Chàng tiến sĩ dựng cố đô Huế làm vui lòng cha mẹ

Với mong muốn để ba mẹ nhìn thấy Huế mỗi ngày, anh Nguyễn Thanh Tùng đã tái hiện lại toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế trong lòng Sài Gòn.

Nỗi nhớ quê hương khắc khoải của cha mẹ là động lực

Toàn bộ công trình Huế thu nhỏ của anh Tùng (một vị tiến sĩ) nằm trong khu Ngự Lãm Viên rộng hơn 1000 m2 trên đường Nguyễn Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, TPHCM. Quần thể di tích Huế có 151 công trình kiến trúc lớn, nhỏ, với những công trình như: Hoàng thành Huế, lăng các vua triều Nguyễn, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền…

Chia sẻ với Đất Việt mới đây, anh Tùng cho biết: "Từ việc lên ý tưởng, đến thiết kế và quá trình xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu, tôi sử dụng gỗ trát xi măng bên ngoài để xây dựng thử nhưng chỉ được thời gian bị mưa làm hư hỏng không thể tồn tại.

Sau này, tôi may mắn gặp được nghệ nhân chế khuôn silicon để làm công trình bằng bột đá Bửu Long. Sau hơn 7 năm xây dựng, công trình tái hiện quần thể di tích cố đô Huế mới hoàn thành".

Quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ

Nói về nguyên do để làm công trình trên, theo lời anh Tùng kể, năm khi anh còn nhỏ mẹ anh có nói một câu làm anh nhớ mãi: "Mẹ chỉ mong được sống đến năm 60 tuổi, lúc đó mới còn đủ sức khỏe mà về thăm cố hương.

Tuổi thơ tôi sống với bố mẹ, trong môt gia đình tiểu thủ công nghiệp, bố tôi học nghề mộc lại từ ông ngoại, còn mẹ tôi làm nghề nón lá, người Huế làm nghề này rất nhiều. Sống với nghề cha truyền con nối, chúng tôi được đào tạo làm theo, hồi nhỏ mỗi khi phải làm, tôi khó chịu lắm, nhưng tới khi hơn 20 tuổi lại thấy nó rất hay.

Khi còn nhỏ ở miền quê được bố mẹ dẫn tới nhà thờ làng, nhà thờ họ, ôm một cột lăng cứ tụt lên, tụt xuống, chỉ nghĩ con mình cũng được như mình thì đáng quý vô cùng, khi đó mới giữ được gốc văn hóa, dù có đi đâu phát triển hiện đại thì vẫn giữ được cội nguồn.

Cho nên, năm tôi 28 tuổi, tôi đã ấp ủ ý định làm công trình này tặng cho bố mẹ, nhưng khi đó còn nhiều khó khăn vì kinh tế và chưa có nhiều kinh nghiệm.

Mục đích của công trình này là để bố mẹ vui, kế đến là cho con cháu trong gia đình gìn giữ gia phong, văn hóa cội nguồn nên dù gặp nhiều khó khăn, tôi cũng không nản lòng.

Tôi vẫn hay được nghe ba mẹ kể về xứ Huế với niềm say sưa quyện lẫn nỗi nhớ quê hương da diết nên không khỏi chạnh lòng. Bố mẹ ngày càng già yếu, không thể mỗi lần nhớ Huế là đi về thăm quê được nên tôi quyết chí phải làm sao để mỗi sớm mai thức dậy là ba mạ thấy Huế trước mắt mình rồi", anh Tùng tâm sự.

Bên cạnh đó, theo anh Tùng, gia đình đều là người gốc Huế, mẹ anh cũng là một ca sĩ hát rất hay, nên tâm hồn mong manh. Mỗi khi bà cất tiếng hát nỗi nhớ quê hương như quặn thắt lại, từ đó anh biết mẹ anh nhớ quê rất nhiều.

Đặc biệt, khi làm việc với các con, bố anh Tùng luôn kể về quê hương đẹp như thế nào, lịch sử quê hương cũng như tình cảm con người nơi đây. Chính điều này nuôi dưỡng tâm hồn, gieo cho anh nhiều suy nghĩ, thúc đẩy anh làm công trình này.

"Hàng năm tôi vẫn đưa bố mẹ về Huế, hiện tại gia đình tôi vẫn còn ngôi nhà ở đây, nhưng từ khi có Huế thu nhỏ ba mẹ tôi rất hạnh phúc, một người 79 tuổi, một người 80 tuổi nhưng rất vui vẻ bên nhau. Tôi cũng không ngờ bố mẹ sống thọ được như vậy, có lẽ do tâm hồn vui vẻ nên lúc nào cũng vui tươi.

Học sinh đến tham quan rất nhiều

Nhiều lúc bố mẹ hay nói với tôi, bố mẹ còn sống chỉ mong thấy con làm được nhiều điều tốt, sống chan hòa với mọi người. Khi công trình hoàn thành, bà con họ hàng kéo đến tham quan ngày càng đông, bố mẹ tôi rất vui mừng.

Ngày nào cũng có học sinh, người tham quan đến, từ năm 2007 đến nay, Ngự Lãm Viên đã đón hàng trăm ngàn khách từ nhiều nơi đến tham quan, đa phần là học sinh và sinh viên. Với tôi, đón thêm một người khách là tôi đón thêm một niềm vui, bởi ước nguyện của tôi đã được thêm một người hiểu và chia sẻ.

Tôi làm công trình không phải để kinh doanh du lịch nên tất cả mọi người đến đây tham quan đều được miễn phí. Không những vậy, ngoài thời gian đi làm, khách và các đoàn đến tham quan còn được giảng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc Huế. Nhiều em học sinh khi nghe tôi giảng giải còn bật khóc, còn chia sẻ yêu môn Lịch Sử, yêu Địa Lý.

Mỗi lần tôi dậy, mẹ tôi đều lấy ghế ngồi nghe hàng mấy tiếng đồng hồ được", anh Tùng chia sẻ thêm.

Làm thêm công trình ở Hà Nội

Cũng theo chia sẻ của anh Tùng, sắp tới để báo hiếu cha mẹ, anh sẽ làm một mô hình Huế thu nhỏ ngoài Hà Nội, đang trong giai đoạn lên kế hoạch cụ thể, chờ đủ động lực để làm, dự kiến hoàn thiện trong 2 năm.

Cầu Trường Tiền

"Tôi đã đón rất nhiều du khách Hà Nội, không những thế còn rất nhiều du khách nước ngoài, họ muốn nhớ đến cội nguồn. Sau khi hoàn thiện tôi sẽ đưa bố mẹ ra Hà Nội để cho 2 người chiêm ngưỡng đầu tiên.

Bởi họ rất nâng niu những gì liên quan đến Huế, hàng ngày ông bà vẫn tỉa cây, chăm sóc cho công trình, nhiều khi nắng phải gọi ông bà mới vào. Sau khi làm xong công trình những người bạn ở nước ngoài của cả hai ông bà đều tìm tới, họp mặt ở nhà tôi, nên bố mẹ tôi rất vui.

Khi biết tôi có kế hoạch này bố mẹ tôi rất mừng, bố mẹ tôi vẫn thường dạy con phải làm việc thiện cho xã hội, đó là lý do nhiều đoàn vào thăm quan có đưa tiền, tôi hoàn toàn từ chối.

Tôi cho rằng cách đối xử của chúng ta với bố mẹ ra sao thì con cái sẽ học điều đó, nên hãy làm tấm gương cho con cái", ông Tùng chia sẻ.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/chang-tien-si-dung-co-do-hue-lam-vui-long-cha-me-3342472/