine tại Việt Nam- là SV Palestine đầu tiên, cũng là người Arab đầu tiên sang Việt Nam du học vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Rồi ngài lấy vợ Việt Nam và trở thành đại sứ Palestine tại Việt Nam. Ngài ấy đã xây dựng một mối quan hệ ngoại giao hết sức tốt đẹp giữa Nhà nước Palestine với Việt Nam và thế giới Arab. Ngài ấy muốn làm thế nào để mối quan hệ đó tiếp tục phát triển mạnh hơn, không chỉ ở lĩnh vực ngoại giao mà cả ở lĩnh vực văn hóa. Theo đó, ngài ấy đã kiến nghị với Nhà nước và Bộ GD ở Việt Nam dành 3 suất học bổng cho SV Palestine. Tôi là một trong 3 SV đó, đi theo bước chân của ngài đại sứ...!". Vào thời điểm được chọn đi du học Việt Nam, Saleem đang theo học năm thứ nhất tại Học viện Cảnh sát Palestine, chuyên ngành Luật cũng với học bổng toàn phần vì thành tích học tập xuất sắc thời THPT.

Saleem thú nhận, trước khi sang Việt Nam, anh chỉ biết ở đất nước này có 2 nhân vật nổi tiếng thế giới mà anh rất ngưỡng mộ đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, anh bị màu xanh cây lá và những hồ nước ở thủ đô Hà Nội hút hồn. "Ồ! Thành phố này thật nhiều cây xanh, nhiều hồ nước. Nước có khắp nơi, chỗ nào cũng có hồ, có sông rất là đẹp. Ở Palestine cũng có nước nhưng tùy từng vùng thôi. Khí hậu Việt Nam nhiệt đới gió mùa nên quanh năm có mưa, không như ở quê hương tôi, mùa đông mới có mưa, mùa hè thì nóng và khô, cây lá cũng theo mùa thôi... Vì thế, khi đặt chân đến thủ đô Hà Nội, tôi đã nghĩ như thế này, Hà Nội đã đẹp đến thế, hẳn đất nước này có nhiều điều thi vị lắm đây!"- Saleem tâm sự cảm xúc lần đầu tiên đến Việt Nam!

Sang Việt Nam, Saleem không học luật mà học ngoại ngữ. Ban đầu, anh học khoa Tiếng Việt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó chuyển sang học ngành Việt Nam học tại ĐH Hà Nội. Càng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và ẩm thực Việt Nam, Saleem càng cảm thấy mình thật sự may mắn và rất có duyên với đất nước hình chữ S này. "Thật thú vị khi chữ cái đầu tiên tên của tôi là chữ S trùng với hình ảnh đất nước Việt Nam trên bản đồ"- Saleem cười đầy ý nhị! Chàng trai 9X đến từ thế giới Arab cho biết, khi sang Việt Nam, đến một chữ bẻ đôi tiếng Việt anh cũng không biết. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau đó, Saleem đã khá thông thạo tiếng Việt. Anh còn đảm nhận trách nhiệm là thông dịch và hướng dẫn viên cho các bạn SV ở Học viện Cảnh sát Palestine sang Việt Nam thực tập vào tháng 10-2012... Theo Saleem, học tiếng Việt, khó nhất là cách phát âm! "Có người nói "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam (tiếng Việt)", nhưng tôi thấy câu này không đúng. Nếu so sánh với một số ngoại ngữ khác trên thế giới thì ngữ pháp tiếng Việt không phức tạp. Cái khó nhất của tiếng Việt là cách phát âm, bởi tiếng Việt có rất nhiều dấu: sắc, huyền, hỏi, nặng, ngã... Ngay như người Việt Nam ở miền Trung và miền Nam cũng chỉ nói rõ được 4 dấu thôi. Ngoài ra có một số chữ: ư, o, ơ, ô, e, ê, a, â, ă... khá khó đọc so với tiếng mẹ đẻ của tôi. Nhưng tôi cảm nhận, mình có khả năng học được tiếng Việt". Ngoài tiếng Việt, Saleem còn nói được tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Mông Cổ. Saleem chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ: "Muốn học giỏi ngoại ngữ, bạn không được ngại giao tiếp. Phải giao lưu với người bản xứ thì mới nói giỏi được. Tôi rất thích câu ngữ của Việt Nam: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Tôi nghĩ rằng, càng đi nhiều sẽ biết nhiều; đi ít thì sẽ biết ít và không đi thì không biết gì".

Saleem là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Ba làm nghề xây dựng nhưng đã nghỉ việc vì mất sức, mẹ ở nhà. Vì vậy, Saleem phải cố gắng học giỏi để giúp đỡ gia đình. Anh so sánh mình giống các bạn SV miền Trung: "Khúc ruột miền Trung Việt Nam hứng chịu nhiều thiên tai bão, lũ nên còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, SV miền Trung thường học giỏi, chịu khó, cần cù. Họ phải học giỏi để vươn lên thoát nghèo... Tôi cũng vậy! Gia đình tôi còn khó khăn. Cách để tôi có thể giúp gia đình là phải học giỏi. Bởi khi học giỏi, mình sẽ được học bổng, bố mẹ sẽ không phải đóng học phí cho mình...". Trong suốt 5 năm du học tại Việt Nam, dù được học bổng toàn phần nhưng ngoài giờ học, Saleem làm thêm rất nhiều công việc liên quan đến nghệ thuật như MC, nhân vật trải nghiệm trong các phim tài liệu, người mẫu, khách mời của nhiều chương trình truyền hình... Số tiền kiếm được từ việc làm thêm này, ngoài gửi về giúp đỡ gia đình, Saleem còn làm từ thiện ở những vùng khó khăn các tỉnh phía Bắc. Anh cùng một người bạn Việt Nam mở một nhà hàng ẩm thực ở phố Hàng Bún. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, tháng 7-2016, sau khi tốt nghiệp, Saleem chuyển nhượng nhà hàng để trở về Palestine làm việc tại Phòng quan hệ quốc tế Học viện Cảnh sát Palestin. 9 tháng làm việc tại quê hương, nhận thấy công việc văn phòng không hợp với mình, lại thấy nhớ đất nước Việt Nam, Saleem quyết định xin nghỉ việc và quay trở lại Việt Nam vào tháng 4-2017. Lần trở lại này, cũng được sự giúp đỡ của ngài đại sứ, Saleem đăng ký vào học tại Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Việt Nam có học bổng, sẽ bắt đầu học vào đầu tháng 7 này. "Tôi cảm thấy khi ở Việt Nam tôi đặc biệt và khác biệt. Một phần vì tôi là người nước ngoài, một phần vì ngoại hình của tôi cũng rất... chuẩn. Ngoại ngữ, sự thân thiện, cởi mở cũng giúp tôi rất nhiều để có cơ hội nổi bật ở Việt Nam hơn ở Palestine. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là bởi tôi rất mê lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Điều này càng khiến tôi được người Việt Nam yêu mến hơn. Và tôi rất trân trọng tình cảm mà người Việt Nam đã dành cho mình. Tôi mong muốn, thông qua con đường nghệ thuật để có thể quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp đến với thế giới Arab nói chung, Palestine nói riêng cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Palestin đến với Việt Nam". Saleem "bật mí", anh rất mê áo dài. Saleem cho biết sắp tới sẽ cùng tham gia làm một chương trình giới thiệu áo dài Việt Nam (do Nhật Dũng thiết kế) với áo dài Palestine. "Áo dài Việt Nam vừa kín đáo, vừa gợi cảm; tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Mỗi lần nhìn thấy phụ nữ Việt Nam mặc áo dài là tôi mê mẩn, ngắm mãi không thấy chán...". Ngoài ra, Saleem rất thích các món ẩm thực truyền thống của Việt Nam như phở, bún, bánh cuốn, miến. Đặc biệt có ấn tượng với cách chế biến bánh chưng truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, vì không ăn được thịt lợn, nên Saleem đã tự gói bánh chưng bằng cách thay bằng thịt cừu...

Thông qua con đường nghệ thuật mà chàng trai 9X này đang theo đuổi, ước mơ cháy bỏng lớn nhất của Saleem là muốn được tiếp theo bước chân của ngài đại sứ, trở thành đại sứ văn hóa Việt Nam- Palestine.

P.Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_166833_cha-ng-trai-palestine-vo-i-uo-c-mo-la-m-da-i-su-va.aspx