Chàng trai làm sống lại tên gốm làng Ngòi

Trong khoảng thời gian 3-4 năm trở lại đây, tại các triển lãm lớn về văn hóa hay các sản phẩm làng nghề truyền thống, các buổi vinh danh tinh hoa làng nghề trong cả nước về mặt hàng gốm, người ta thường thấy bên cạnh các gian hàng của làng gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gốm Bình Dương... còn có gian hàng của “Gốm làng Ngòi”. Chủ của thương hiệu ấy, người khai sinh và làm rạng danh nó là nghệ nhân gốm Lưu Xuân Khuyến năm nay mới 32 tuổi.

Lần đầu tiên tôi về thăm Khuyến là lúc anh mới bắt đầu khởi nghiệp, khi tôi về xưởng gốm của anh hãy còn rất nhỏ, mảnh ruộng và ao gần nhà đang được san lấp để lấy chỗ xây xưởng. Lúc ấy, anh đã tâm sự là chỉ có một ước muốn là cái lò gốm của anh ở giữa vùng quê này có người biết đến. Ba năm sau, khi tôi trở lại, gốm làng Ngòi của anh đã không chỉ được “biết đến” mà còn trở thành một thương hiệu gốm uy tín, tự tin sánh bên những Bát Tràng, Bình Dương... Tranh gốm với hình ảnh cô gái Quan họ nón thúng quai thao. Lưu Xuân Khuyến sinh ra và lớn lên ở làng Tân Ninh (thời xưa có tên là làng Ngòi), xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tốt nghiệp PTTH, Khuyến thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Con nhà nghèo, bố là thương binh nặng, mẹ là nông dân, con đường học nghệ thuật với anh có muôn vàn khó khăn, lận đận; chưa kể thời gian ấy, chuyên ngành gốm rất ít được quan tâm. Lúc nào Khuyến cũng phải băn khoăn lo tiền ăn, tiền học, tiền làm bài thực hành, công việc sau khi ra trường... Vì thế, sau những buổi học lý thuyết, những ngày đi xuống Bát Tràng học nghề, Khuyến còn làm thêm cuối tuần, vẽ biển quảng cáo... để trang trải chuyện học. Năm 2000, cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Khuyến thẳng tiến vào phương Nam. Theo những câu chuyện Khuyến kể, tôi đồ rằng ngay từ thời còn là sinh viên, chàng nông dân của làng Ngòi này đã được thầy bạn nể phục vì cái ý chí hơn người, cái sự kiên gan bền bỉ của mình. Đạp xe đi về mỗi ngày để buổi sáng học ở trường, buổi chiều học nghề ở làng Bát Tràng; lặn lội mò mẫm thực tập ở khắp các làng gốm miền Bắc; tự làm sản phẩm tốt nghiệp mà không có thầy hướng dẫn... nên cái việc vừa ra trường anh lập tức “Nam tiến” không làm bạn bè ngạc nhiên. Hai năm ở Bình Dương, làm tại xưởng gốm nổi tiếng Minh Long, anh được đánh giá cao và được mời chào ở lại với nhiều đáp ứng hấp dẫn. Nhưng năm 2002, Khuyến quyết tâm trở ra Bắc, về Phù Lãng làm với bạn một năm nữa, như anh nói “để học cho tròn nghề”. Cái mốc sau cùng – 2003, Khuyến về làng Ngòi. Từ ấy làng quê nhỏ bé có “Gốm làng Ngòi”. Không có nhiều tiền, Khuyến xin bố cái ao đầu đường, san đất, dựng xưởng. Lò xây xong, liên tục 15 mẻ nung đầu tiên đều hỏng sản phẩm; hai lần sập lò, có lần suýt chết, không ai nghĩ “ông nông dân làm gốm” sẽ tiếp tục xây lại lò mới. Hỏi han, nghiên cứu, mò mẫm... mẻ gốm đầu tiên thành công của Khuyến ra lò cuối năm 2003 trong sự vỡ òa vui sướng thích thú của cả làng Ngòi. Gốm của Khuyến, giống y hệt con người anh - chỉ một phong cách: giản dị, chân chất, nhưng đậm đà bản sắc. Chỉ làm mỗi một dòng gốm sành nâu, chỉ có hai màu chủ đạo là men nước dưa và xương đất. Các sản phẩm của anh đều đậm tâm hồn Việt. Đó là những bình, lọ với họa tiết hoa văn như hoa sen, lá khoai, lá lúa, lá dáy, họa tiết thổ cẩm... Các hoa văn này đều là hoa văn đắp nổi (khác với Bát Tràng chủ yếu trang trí bằng vẽ men màu; Phù Lãng chỉ vuốt và dội men). Dòng sản phẩm độc đáo thứ hai của Khuyến là gốm tượng dân gian, hiện nay đang rất được ưa chuộng với những tượng Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc... Nhưng có lẽ, phần độc đáo và được ưa chuộng nhất của anh là mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng đang có nguy cơ thất truyền như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và cả những nét văn hóa vùng miền trên cả nước. Trong những bức tranh của anh đang xuất hiện rất nhiều ở các phòng khánh tiết, các khu du lịch, các nhà hàng sang trọng, những ngôi nhà mới xây, người xem bắt gặp hình ảnh những cô gái Quan họ với nón quai thao, áo tứ thân; bắt gặp cô gái dân tộc vùng cao với cái eo thon và lối vấn khăn đặc trưng; bắt gặp hình ảnh Chí Phèo-Thị Nở. Tranh của Khuyến còn có ông thầy bói mù, ông thầy đồ liếm mật, Trê-Cóc, anh nông dân thông minh, cô gái tát nước... Tất cả đều có chung một cái tên “Gốm làng Ngòi”. Nghệ nhân gốm Lưu Xuân Khuyến Không đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu, sản phẩm của Khuyến với giá bình dân ngày càng đến với nhiều người tiêu dùng hơn. Thậm chí với nhiều đơn đặt hàng, anh cũng chẳng biết mình được bao nhiêu tiền, cứ làm cho thỏa cái đam mê. Hiện nay, bình quân mỗi tháng anh xuất xưởng 2.000-2.500 sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động là người làng. Các sản phẩm của anh thậm chí chiếm lĩnh thị trường ngay tại các làng nghề như Bát Tràng (tiêu thụ khoảng 40% sản phẩm của gốm làng Ngòi), thường xuyên có mặt tại các triển lãm và đã đến nhiều nước trên thế giới như Nhật, Ai Cập, Đức, Hàn Quốc... Sản phẩm gốm làng Ngòi đã vinh dự có một gian chính lớn tại triển lãm “Hình ảnh APEC và Di sản văn hóa Việt Nam” (2007); Lưu Xuân Khuyến đã được nhận nhiều bằng khen, giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, của Bộ Văn hóa Thông tin và nhiều năm liền được tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi của tỉnh Bắc Giang, là tấm gương con em thương binh tiêu biểu của Bộ Lao động thương binh & xã hội... Năm 2008, anh nhận bằng chứng nhận “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”. Khi bắt tay vào nghề, Khuyến lấy câu chuyện còn đồn thổi trong làng làm nghị lực cho mình, coi như “trách nhiệm khôi phục làng nghề”: Người làng Ngòi vẫn bảo xưa có nghề gốm. Sau này, người ta quen gọi là gốm Phù Lãng. Gốm Phù Lãng nhưng đến nay vẫn phải lấy đất ở làng Ngòi. Và nếu như câu chuyện ấy có thật, thì Khuyến, như anh mơ ước, đã làm sống lại tên Gốm làng Ngòi, không phải bằng tiền của thật nhiều, mà đơn giản, chỉ là từ tình yêu với gốm! Hà Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20090904094615348p0c15/chang-trai-lam-song-lai-ten-gom-lang-ngoi.htm