Chặn những bàn chân bẩn

TP - Cuối cùng thì nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã được công bố.

Cận cảnh hệ thống xử lý nước thải của Formosa

Cá chết kéo theo nhiều hệ lụy như ngư dân đánh bắt cá về không có người mua, môi trường biển ô nhiễm, người dân miền biển gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến bát cơm manh áo trong cuộc sống hằng ngày.

Trên nhiều tờ báo, trên Facebook, hình ảnh người dân bị ảnh hưởng của sự cố môi trường nghiêm trọng này đã được chia sẻ rất nhiều, chính quyền cũng đang có những biện pháp như thu mua cá cho dân, trực tiếp tắm biển, ăn cá, động viên người dân trong lúc khó khăn...

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biển huyện Kỳ Anh, nơi có Vũng Áng, có khu công nghiệp Formosa, nơi mà tôi đã lấy tên quê hương làm bút danh, đã trở thành cái tên thường gọi bao nhiêu năm nay: Dương Kỳ Anh. Bởi thế tôi càng thấm thía nỗi đau này, nỗi đau cá chết, biển chết, người dân trong đó có cả những người nhà của gia đình tôi đang gặp nhiều khó khăn.

Hàng ngày đọc báo, lên Facebook, tôi chỉ mong sao nhà chức trách sớm tìm được nguyên nhân thực sự làm cá chết, làm ô nhiễm môi trường biển, để có biện pháp khắc phục có hiệu quả , để người dân miền biển yên tâm vào lộng ra khơi ...Bây giờ, khi nguyên nhân làm cá biển chết hàng loạt đã được công bố và tôi lại nghĩ đến nguyên nhân sâu xa mà không chỉ làm cho cá chết.

Tôi chợt nhớ có lần đàm đạo với một chuyên gia về môi trường, ông bảo: chúng ta rải thảm đỏ đón các nhà đầu tư trên khắp thế giới là cần thiết, nhưng, thảm đỏ chỉ đón những bàn chân sạch, chứ nhất quyết không đón những bàn chân bẩn, không cho những bàn chân bẩn vào nước ta.

Những “ bàn chân bẩn” mà ông nói, chính là những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ với mục đích lợi nhuận đơn thuần mà làm hại đến môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên, khoảng sản, xả những chất thải độc hại vào sông, vào biển, vào bầu không khí... để lại hậu quả lâu dài cho đời sau .

Chả phải chúng ta đã có những dẫn chứng đau lòng như vụ đầu độc sông Thị Vải bằng chất thải của một công ty Đài Loan đó sao?

Những dẫn chứng như thế nếu kiểm tra kỹ không phải là hiếm.

Nhiều người trong chúng ta biết rằng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy sản xuất thép và nhiều nhà máy sản xuất chế biến khác gây ô nhiễm môi trường trong và ở gần khu dân cư, trong những nơi có môi trường sống đang ổn định vì đó là những thứ gây độc hại lâu dài và nghiêm trọng...

Vừa rồi, tôi có đọc một bài báo trên tờ điện tử Dân Trí, thấy trích lời phát biểu của ông Nguyễn Xuân Sinh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) nói về việc ban hành các quy chuẩn về môi trường rằng có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cao hơn các nước và rất khắt khe. Nhưng cũng có những tiêu chuẩn của Việt Nam thấp hơn thế giới...

Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu về vấn đề này, cũng như luật đầu tư ở nước ta, nhưng tôi thiển nghĩ, vấn đề không phải là cao hay thấp, vấn đề là phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta trong việc ban hành các quy chuẩn về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khi các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam, sao cho thảm đỏ mà chúng ta trải ra đón họ chỉ đón nhận những “bàn chân sạch” và kiên quyết từ chối những “bàn chân bẩn”.

Chẳng phải lúc đương thời ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó đang là người đứng đầu thành phố Đà Nẵng đã kiên quyết từ chối một dự án cả tỷ đô la để bảo vệ cho môi trường thành phố được trong lành. Đó chính là dự án xây dựng một nhà máy thép. Người dân Đà Nẵng yêu quý và biết ơn ông chắc có cả vì chuyện đó.

Theo tôi, cái gốc để ngăn chặn những “bàn chân bẩn” khi vào nước ta chính là luật đầu tư, chính là những quy định về bảo vệ môi trường và Nhà nước phải kiên quyết thực hiện, tổ chức giám sát một cách minh bạch và kiên quyết chống tham nhũng.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chan-nhung-ban-chan-ban-1022960.tpo