Chân dung nghệ sỹ: Hồ Tú - người nghệ sỹ hào hoa, đa tài

Nhắc tới Hồ Tú, người ta liền nhớ tới hình ảnh nam diễn viên đẹp trai, có phong thái hào hoa phong nhã và đa tài.

Nhà báo, nghệ sỹ Hồ Tú.

Năm 2001, khán giả truyền hình hết sức ngạc nhiên và thích thú với nhân vật Trần Cung trong phim “Phóng sinh” của đạo diễn Mạc Văn Chung.

Ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy một ca sỹ đóng phim, thích thú vì ca sỹ đó vào vai ngọt như một diễn viên điện ảnh kỳ cựu.

Nam diễn viên đẹp trai, có phong thái hào hoa phong nhã đó chính là ca sỹ, nhà báo Hồ Tú, khi đó đang làm biên tập viên Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội. Sau đó, anh còn được công chúng yêu mến với vai Hùng trong phim “Hàng Xóm” của đạo diễn Phạm Lộc. Thành công đó thôi thúc anh thi vào trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, tốt nghiệp ngành Đạo diễn Điện ảnh năm 2006.

Từ đây, Hồ Tú bắt đầu chuyên tâm đến một niềm đam mê khác, gần gũi với chuyên môn chính của mình, đó là đạo diễn các chương trình ca nhạc, chương trình nghệ thuật, đạo diễn sân khấu các sự kiện văn hóa thể thao quan trọng.

Chương trình “Lá thư âm nhạc” do Hồ Tú đạo diễn quy tụ hầu hết các nghệ sỹ tên tuổi trong nước và hải ngoại, là món ăn tinh thần được khán giả truyền hình chờ đợi.

Sân khấu ca nhạc ở Thủ đô mà Mỹ Tâm xuất hiện lần đầu chính là “Lá thư âm nhạc,” hay Elvid Phương lần đầu tiên trở về Hà Nội cũng hát trên sân khấu này. Anh còn tạo tiếng vang lớn với chuyên trang Văn học nghệ thuật của Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội qua loạt phim chân dung các nhạc sỹ nổi tiếng.

Tuy nhiên, Hồ Tú không coi đóng phim hay đạo diễn sân khấu, đạo diễn truyền hình là một "nghề," mà chỉ là một công việc mang nhiều yếu tố năng khiếu cá nhân.

Sau nhiều năm được đào tạo bài bản, Hồ Tú là nghệ sỹ có đầy đủ tố chất, khả năng và kiến thức cả âm nhạc thính phòng và nhạc nhẹ, nên ca hát mới là lĩnh vực khiến anh yêu tha thiết và kéo anh theo đuổi suốt cuộc đời,

Từ năm 1980 đến năm 1985: là sinh viên Khoa thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội, học nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên, nghệ sỹ nhân dân Mai Khanh. Từ năm 1986 đến năm 1991 là sinh viên đại học thanh nhạc, Nhạc viện Sofia – Bulgaria, học giáo sư Tamara Gorinova.

Từ 1991 đến 1996: là nghệ sỹ, diễn viên chính nhà hát opera Feniche – Italy. Thời kỳ này, Hồ Tú vào vai một số vở thanh xướng kịch của L.V. Beethoven, Rossini, Verdi… Thường solo các aria: Largo al factotum trong opera Người thợ cạo thành Seville của Antonio Rossini, Rigoletto trong opera Rigoletto của Verdi v.v…

Trải dài qua các giai đoạn phát triển của đất nước, Hồ Tú đã biểu diễn rất thành công các ca khúc: "Những ánh sao đêm" (Phan Huỳnh Điểu), "Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa" (Nguyễn Văn Tý), "Bài ca bên cánh võng" (Nguyên Nhung), "Tình em" (nhạc Huy Du, thơ Ngọc Sơn), "Giai điệu tổ quốc" (Trần Tiến), "Khát vọng" (Phạm Minh Tuấn), "Nỗi nhớ mùa Đông" (Phú Quang), "Đất nước tình yêu" (Lệ Giang) và gần đây nhất là "Tổ quốc gọi tên mình" (Nhạc: Đinh Trung Cẩn, Thơ: Nguyễn Quế Mai)…

Trong một bài viết gần đây, nhà quay phim-đạo diễn Nguyễn Việt Thanh đã mượn hình ảnh chiếc micro để giới thiệu Hồ Tú như một nhà báo, một phóng viên, một diễn viên điện ảnh, một đạo diễn đặc biệt; nhưng trên hết anh là một ca sỹ có tâm hồn nồng cháy, lãng mạn với chất giọng hào sảng, trầm ấm, trữ tình và một phong thái đĩnh đạc, lãng tử, luôn cuốn hút người nghe mỗi khi cất cao giọng hát./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chan-dung-nghe-sy-ho-tu-nguoi-nghe-sy-hao-hoa-da-tai/411895.vnp