Chân dung hai “ông lớn” ngành gạo được VFA ưu ái

Vinafood 1 và 2, từng “nổi như cồn” vì làm ăn thua lỗ, một lần nữa lại được Hiệp hội VFA ưu ái cho làm đầu mối đàm phán, ký kết xuất khẩu gạo vào một số thị trường tập trung như Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines.

Năm 2016, Vinafood 1 dính tin đồn không minh bạch trong đấu thầu, còn Vinafood 2 lộ kết quả kinh doanh bê bết.

Tạo độc quyền cho 2 "ông lớn" ngành gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới đây đã có Công văn số 164/CV/HHLTVN gửi các công ty xuất khẩu gạo nêu rõ: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) được Chính phủ chỉ định là đầu mối đàm phán, ký kết xuất khẩu gạo vào một số thị trường tập trung như Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines.

“Do vậy, VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ ngày 6/6/2017 đến khi hai tổng công ty kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng” - công văn trên giải thích.

Phản ứng trước công văn trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này tạo ra độc quyền cho Vinafood 1 và Vinafood 2 khiến doanh nghiệp khác mất đối tác, mất thị trường và gây thiệt hại cho hạt gạo Việt.

Trước sự phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp, VFA cho biết vừa có văn bản cho phép các thương nhân được ký hợp đồng thương mại ở thị trường tập trung trở lại đối với các loại gạo thơm, nếp và tấm.

Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng động thái trên của VFA là chưa đủ. Vấn đề cốt lõi nhất là Bộ Công thương và VFA cần nhanh chóng tháo gỡ những quy định hạn chế quyền kinh doanh hợp pháp và gây cản trở cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo; tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu gạo vào tất cả thị trường chứ không chỉ một vài đơn vị.

Chia sẻ với báo chí mới đây, đại diện của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đánh giá: Đây là quy định hết sức bất hợp lý. Lý do là các hợp đồng thương mại của doanh nghiệp không liên quan đến hợp đồng tập trung giữa hai chính phủ. Vì vậy việc buộc các đơn vị khác phải tạm ngừng xuất khẩu theo hợp đồng thương mại vào các thị trường tập trung là không thể chấp nhận được và nó đi ngược lại xu hướng tự do kinh doanh, thương mại.

Cũng theo doanh nghiệp gạo, đây không phải là lần đầu tiên VFA đưa ra quy định trên mà gần như năm nào cũng vậy. Cụ thể cứ đến thời điểm đàm phán các thị trường thì VFA lại ra văn bản buộc các doanh nghiệp phải tạm ngừng xuất khẩu vào các thị trường này.

Đến khi Vinafood 1 và 2 đấu thầu xong thì những đơn vị khác mới được xuất khẩu trở lại. Nguyên nhân có thể là do VFA sợ những công ty khác chào bán giá thấp.

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam còn nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới thì trong nước lại quy định thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo… của VFA là rất khó hiểu.

Vinafood 1 và Vinafood 2 là ai?

Chia sẻ mới đây, PGS.TS Dương Văn Chín cho biết cần nhanh chóng cổ phần hóa Vinafood 1, Vinafood 2, để cho kinh tế thị trường điều tiết. Hai tổng công ty làm lỗ ngàn tỷ đồng mà sao cứ giữ hoài? Khi cổ phần hóa, các công ty thành viên sẽ tự nỗ lực, tự tìm thị trường và bán.

Kinh doanh trong ngành lợi thế, được nhiều ưu đãi nhưng Vinafood 2 lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng và hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi. Từ vị thế một trụ cột trong xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp này thành một “cục nợ”.

Theo báo cáo của Vinafood 2, từ năm 2012-2015, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinafood 2 gặp nhiều bất lợi. Năm 2012 lợi nhuận trước thuế đạt hơn 167 tỷ đồng. Thế nhưng gió đổi chiều mạnh vào những năm sau đó. Năm 2013 Vinafood 2 lỗ hơn 268 tỷ đồng, đặc biệt năm 2014 lỗ tới gần 900 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận Thanh tra Vinafood 2 có nhiều sai phạm đã được chỉ ra. Trong đó đáng chú ý là công ty mẹ đã thực hiện cho vay và bảo lãnh vay vốn trái quy định cho một số đơn vị với số tiền lên tới hơn 1.700 tỷ đồng. Hậu quả là Vinafood 2 phải trả nợ thay với số tiền lên tới 258 tỷ đồng.

Năm 2016, Vinafood 2 đạt doanh thu thuần 9.951 tỷ đồng, giảm 36%; lợi nhuận sau thuế 157 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước đó. Dù vậy, lỗ lũy kế của Vinafood 2 tính tới cuối năm 2016 vẫn lên tới 798 tỷ đồng.

Trong khi Vinafood 2 thua lỗ ngàn tỷ đồng như vậy thì ở Vinafood 1 kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan. Lợi nhuận giảm mạnh, chi phí tăng cao.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ - Vinafood 1, doanh thu của công ty này đạt mức 8.953 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ - Vinafood 1 lại giảm khá mạnh từ mức 221 tỷ đồng năm 2014 xuống còn 166 tỷ đồng năm 2015, tương đương mức giảm 25%.

Bên cạnh đó, năm 2016 Vinafood 1 cũng dính nhiều tin đồn liên quan đến việc rất nhiều gói thầu không công khai kết quả. Cụ thể, trong số 36 gói thầu mà Vinafood 1 thực hiện trong năm 2016, đến nay có rất ít gói thầu được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Xuất khẩu gạo thu về 1 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đạt 2,3 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD. Con số này tăng 1,6% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 48% thị phần. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm hơn 11% thị phần.

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/chan-dung-hai-ong-lon-nganh-gao-duoc-vfa-uu-ai-d59262.html