Chẳng lẽ Quảng Nam chặn hết nguồn nước của Đà Nẵng?

Nếu vẫn thực hiện đập ngăn mặn Tứ Câu thì người ta sẽ nói Quảng Nam bít hết nguồn nước của Đà Nẵng, tức là chặn hết nguồn sống, gây thảm họa cho Đà Nẵng chứ chẳng chơi. Đau lòng nhất lúc đó sẽ là nhân dân và lãnh đạo Quảng Nam chứ không chỉ Đà Nẵng!

Xây đập ngăn mặn Tứ Câu sẽ khiến nhà máy nước Cầu Đỏ lập tức mặn hẳn lên!

“Nếu xây đập ngăn mặn Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện thì sẽ được phần Quảng Nam nhưng Đà Nẵng sẽ chết khát!” – chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng thốt lên như vậy với PV Infonet sau hội thảo “Đánh giá tác động môi trường dự án đập ngăn mặn kết hợp cầu tuyến đường DH7 qua sông Vĩnh Điện” do Sở NN-PTNT Quảng Nam tổ chức ngày 12/10 với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.

Hội thảo “Đánh giá tác động môi trường dự án đập ngăn mặn kết hợp cầu tuyến đường DH7 qua sông Vĩnh Điện” do Sở NN-PTNT Quảng Nam tổ chức ngày 12/10 (Ảnh: HC)

Sông Vĩnh Điện nối liền hai sông chính của lưu vực sông Vu Gia (phía sông Hàn- Đà Nẵng) và Thu Bồn nên chịu sự tác động của lan truyền mặn từ cửa sông Hàn và cửa Đại (Hội An). Tình trạng nhiễm mặn ở sông Vĩnh Điện ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của hơn 2.000 ha và nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh Quảng Nam đã xây đập ngăn mặn tại trạm bơm Tứ Câu (thị xã Điện Bàn) nhưng do xây dựng tạm nên hàng năm phải tu sửa, thiếu tính ổn định trong việc ngăn mặn cho một vùng cư dân rộng lớn là thị xã Điện Bàn và TP Hội An.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, Quảng Nam xác định tuyến đường liên huyện DH7 là đường vành đai phía Bắc của tỉnh, nối TP Hội An lên huyện Đại Lộc, huyện Nam Giang và sang Lào. Chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam là nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn tại địa điểm đập tạm Tứ Câu theo hướng đầu tư kiên cố để thúc đẩy phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, đoàn cán bộ TP Đà Nẵng do Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hoàng Thanh Hòa tham dự hội thảo không đồng tình việc xây đập ngăn mặn kiên cố ở vị trí vừa nêu, vì sẽ khiến nhà máy nước Cầu Đỏ (cung cấp 99% nước sạch cho gần 1 triệu dân TP Đà Nẵng) lập tức bị mặn hẳn lên. “Được phần của Quảng Nam thì Đà Nẵng sẽ chết khát, nên Đà Nẵng phản đối!” – ông Huỳnh Vạn Thắng nói. Ông cho rằng, để khắc phục nhiễm mặn trên sông Vĩnh Điện thì cần phải tìm ra nguyên nhân vì sao tình trạng nhiễm mặn lại tăng cao so với trước đây?

Vì sao tình trạng nhiễm mặn trên sông Vĩnh Điện gia tăng?

Theo chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng, do hệ thống thủy điện bậc thang trên thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn nên hiện sông Thu Bồn của Quảng Nam tăng thêm 2 nguồn nước rất lớn. Nguồn nước thứ nhất là do thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước từ sông Vu Gia, vốn là nguồn cung cấp nước cho TP Đà Nẵng, chuyển sang sông Thu Bồn để tối ưu hóa việc phát điện có lợi cho doanh nghiệp.

Riêng trong mùa khô, thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy của sông Vu Gia trung bình 1,2 tỉ m3, chưa kể lũ tiểu mãn khoảng 300 triệu m3. Như vậy sông Thu Bồn của Quảng Nam được bổ sung khoảng 1,5 tỉ m3 nước vào mùa khô do thủy điện Đăk Mi 4.

Thứ hai là nguồn từ thủy điện Sông Tranh 2 hiện đã tích nước, vào mùa khô sẽ đổ vào sông Thu Bồn khoảng 700 triệu m3, cộng với lũ tiểu mãn khoảng 300 triệu m3. Như vậy, thủy điện Sông Tranh 2 sẽ đem lại cho sông Thu Bồn nguồn nước khoảng 1 tỉ m3 vào mùa khô.

“Tổng cộng hai nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 đem lại cho sông Thu Bồn của Quảng Nam khoảng 2,5 tỉ m3 nước vào mùa khô. Nói cách khác, sông Thu Bồn tự nhiên được tăng thêm lượng nước rất lớn vào mùa kiệt!” – ông Huỳnh Vạn Thắng nhận định.

Trong khi đó, sông Vu Gia, nguồn cung cấp nước chính cho Đà Nẵng, bị thủy điện Đăk Mi 4 lấy đi 1,2 tỉ m3 nước vào mùa khô để chuyển sang sông Thu Bồn phát điện. Thêm một cái nguy hại với sông Vu Gia là sau khi bị thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước ở thượng nguồn thì còn bị sông Quảng Huế (phía trên khu vực Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) lấy nước chuyển về sông Thu Bồn thêm một lần nữa.

“Sông Quảng Huế là tự nhiên từ trước đến giờ, tới mùa khô lấy khoảng 20% lượng nước sông Vu Gia chuyển qua sông Thu Bồn, còn lại 80% đẩy vào sông Ái Nghĩa chảy về Đà Nẵng. Tuy nhiên do những năm gần đây hướng dòng chảy có thay đổi, đâm thẳng vào sông Quảng Huế nên tỉ lệ nước sông Vu Gia về sông Quảng Huế chuyển qua sông Thu Bồn tăng hơn gấp đôi so với trước đó. Cũng có nghĩa sông Vu Gia đã bị thiếu nước thì càng thiếu nước hơn nữa!” – ông Huỳnh Vạn Thắng cho hay.

Vị trí tỉnh Quảng Nam dự định xây đập ngăn mặn kiên cố trên sông Vĩnh Điện (Ảnh: HC)

Vì lẽ đó, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, tình trạng nhiễm mặn trên sông Vĩnh Điện, ở đập tạm Tứ Câu (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) và đặc biệt là tại nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) ngày càng trở nên nghiêm trọng là do lượng nước sông Vu Gia bị chuyển qua sông Thu Bồn quá nhiều. “Phải xử lý đúng bản chất, đúng nguyên nhân căn cốt đó chứ cứ bị chỗ nào xử lý chỗ đó thì không được!” – ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh.

Phương án “lợi cả đôi đường” do Đà Nẵng đề xuất

Theo ông, nếu xây đập ngăn mặn Tứ Câu sẽ gây ra tác động rất lớn, không chỉ khiến tình trạng nhiễm mặn ở nhà máy nước Cầu Đỏ tăng lên mà còn ảnh hưởng đến việc thoát lũ, cản trở giao thông thủy, nhất là với tuyến du lịch đường sông từ sông Hàn (Đà Nẵng) theo sông Vĩnh Điện vào sông Thu Bồn lên “Hòn Kẽm đá dừng”, Trung Phước... hoặc vòng xuống Hội An... Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản trên các sông này cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Vì lẽ đó, tại hội thảo, đoàn Đà Nẵng đề nghị, do sông Vu Gia bị lấy quá nhiều nước qua sông Thu Bồn nên cần nâng cao đập điều tiết trên sông Quảng Huế để chặn bớt nước từ sông Vu Gia đổ qua sông Thu Bồn, chỉ cho lượng ít nước chảy qua sông Thu Bồn, còn lại tập trung chảy vào sông Ái Nghĩa để về phục vụ thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng. Khi có lượng nước này thì cũng đồng thời giảm mặn cho sông Vĩnh Điện. Ngoài ra, cần cải tạo, nạo vét tại vị trí sông Vĩnh Điện lấy nước sông Thu Bồn (khu vực làng Câu Nhí) để tăng thêm lượng nước cho sông Vĩnh Điện.

“Kinh phí để làm việc này có thể là hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng đóng góp chứ không việc gì phải xây đập ngăn mặn Tứ Câu. Nếu làm được phương án này, tôi tin sẽ giải quyết được tình trạng nhiễm mặn của sông Vĩnh Điện, vừa lợi cho Quảng Nam, vừa lợi cho cả Đà Nẵng. Còn nếu sau khi thực hiện phương án này mà vẫn khó khăn thì lúc đó hãy tính đến phương án xây đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện!” – ông Huỳnh Vạn Thắng nói.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Hoàng Thanh Hòa cũng nêu rõ, căn cứ Luật Tài nguyên nước thì việc xây dựng đập ngăn mặn Tứ Câu phải có đánh giá tác động môi trường. Trong việc đánh giá đó phải lấy ý kiến của cộng đồng, của các địa phương liên quan và của Bộ TN-MT. Riêng về Đà Nẵng thì Sở NN-PTNT với tư cách là một trong những cơ quan tham mưu chính sẽ đề nghị lãnh đạo TP không đồng ý việc xây dựng đập nêu trên.

Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng phát biểu thêm: “Đà Nẵng chỉ có 2 nguồn nước: Vu Gia chảy xuống, Thu Bồn chảy qua. Nguồn Vu Gia thì đã bị lấy rất nhiều nước rồi, chỉ còn nguồn từ Thu Bồn chảy qua sông Vĩnh Điện. Nếu các anh vẫn thực hiện đập ngăn mặn Tứ Câu thì người ta sẽ nói Quảng Nam bít hết nguồn nước về cho Đà Nẵng, cũng có nghĩa chặn hết nguồn sống, gây thảm họa cho Đà Nẵng chứ chẳng chơi. Họ nói như thế là đúng. Mà nếu họ nói như thế thì tôi nghĩ đau lòng nhất lúc đó sẽ là nhân dân và lãnh đạo Quảng Nam chứ không chỉ nhân dân và lãnh đạo Đà Nẵng!”.

Sau khi nghe trình bày của đoàn Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, vốn là con trai ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người được ông Huỳnh Vạn Thắng đánh giá là “siêu” về thủy lợi, là bậc tiền bối của ngành thủy lợi QN-ĐN, nên đã nắm bắt tình hình rất nhanh.

Vì vậy khi kết luận hội nghị, ông Lê Trí Thanh nhận định nếu “đùng một cái” triển khai phương án xây dựng đập ngăn mặn Tứ Câu là chưa đủ tính thuyết phục. Ông đề nghị các đơn vị hữu quan của tỉnh Quảng Nam tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều phương án khác để có đánh giá vừa tổng quan, vừa chi tiết, rõ ràng, trên cơ sở đó thì UBND tỉnh mới quyết định được.

“Sau ý kiến kết luận của ông Lê Tri Thanh, chúng tôi thấy nhẹ hẳn ra. Phía Quảng Nam cho biết sẽ còn nhiều cuộc họp nữa, còn nhiều phương án khác và sẽ mời Đà Nẵng cùng tham gia góp ý kiến. Như thế thì tốt quá, chúng tôi sẵn sàng. Mong sao giữa hai bên có sự hợp tác để lợi cho cả đôi đường, cho cả hai địa phương. Nói hai địa phương nhưng thực ra cũng chỉ là một thôi mà!” – chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng nói.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Hoàng Thanh Hòa, Quảng Nam và Đà Nẵng cần thực hiện đúng 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27/4/2016 giữa Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương, trong đó có việc đảm bảo cho hoạt động giao thông thủy gắn với phát triển du lịch, khai thác và quản lý hạ tầng tài nguyên nước, kết nối công trình hạ tầng... Hai địa phương cũng cần phối hợp thực hiện tốt Quy trình vận hành liên hồ chứa của Chính phủ…

Đối với việc xây dựng đập ngăn mặn Tứ Câu, ngày 15/6, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 4376 gửi UBND tỉnh Quảng Nam và các Bộ ngành TƯ, mong muốn UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu mở rộng cửa sông Vĩnh Điện tại Câu Nhí, cách cầu Câu Lâu 2km về phía thượng lưu để nhận nước sông Thu Bồn (với trữ lượng nước mặt 2,2 tỉ m3) nhằm tăng lượng nước về sông Vu Gia, chống mặn cho sông Vĩnh Điện và hạ lưu các con sông tại Đà Nẵng.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chang-le-quang-nam-chan-het-nguon-nuoc-cua-da-nang-post211331.info