Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo

Dù đã có Luật Quảng cáo và nhiều văn bản điều chỉnh lĩnh vực này, nhưng ý thức tuân thủ pháp luật về quảng cáo hiện còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng lộn xộn, thậm chí vi phạm đạo đức kinh doanh, thuần phong mỹ tục. Vì thế, việc Chính phủ ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 9-5-2017 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo là hết sức cần thiết.

Trong sự phát triển của kinh tế thị trường và bùng nổ thông tin hiện nay, quảng cáo phát triển rất mạnh mẽ. Ở nước ta, quảng cáo lâu nay vẫn được coi như một biện pháp hiệu quả để các doanh nghiệp bán hàng. Thế nhưng đã xuất hiện tình trạng quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, mang tính bạo lực, hoặc liên quan tới yếu tố sex (tình dục), phóng đại quá mức hoặc sai sự thật; thậm chí có quảng cáo bóp méo sự thật, bóp méo cả ngôn ngữ sử dụng trong quảng cáo,… Dư luận từng ồn ào trước việc cầu thủ Việt Nam ra sân không phải với số áo trên lưng mà với tên sản phẩm của doanh nghiệp, hay quảng cáo thuốc chữa bệnh trên truyền hình đúng vào giờ ăn tối của các gia đình. Không hiếm quảng cáo thay vì sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực lại sử dụng ngôn ngữ buông tuồng, hoặc nhân vật nổi tiếng được thuê đóng vai quảng cáo thì nói năng chỏng lỏn, thiếu văn hóa. Có doanh nghiệp sử dụng hình ảnh người mẫu ăn mặc hở hang, phản cảm để quảng bá sản phẩm của mình. Rồi biển hiệu quảng cáo có chữ nước ngoài lớn hơn chữ tiếng Việt, thậm chí hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Không chỉ phản cảm về nội dung, nhiều bảng quảng cáo cũng khiến nhiều người lo ngại vì bố trí không hợp lý, dễ gây cháy nổ, như vụ hỏa hoạn kinh hoàng trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội); hoặc khi mưa to, bão lớn có nguy cơ gãy đổ, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Cùng với đó là các áp-phích, banner (ban-nơ) lắp đặt sai quy định, cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thời gian qua.

Điều nguy hại là có sản phẩm dù nằm trong danh mục bị cấm quảng cáo theo Luật Quảng cáo nhưng một số doanh nghiệp vẫn thực hiện, như: quảng cáo thuốc lá, quảng cáo rượu. Theo thống kê của dự án “Vận động thực thi quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá tại điểm bán lẻ thuốc lá” giai đoạn 2015 - 2016 được khảo sát tại 2.106 điểm bán lẻ thuốc lá thuộc 11 tỉnh, thành phố cho thấy: 88,5% số điểm bán lẻ vi phạm các quy định về trưng bày thuốc lá; 74,3% số điểm bán không treo biển cảnh báo cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; 74,1% số điểm trưng bày quá một bao hoặc một tút của một nhãn hiệu thuốc lá; 100% số điểm bán vi phạm ít nhất một tiêu chí về quảng cáo/khuyến mại thuốc lá. Cá biệt, có doanh nghiệp vì muốn tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như để công chúng nhớ đến thương hiệu của mình nên đã có nhiều mánh lới trong quảng cáo, như xử lý tốc độ âm nhanh liến láu đến biến dạng kỳ quặc (như: “sữa mẹ tốt nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, “sản phẩm này không phải thuốc chữa bệnh”!) hoặc quảng cáo có nội dung kệch cỡm, dung tục... Những doanh nghiệp lớn đã vậy, các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ và cá nhân có hoạt động buôn bán cũng “trăm hoa đua nở” với đủ các kiểu loại quảng cáo in, dán la liệt khắp nơi từ cột điện, thân cây, bờ tường, cửa ra vào,… đến tờ rơi phát tràn lan tại nơi đông người.

Từ năm 2001, Pháp lệnh về quảng cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1-5-2002). Năm 2012, Luật Quảng cáo đã được Quốc hội ban hành, trong đó tại Điều 8 quy định rõ về 19 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, đáng chú ý là các hành vi: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố; quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác; quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chiếu theo quy định nêu trên của pháp luật có thể thấy rất nhiều quảng cáo lưu hành hiện nay đang vi phạm.

Ước tính năm 2016, cả thế giới chi gần 600 tỷ USD cho quảng cáo. Con số này tăng 10 đến 15% hằng năm do nhu cầu bán hàng phát triển mạnh nhưng thời lượng, diện tích quảng cáo bị hạn chế định mức trên báo chí. Để quản lý quảng cáo, tại một số quốc gia phát triển thường có cơ quan thẩm quyền riêng biệt chịu trách nhiệm giám sát xử lý những vi phạm trong quảng cáo. Như tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission - FTC) chịu trách nhiệm xử lý hành vi quảng cáo hoặc tiếp thị gian dối gây nhầm lẫn, hoặc thiệt hại cho người tiêu dùng. Năm 2007, với “hành vi thương mại gian dối hoặc không lành mạnh”, FTC đã phạt các công ty phân phối bốn loại thuốc giảm cân (Xenadrine EFX, One A Day Weight Smart, Cortislim, TrimSpa) tổng cộng 25 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của các loại thuốc này. Tương tự, năm 2016, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã phạt một chi nhánh hãng sản xuất ô-tô Volkswagen vì quảng cáo sai sự thật liên quan vụ bê bối gian lận khí thải... Ở nước ta, các hình thức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo còn nhẹ, chủ yếu là phạt tiền và xử lý hành chính, cho nên tính răn đe chưa cao, vì thế cần nâng mức phạt, thậm chí tùy theo mức độ có thể cấm chủ thể vi phạm đăng hoặc phát sóng các quảng cáo mới. Bên cạnh đó, để các vi phạm không tái diễn cần trao trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho cá nhân, lãnh đạo đơn vị, tổ chức, địa phương. Mỗi cá nhân hay cơ quan được giao trách nhiệm phụ trách hoạt động quảng cáo sẽ nhận hình thức khen thưởng, hoặc khiển trách tương ứng với kết quả làm được. Hình thức giao trách nhiệm cụ thể này giúp đánh giá năng lực của cơ quan chức năng liên quan và bộ máy chính quyền từ cấp cơ sở, sớm ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong quảng cáo.

Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và ý thức tuân thủ pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân. Hiện nay trong lĩnh vực này đang tồn tại một số vấn đề cần được giải quyết. Thứ nhất, cần thấy rằng từ lâu quảng cáo đã không còn chỉ là dịch vụ của nền kinh tế thương mại mà tự thân đã chuyển hóa thành một mặt hàng thương mại và ngang hàng với sản phẩm khác. Quảng cáo góp phần kích thích tăng trưởng thị trường, tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp, truyền bá các giá trị văn hóa,... Vì vậy, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo cần gắn với thực tế và với lợi ích chung của xã hội. Các chính sách phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, không ảnh hưởng tới các lợi ích mà quảng cáo mang lại. Các cơ quan ban hành chính sách cần nắm rõ thực tế, triển khai tìm hiểu, khảo sát trên quy mô cả nước, giải quyết hài hòa giữa lợi ích người dân và đơn vị kinh doanh để quảng cáo hoạt động đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho quảng cáo phát triển lành mạnh, thông qua các sản phẩm thương hiệu Việt góp phần quảng bá văn hóa, nâng cao hiểu biết của thế giới về Việt Nam. Thứ hai, sự khác biệt về đặc thù địa phương, đặc thù từng loại hình quảng cáo có thể gây khó khăn trong công tác quản lý và sự đồng nhất về chính sách, vì vậy các cơ quan chức năng có nhiệm vụ ban hành chính sách cần nghiên cứu để đưa ra quy định cụ thể, phù hợp từng địa phương, từng loại hình quảng cáo để tránh hiện tượng máy móc, khuôn mẫu, phụ thuộc vào ý chí người quản lý. Thứ ba, cần tham khảo kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp luật về quảng cáo ở các quốc gia tiên tiến, từ đó hoàn thiện các chế tài và có hình thức xử lý nghiêm minh những sai phạm, tiêu cực. Thêm nữa, cần lưu ý, việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo cần có sự phối hợp giữa nhiều ngành và địa phương; cho nên có thể làm nảy sinh mâu thuẫn về quyền hạn và trách nhiệm mỗi bên, vì thế, nếu các ngành và địa phương không được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể sẽ dễ xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Chỉ thị 17/CT-TTg về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 9-5-2017 cho thấy thái độ nghiêm khắc và kiên quyết của Chính phủ trong lĩnh vực này. Hy vọng với quyết tâm của các ngành, địa phương và qua hoạt động tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật đến từng người dân, hoạt động quảng cáo sẽ sớm đi vào nền nếp, phù hợp với yêu cầu hiện đại, văn minh của xã hội phát triển.

MINH VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32976302-chan-chinh-hoat-dong-quang-cao.html