Chàng trai người Tày giữ niềm vui cho nhiều gia đình, dòng họ

Anh Ma Thế Vĩnh (Bắc Kạn), là người dân tộc Tày, năm nay mới 41 tuổi nhưng đã có 19 năm tận tụy, tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở và được nhiều gia đình trong thôn yêu quý, coi như người thân trong nhà. Tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III khu vực miền Bắc vừa qua, anh Vĩnh cùng tổ hòa giải của mình vinh dự được đại diện cho tỉnh Bắc Kạn tham dự tranh tài với 25 đội thi khác của khu vực.

Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Cà Mau năm 2015.

Nghề “hòa giải” đến với anh Vĩnh thật tự nhiên, tựa như một cái duyên trời định. Trước khi trở thành hòa giải viên, anh Vĩnh là một thanh niên tham gia tích cực trong các hoạt động phong trào của Đoàn Thanh niên trong xã. Qua những lần hoạt động sôi nổi, anh Vĩnh gặp gỡ rất nhiều bạn trẻ, hiểu rất rõ tâm tư nguyện vọng của tầng lớp thanh niên.

Đến khi kết hôn, ở vị trí, vai trò trụ cột của gia đình, anh Vĩnh vẫn đi sâu nắm bắt được suy nghĩ của các thanh niên nên luôn muốn vận động họ chăm chỉ làm ăn. Vì vậy, nhiều bạn trẻ và nhiều người dân khác tìm tới anh, trước là để hàn huyên, sau là nhận những lời khuyên, hướng giải quyết khúc mắc trong lòng. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu cán bộ tư pháp xã chọn người làm hòa giải viên ở thôn, anh được dân làng tín nhiệm đề cử và theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, anh tiếp tục được bầu vào Tổ hòa giải của thôn.

Không quản thời tiết mưa hay nắng, mỗi khi trong thôn xảy ra chuyện tranh chấp là anh Vĩnh và các thành viên trong Tổ hòa giải lại có mặt kiên trì hòa giải mâu thuẫn. Đến nay, sau gần 20 năm làm công tác hòa giải, dù không có chế độ nào cho hòa giải viên (nay đã có nhưng còn khiêm tốn), anh Vĩnh vẫn nhiệt tình gắn bó, hòa giải thành hàng trăm vụ việc, góp phần mang lại yên vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình, dòng họ, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Anh Vĩnh quan niệm, công tác hòa giải ở cơ sở rất quan trọng vì lấy tình cảm, tình anh em, bạn bè, tình đồng chí ra làm cơ sở giải quyết mọi mâu thuẫn, giúp nhân dân từng địa phương có sự đoàn kết nhất định, từ đó sẽ không phát sinh mâu thuẫn lớn hơn, không dẫn đến kiện tụng kéo dài như một số trường hợp đã xảy ra.

Anh Vĩnh kể lại, mới đây anh đã hòa giải thành công mâu thuẫn giữa các nhà âm ỉ suốt từ cuối năm 2015. Số là có 2 hộ gia đình ở 2 bên con suối mâu thuẫn đất đai với nhau mà đất đai vốn không phải sở hữu của cá nhân nào. Hộ ông A cải tạo ao đã bồi đắp, lấn chiếm lòng suối. Hộ ông B thấy vậy cũng làm theo, khiến hộ ông C bị ảnh hưởng do lòng suối bị hạn chế.

Ông C làm đơn gửi tổ hòa giải. Anh Vĩnh làm Chi hội trưởng Hội Nông dân cùng 1 đồng chí Bí thư Chi đoàn, 1 đồng chí Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ trực tiếp vào cuộc, khuyên bảo, dẫn cả pháp luật về đất đai. Ấy vậy hộ ông A cứ làm tới, dây dưa mất mấy tháng trời. Tổ hòa giải vào hòa giải 4 lần không được, đến tháng 6/2016 có một trận lũ nhỏ, ông A nhận thấy thiệt hại xảy ra là vì mình. Nhân cơ hội này, anh Vĩnh cùng Tổ hòa giải lại vào vận động, tuyên truyền tiếp và đã thành công. Các hộ cam kết không bồi đắp lòng suối để cùng nhau phát triển kinh tế.

Nói chuyện hòa giải với tôi, mắt anh Vĩnh ánh lên niềm vui. Anh bộc bạch, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng thuận lợi từ khi có Luật năm 2013. Nổi bật nhất là quyền được nói, được phân tích của hòa giải viên được thể hiện sâu hơn, được gần gũi dân hơn. Song theo anh Vĩnh, làm hòa giải quan trọng hơn vẫn là tình cảm chân thành, chỉ vận dụng luật khi bất đắc dĩ. Khó khăn với anh Vĩnh trong công tác này là xã hội bây giờ nhiều thứ phức tạp, có một số người cái tôi quá lớn, cố tình không hiểu, gây khó dễ cho hòa giải mặc dù đã đưa ra căn cứ pháp luật, phân tích tình cảm, đòi hỏi người làm hòa giải phải kiên trì. Nếu hòa giải nhiều lần không thành, anh Vĩnh mới đề nghị đưa lên cấp có thẩm quyền giải quyết.

Được hỏi về cảm xúc được tham dự Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, anh Vĩnh tâm sự rằng rất bất ngờ, hào hứng vì được đại diện cho địa phương đi thi toàn quốc. Sau một chặng đường dài từ Bắc Kạn về Ninh Bình, tâm trạng phấn khởi nhanh chóng xua tan sự mệt mỏi. Từ Hội thi, anh Vĩnh mong muốn sẽ có nhiều Hội thi như thế này để các đoàn, các hòa giải viên giao lưu với nhau, học tập kinh nghiệm đã được các bạn đúc kết để về áp dụng tại cơ sở mình.

Quả thật, tận mắt xem tiểu phẩm “Thức tỉnh đi anh” của đội Bắc Kạn được chuyển thể trên sân khấu, chúng tôi hiểu thêm được phần nào sự kiên nhẫn, gắn bó của các hòa giải viên nơi vùng cao với công việc “người vác tù và hàng tổng”. Nơi đây, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn nặng nề, người vợ đẻ toàn con gái bị coi là không biết đẻ, người chồng thì chán nản, lao vào rượu chè, đánh đập vợ con và sẵn sàng to tiếng với hòa giải viên đến nhà. Anh Vĩnh cho biết, đây là tình huống rất thường ngày, người làm hòa giải lúc ấy phải tế nhị, hài hòa, hợp tình hợp lý sẽ xoa dịu không khí căng thẳng giữa các bên. “Các tổ hòa giải nói chung phấn đấu thực hiện tốt vai trò của mình thì xã hội chúng ta sẽ không còn mâu thuẫn nhỏ” – anh Vĩnh gửi gắm.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/chang-trai-nguoi-tay-giu-niem-vui-cho-nhieu-gia-dinh-dong-ho-298717.html