Chấn chỉnh tình trạng sử dụng, lạm dụng lao động trẻ em

Tình trạng sử dụng, lạm dụng lao động trẻ em đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ em nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), cả nước có khoảng hơn 1,75 triệu lao động trẻ em, phổ biến ở độ tuổi 12 - 13 (chiếm 68,7%). Trong đó, trẻ em chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với 67%, còn lại ngành dịch vụ chiếm 16,6% và công nghiệp - xây dựng chiếm 15,8%. Ðáng nói là, trẻ em có nguy cơ làm việc trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động độc hại là 1,3 triệu em (chiếm 75% lao động trẻ em). Thời gian làm việc bình quân của các em 42 giờ/tuần. Việc ngăn chặn và giảm thiểu vấn nạn lạm dụng lao động trẻ em thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay.

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể, chi tiết về việc sử dụng lao động là trẻ em, từ độ tuổi đến thời gian và loại công việc cho phép, bảo đảm điều kiện, vệ sinh, an toàn lao động phù hợp lứa tuổi. Tuy nhiên, thực tế, không ít người sử dụng lao động khi tuyển dụng thường không thực hiện đúng những quy định, dẫn đến tình trạng nhiều lao động chưa đủ tuổi thành niên phải làm những công việc vất vả, nguy hiểm, độc hại, làm việc quá nhiều giờ, mức thù lao thấp. Tình trạng các em nhỏ ở nông thôn lên thành phố bán hàng rong hoặc làm những việc nặng nhọc khác khá phổ biến, thậm chí có những em gái còn bị lạm dụng trong các công việc liên quan đến vấn nạn mại dâm. Việc lạm dụng lao động trẻ em gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về mặt thể chất, tinh thần cũng như tâm lý bởi các em không có đủ thời gian cần thiết để học tập, vui chơi, giải trí đúng với lứa tuổi.

Có rất nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là điều kiện kinh tế nghèo đói, khó khăn khiến các em sớm phải lao động để phụ giúp gia đình. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, nhất là trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, chưa phổ biến được đầy đủ đến các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Ðặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LÐ-TB&XH), khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nhận thức của gia đình các em còn hạn chế. Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng con mình giúp đỡ gia đình chứ không phải là lao động trẻ em, nên không bị cấm.

Là một trong những quốc gia nỗ lực thực hiện Công ước về Quyền trẻ em, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa và can thiệp để bảo vệ, tạo môi trường lành mạnh cho mọi trẻ em phát triển toàn diện. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Một trong những mục tiêu của chương trình là 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện sẽ được hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Ngoài ra, cần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những khu vực lạc hậu, đói nghèo; nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách pháp luật của những người sử dụng lao động là trẻ em; tăng cường truyền thông về những thiệt thòi cũng như hệ lụy nghiêm trọng từ việc sử dụng lao động trẻ em… Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, quan trọng nhất là mỗi bậc phụ huynh cũng cần tự thay đổi nhận thức, để con em mình được phát triển trong một môi trường phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt thòi cho con trẻ.

KHÁNH MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33210502-chan-chinh-tinh-trang-su-dung-lam-dung-lao-dong-tre-em.html