Chàng kỹ sư máy bay đam mê sáng tạo

Chàng kỹ sư máy bay Hà Tuấn Anh đã sáng chế ra nhiều thiết bị hữu ích, đem lại giá trị kinh tế cao...

 Kỹ sư Hà Tuấn Anh (phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị bay tại Trạm Atec

Kỹ sư Hà Tuấn Anh (phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị bay tại Trạm Atec

Mới 10 năm tuổi nghề nhưng với niềm đam mê sáng tạo, chàng kỹ sư máy bay Hà Tuấn Anh đã sáng chế ra nhiều thiết bị hữu ích, đem lại giá trị kinh tế cao trong bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị máy bay.

Vinh danh Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam

“Mình sáng chế nhiều, vì mục đích công việc thôi, không ngờ thiết bị kiểm tra ắc-quy lần này được chương trình Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam của Tổng Liên đoàn Lao động VN ghi nhận và trưng bày triển lãm”, kỹ sư máy bay Hà Tuấn Anh, công tác tại Trung tâm Bảo dưỡng thiết bị Hà Nội, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay, khiêm tốn chia sẻ.

"Hơn 10 năm làm việc tại trung tâm, Hà Tuấn Anh đã thể hiện là một kỹ sư trẻ có năng lực và đam mê sáng tạo, đạt nhiều thành tích trong lao động, đóng góp không nhỏ vào công tác bảo dưỡng máy bay. Nhiều sáng tạo của Tuấn Anh đem lại hiệu quả thiết thực và giá trị kinh tế cao. Tuấn Anh đã được ngành Hàng không Việt Nam tặng các bằng khen, giấy khen, danh hiệu. Nhiều năm liền là lao động xuất sắc, riêng năm 2015 anh đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở."

Ông Trần Tuấn Hiệp
Phó giám đốc Trung tâm Bảo dưỡng thiết bị Hà Nội, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay

Đó là thiết bị kiểm tra dung lượng - nạp - xả ắc - quy khẩn cấp trên máy bay Airbus A320/A321 mà anh Hà Tuấn Anh cùng các đồng nghiệp nghiên cứu chế tạo thành công năm 2015. Anh Tuấn Anh cho biết, trên máy bay Airbus A321 có hệ thống ắc-quy khẩn cấp rất quan trọng, theo quy định sử dụng của nhà sản xuất phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, để kiểm tra, sửa chữa phải gửi ắc-quy này ra nước ngoài, rất mất thời gian và tốn chi phí. Chưa kể phải có số lượng ắc-quy dự phòng lớn để đảm bảo luôn có thiết bị phục vụ trên máy bay.

“Ban đầu, khi có ý tưởng, báo cáo và được lãnh đạo chấp thuận, tôi chưa chắc sẽ thành công. Chỉ biết cố gắng hết mình, làm việc hết khả năng và sáng tạo hết mức có thể để công việc đạt được kết quả tốt nhất”, Tuấn Anh tâm sự.

Vì đây là thiết bị điện tử kỹ thuật cao, phức tạp, đòi hỏi phải đảm bảo độ tin cậy nên để hoàn thành sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn, anh đã mất gần một năm nghiên cứu với không dưới 25 lần thử nghiệm, cuối cùng cũng thành công. Điều tự hào là thiết bị này không chỉ được các cơ quan chuyên ngành liên quan và Cục Hàng không VN kiểm tra, chứng nhận mà còn được các nhà chức trách Cục Hàng không Mỹ chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn.

Thiết bị đang được sử dụng hiệu quả, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, đồng thời giảm chi phí bảo dưỡng, chi phí dự phòng, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng tính chủ động và năng suất lao động trong công tác bảo dưỡng máy bay.

Cháy mãi niềm đam mê sáng tạo

Đến với ngành Hàng không như một cơ duyên vì sau khi tốt nghiệp hai khoa Điện và Điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, Hà Tuấn Anh dự định làm việc ở lĩnh vực khác. Trong khi chờ đợi, tình cờ đọc báo, thấy ngành Hàng không tuyển dụng, anh quyết định thử sức, không ngờ trúng tuyển. Sau hai năm được gửi đi đào tạo tại Học viện Phòng không không quân chuyên ngành Điện - Điện tử máy bay, anh được điều về Công ty Kỹ thuật máy bay.

Trạm Atec, nơi Tuấn Anh công tác có nhiệm vụ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện tử quan trọng, phức tạp của máy bay như: Máy tính điều khiển máy bay, hệ thống dẫn đường tự động… Các thiết bị để sử dụng cho công tác này đều là các thiết bị công nghệ tối tân, giá trị rất lớn và đòi hỏi nghiêm ngặt về quy trình sử dụng. “Không phải mình mua, là của mình thì mình muốn vận dụng thế nào cũng được mà hàng năm đều phải thuê nhà sản xuất hỗ trợ về kĩ thuật, công nghệ. Đồng thời, phải tuân thủ quy trình của nhà sản xuất, thiết bị mới được đảm bảo tiêu chuẩn để khai thác”, anh Tuấn Anh cho biết.

10 năm gắn bó với công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy bay cũng như làm việc trong môi trường đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại đã đem lại cho Tuấn Anh nhiều kinh nghiệm quý báu nhưng đồng thời cũng là môi trường để anh phát huy khả năng sáng tạo. Đến nay, nhiều sáng chế của anh đã phát huy hiệu quả cao trong công tác bảo dưỡng thiết bị máy bay như: Thiết bị kiểm tra, sửa chữa, chẩn đoán hỏng hóc lò nướng (steam oven) trên máy bay A320/A321; Bộ kiểm tra, sửa chữa chấn lưu của đèn chiếu sáng điện tử…

Anh tâm sự, quá trình triển khai, cũng có lúc cảm thấy nản lòng khi gặp khó khăn; Cũng có lúc phải bỏ dở vì không thể mua được vật tư từ nước ngoài. Nhưng cuối cùng anh vẫn không từ bỏ niềm đam mê sáng tạo của mình. Anh khoe đang ấp ủ một đề tài mới nhưng còn phải thử mô hình trên máy tính để xem tính khả thi đến đâu. “Chưa biết đề tài mới có được triển khai không nhưng tôi sẽ cố gắng giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo luôn cháy trong mình”, anh Tuấn nói.

Thanh Thúy

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chang-ky-su-may-bay-dam-me-sang-tao-d151127.html