Chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá

Bộ Tài chính vừa công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thẩm định giá (TĐG) tại 40 doanh nghiệp (DN) TĐG. Qua đó, Bộ Tài chính yêu cầu các DN TĐG nghiêm túc rút kinh nghiệm và thực hiện đúng quy định về TĐG.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết qua kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản các DN TĐG đều có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về TĐG và Hệ thống Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số DN chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về TĐG.

Cụ thể, một số DN chưa thực hiện đúng chế độ trích nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ,... đối với người lao động là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại DN. Một số công ty báo cáo thẩm định viên thỏa thuận không đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế,...

Bên cạnh đó, còn tình trạng một số DN chưa tuân thủ đầy đủ quy định về Quy trình TĐG tại Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam số 05 tại Quyết định số 77/2005/QĐ-BTC và Thông tư số 28/2015/TT-BTC. Cụ thể, phần lớn các DN TĐG khi xác định giá trị tài sản TĐG, thẩm định viên chỉ áp dụng 01 phương pháp TĐG mà không áp dụng phương pháp TĐG khác để đối chiếu kết quả và kết luận chính xác về kết quả TĐG; đồng thời cũng không có biện luận, phân tích về những căn cứ thực tế việc không sử dụng đủ 02 phương pháp TĐG.

DN khẩn trương khắc phục thiếu sót, sai phạm

Qua kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính yêu cầu các DN TĐG nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục những thiếu sót nêu trên. Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các DN thực hiện đúng chế độ trích nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế,… đối với người lao động là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại DN. Đồng thời, hạch toán đúng vào tài khoản dự phòng phải trả việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp về TĐG theo quy định. Các DN cũng phải tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của Hệ thống Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam; trong đó có các Tiêu chuẩn TĐG đã có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, về cơ sở giá trị của tài sản, thẩm định viên cần căn cứ vào mục đích TĐG, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và đặc điểm thị trường của tài sản TĐG để lựa chọn một trong hai cơ sở giá trị là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường làm cơ sở cho TĐG. Khi áp dụng cơ sở giá trị phi thị trường, thẩm định viên cần nêu tên của loại giá trị phi thị trường cụ thể được áp dụng và đưa ra các căn cứ, lập luận cụ thể.

Đồng thời, áp dụng từ 2 phương pháp TĐG trở lên đối với một tài sản TĐG để đối chiếu kết quả và kết luận chính xác về kết quả TĐG, trừ trường hợp thực hiện theo quy định khác của pháp luật chuyên ngành. Khi áp dụng nhiều phương pháp TĐG, thẩm định viên cần đánh giá và chỉ rõ phương pháp TĐG nào là phương pháp TĐG chính, phương pháp TĐG nào được sử dụng để kiểm tra, đối chiếu, từ đó phân tích, tính toán để đi đến kết luận cuối cùng về kết quả TĐG. Thực hiện đầy đủ các bước trong từng phương pháp TĐG mà thẩm định viên lựa chọn.

KL

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tai-chinh/chan-chinh-hoat-dong-tham-dinh-gia/298380.vgp