Chẳng hiều sao, giữa bao nhiêu người xứng hợp, chị lại chọn người đàn ông đã có gia đình...

Nhấp ngụm trà, anh đùa chị: “Sao ngày xưa em lại nhận lời làm vợ anh?”. Chị chỉ cười, nhìn anh trìu mến.

Câu anh hỏi gợi cho chị nhớ chuyện ngày xưa. Tốt nghiệp đại học chị về quê làm việc cho cơ quan nhà nước. Công việc tạo cho chị cơ hội đi nhiều, gặp gỡ nhiều. Xinh đẹp, trẻ trung và nhiệt tình, theo đuôi chị là hàng tá cây si. Chẳng hiều sao, giữa bao nhiêu người xứng hợp, chị lại chọn người đàn ông đã có gia đình, vào cơ quan chị thường trú một thời gian. Đàn ông tuổi ba mươi có hấp lực khác hẳn những chàng trai trẻ chập chững vào đời. Chị yêu cuồng nhiệt, từng tính đến việc bỏ tất cả theo người ấy.

Lúc đó, biết chị đang có người yêu nhưng anh vẫn lặng lẽ dõi theo. Chính anh cũng không lý giải được tình cảm của mình, chỉ biết mình thật lòng quan tâm đến cô gái có tâm hồn lãng mạn, yêu thơ, yêu hoa và dễ xúc động ấy. Rồi chẳng biết nhờ đâu mà chị bừng tỉnh giữa lúc toan bỏ tất cả để theo người đàn ông đó về miền Bắc.

Chị đã phải đấu tranh dữ dội với bản thân. Người ta đã có gia đình, có hai đứa con. Chị theo người ta là một người phụ nữ mất chồng, hai đứa trẻ mất cha. Nhưng nếu buông tay, chị cũng lỡ dở thời thanh xuân. Nghĩ đến cùng, chị lặng lẽ cắt đứt liên lạc, dù đến giờ trong thâm tâm, đó vẫn là người chị dành nhiều tình cảm nhất. Nếu ngày đó chị chấp nhận, có lẽ hôm nay chị đã là bà này, bà nọ, nhà cao cửa rộng, xe cộ đón đưa. Nhưng, chị biết mình đã quyết định đúng.

Ảnh mang tính minh họa. Shutterstock

Chị chọn anh, trước tiên không phải vì tình yêu mà vì cảm động trước tình cảm anh dành cho chị. Tính từ khi anh tặng chị một cành hồng đến ngày chị về làm dâu nhà anh là đúng bảy năm. Bảy năm ấy, chị bảo, nếu không thương không yêu thì cả hai đều đã không kiên nhẫn đến vậy.

Ngày đó gia đình anh nghèo, nhà chị lại khá giả. Chị lấy anh, ba mẹ chị phải hỗ trợ rất nhiều. Chị đi dạy, anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty. Dù vậy, anh luôn gắng không để chị phải bận lòng. Rảnh rỗi là anh phụ chị cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Cha mẹ chị ốm đau, anh túc trực thường xuyên. Họ hàng chị ai cũng mến chàng rể nghĩa tình, hết lòng thương yêu vợ.

Con trai đầu lòng ra đời thì phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh, chị ngất lên ngất xuống vì thương con. Là đàn ông, anh tỏ ra cứng rắn hơn để còn làm chỗ dựa cho vợ. Lo cho con, anh miệt mài làm việc, hết việc công ty thì tối nhận sổ sách về làm thêm. Xoay xở vay mượn, anh chị đưa con đi mổ trên Sài Gòn. Giờ nhìn vết sẹo mổ của con, chị thương con một nhưng thương anh đến mười.

Từng bước anh phấn đấu lên làm kế toán trưởng, rồi được tin cậy bổ nhiệm làm phó giám đốc, giám đốc. Thăng chức, lương tăng nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhiều. Dù vậy, những chăm sóc anh dành cho chị vẫn không hề giảm. Những buổi tiếp khách anh luôn thu xếp về sớm ăn cơm vợ nấu để “vợ không phải ghen”. Biết vợ thích hoa, cuối tuần là anh ghé mua hoa về tặng vợ.

Một lần đi dạy, chị bị tai nạn gãy xương vai, gãy tay, phải cấp cứu. Anh dứt khoát nghỉ việc không lương để có thời gian chăm vợ. Gần một năm trời, anh sát cánh bên chị hết phòng phẫu thuật đến phòng tập vật lý trị liệu. Những lúc chị đau đớn trào nước mắt, anh ôm chị vào lòng dỗ dành: “Em cố gắng một chút, con và anh rất cần em”. Những lời của anh đã tiếp sức cho chị.

Ngày anh được phân công vào Sài Gòn làm việc, vì không muốn vợ chồng xa nhau, anh xin chuyển công tác cho chị theo anh. Gắn bó với nghề giáo hơn hai chục năm, chị lo lắng không biết có đảm đương được công việc mới hay không. Chị sợ chị không quen với thành phố năng động này. Cuộc sống chưa ổn định, phải ở nhà thuê, nhiều đêm chị trăn trở, thở dài. Anh biết ý, nói: “Không sao đâu em, từ từ rồi quen. Mình lên đây còn là để sau này các con có điều kiện học tập tốt hơn”.

Một lần phát hiện ở ngực có khối u, phải làm sinh thiết, chị như tuyệt vọng vì lo sợ. Những ngày chờ kết quả, chị không ngủ được, cứ dặn đi dặn lại chồng phải làm gì nếu đó là tình huống xấu nhất. Lần này, anh vẫn là chỗ dựa vững chãi cho chị. Sáng ngày đi nhận kết quả, anh xin nghỉ, đưa con đi học rồi mới cùng vợ vào bệnh viện. May mắn là u lành!

Giờ nhìn lại hai mươi lăm năm gắn bó, anh như yêu thương chị thậm chí còn hơn cả những ngày đầu. Bạn cũ gặp lại có người không nhận ra chị, vì thoạt nhìn chị vẫn trẻ đẹp phơi phới - vẻ đẹp toát ra từ một người phụ nữ hạnh phúc viên mãn.

Con trai lớn đã có việc làm, con út mới vào lớp 5 nhưng cứ giống ông cụ non, tâm sự với mẹ như hai người bạn. Ngày cuối tuần, vợ chồng chị vẫn giữ thói quen như thời ở quê, ngồi uống trà bàn chuyện nhà, chuyện con cái, chuyện cơ quan... Bạn bè vẫn đùa: “Ông ấy làm giám đốc, tuy không đẹp mã nhưng được cái ghế, gái chắc theo đầy”. Chị nghe mà không chút dao động, vì hoàn toàn tin vào tình cảm của anh.

Ở tuổi của mình mà anh chị vẫn làm cho nhiều đôi yêu nhau phát tủi vì ghen tỵ. Chốn đông người anh chị vẫn nắm tay nhau. Anh vẫn thường ghé tiệm hoa trước công ty để chọn hoa tặng chị, đi đâu xa đều mua đồ ăn ngon về để cả nhà cùng thưởng thức. Người ta trầm trồ khen chị có phúc, chị bảo: “Nhờ anh ấy cả đấy!”.

Thỉnh thoảng, chị vẫn nghe đâu đó nhiều chị em ví von lấy chồng như đánh bạc, nhưng chị nghĩ, quan trọng là do mình phải biết chọn người. Mặt khác, hạnh phúc là cả một hành trình dài, đòi hỏi cả hai phải cùng cố gắng. Đôi khi hạnh phúc ở ngay trong cách mình nhìn nhận, chứ không phải là điều gì quá xa tầm với. Lại nghĩ về những gì mình đã nhận được, chị khẽ nắm tay anh: “Cảm ơn anh, điểm tựa của đời em”.

Khả Kiến

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tam-su/hon-nhan/chang-hieu-sao-giua-bao-nhieu-nguoi-xung-hop-chi-lai-chon-nguoi-dan-ong-da-co-gia-dinh-88657/