Chặn đứng nguy cơ tuyệt chủng tê giác

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay đối với nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác, quốc gia có vai trò cao nhất trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng này là Việt Nam nơi một bộ phận người dân vẫn còn nhu cầu sử dụng sừng tê giác...

Bên lề Hội nghị về Chống buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã (IWT) diễn ra tại Hà Nội ngày 17/11/2016, TS. Philip Muruthi - Phó Chủ tịch chuyên trách Bảo vệ các chủng loài khu vực Nairobi và Kenya, Quỹ Động vật Hoang dã châu Phi (AWF) – đã có cuộc trao đổi với báo chí về thực trạng săn bắn và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm từ ĐVHD.

Tiến sỹ Philip Muruthi, Quỹ Động vật Hoang dã châu Phi (AWF).

PV: Thưa ông, các hoạt động săn bắt và tiêu thụ trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở châu Phi và có liên quan mật thiết đến các đường dây buôn bán từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo ghi nhận của ông và AWF, thực trạng này đang diễn ra như thế nào?

TS. Philip Muruthi: Nạn săn bắn trộm ĐVHD ở châu Phi đúng là vấn đề nhức nhối, rõ ràng là nó liên hệ chặt chẽ với các châu lục khác trên thế giới bởi mức cầu về tiêu thụ sản phẩm là rất lớn. Thời gian gần đây, cứ mỗi ngày ở châu Phi có 3 cá thể tê giác bị giết hại, số lượng tê giác bị giết hại năm 2015 là 1.300 cá thể. Theo tính toán, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tê giác, loài vật mang tính biểu tượng của châu Phi có thể bị tuyệt chủng sau 15 năm nữa.

Theo con số thống kê từ Traffic và các bên tham gia công ước Cites, tại Việt Nam và Trung Quốc là các nước có tiêu thụ sừng tê giác và ngà voi cần phải làm việc nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Liên kết để tạo ra cơn khủng hoảng này liên quan đến 3 nhóm quốc gia gồm: Quốc gia nguồn ở châu Phi, nơi sinh sống của các loài ĐVHD; các quốc gia quá cảnh, nơi bọn tội phạm trung chuyển qua các cảng biển, sân bay…; và các quốc gia đóng vai trò tiêu thụ, trong đó có Việt Nam. Cả 3 nhóm quốc gia trên đều phải có những hành động cụ thể.

Như chúng ta đã biết, loài tê giác java đã tuyệt chủng ở Việt Nam, chúng ta cũng đang chứng kiến mối đe dọa như vậy đối với số phận của loài tê giác ở châu Phi. Toàn châu lục hiện đang có khoảng 5.000 cá thể tê giác đen và 20.000 cá thể tê giác trắng.

PV: Gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác là tang vật thu giữ. Ông đánh giá sao về động thái này?

TS. Philip Muruthi: Đó là một hành động rất quả cảm. Động thái này truyền đi thông điệp rất mạnh mẽ đối với những kẻ vi phạm, để những kẻ buôn bán bất hợp pháp và cả người tiêu dùng thấy rằng Việt Nam hoàn toàn nghiêm túc trong vấn đề này và không cho phép tiếp tục có những hoạt động buôn bán cho dù những sản phẩm đó có thể có giá trị kinh tế cao bao nhiêu chăng nữa.

AWF chúng tôi hoan nghênh Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có động thái này, một động thái được thực hiện ngay trước thềm Hội nghị IWT. Đây là bước tiến rất mạnh mẽ cho thấy Chính phủ và nhân dân Việt Nam không chỉ cam kết mà còn hành động mạnh mẽ.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc ngăn chặn tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD?

TS. Philip Muruthi: Với việc đứng ra đăng cai tổ chức IWT, Việt Nam đã thể hiện rõ hơn cam kết mong muốn trở thành quốc gia tích cực trong việc ngăn chặn vấn nạn này, chứ không phải là quốc gia đi đầu trong việc tiêu thụ sừng tê giác. Một khi giảm được mức cầu, tình trạng tàn sát ĐVHD trong đó có tê giác sẽ chấm dứt.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay đối với nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác, quốc gia có vai trò cao nhất trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng này chính là Việt Nam bởi Việt Nam là quốc gia sử dụng sừng tê giác nhiều nhất thế giới.

Đặc biệt, Chính phủ không nên khoan dung đối với những kẻ săn bắn và buôn bán trái phép ĐVHD bởi loại hình tội phạm này không còn đơn lẻ như ngày xưa mà đã trở thành tội phạm có tổ chức. Việc tê giác java tuyệt chủng ở Việt Nam là một bài học đau xót khi con cháu các bạn sẽ không có cơ hội được nhìn thấy loài này bằng xương bằng thịt.

Hệ lụy đối với việc này liên quan đến phát triển kinh tế trong đó có du lịch, một khi không bảo vệ được ĐVHD và môi trường sống của chúng, chúng ta sẽ mất đi động lực phát triển kinh tế bền vững là du lịch.

PV: Ông có quan điểm như thế nào về việc hình thành các vườn thú hoang dã (safari), khi có rất nhiều loài ĐVHD được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới?

TS. Philip Muruthi: Tôi nghĩ rằng các safari được hình thành nhằm mục tiêu bảo tồn, với mục đích giáo dục và nâng cao hiểu biết cũng như đòi hỏi bảo vệ môi trường và bảo vệ chính các loài ĐVHD đó. Tuy nhiên, ưu tiên của chúng tôi vẫn là bảo tồn các loài tại chính sinh cảnh của chúng, nơi chúng được sinh ra và trưởng thành.

Trọng tâm của chúng tôi trong công tác bảo tồn ở châu Phi là khiến cho không chỉ các loài ĐVHD mà cả các loài thực vật hoang dã được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên của chúng, qua đó thể hiện được vai trò của chúng trong môi trường tự nhiên dù đó là đối với loài voi hay tê giác, chim chóc… để chúng được sinh sống trong những khu rừng chúng được sinh ra là ưu tiên của chúng tôi. Bản thân chúng tôi không muốn có những hoạt động dịch chuyển các loài sang môi trường sống khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tuân (ghi)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chan-dung-nguy-co-tuyet-chung-te-giac-post214028.info