Chấn chỉnh đầu tư công

(ĐTTCO) - Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn nhưng đầu tư công hiệu quả chưa cao đã khiến nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội bức xúc, cho rằng cần phải chấn chỉnh nghiêm hoạt động này.

Báo cáo chưa đi vào cụ thể

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Tài chính của Quốc hội chưa chỉ ra cụ thể có bao nhiêu dự án đưa lại hiệu quả, thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố, nguyên nhân, giải pháp xử lý.

Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn, hiệu quả đầu tư kém, lãng phí nguồn lực, gây bức xúc lớn trong dư luận. Câu chuyện này sẽ còn lặp lại như “việc thường tình” nếu vẫn còn tình trạng dự án chung không ai khóc và không biết xử ai, không ai phải chịu trách nhiệm cho những thất thoát, những ngàn tỷ đồng mất đi…

ĐB Quốc hội Mai Sỹ Diến

Phải xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay. Thí dụ cho sự lãng phí này là 5 dự án gồm xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất, đã làm tiêu tan trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3.800 tỷ đồng tăng lên 8.100 tỷ đồng; bột giấy Phương Nam dự kiến 1.400 tỷ đồng, điều chỉnh lên 3.400 tỷ đồng… “Kiểu báo cáo và thẩm tra như trên giống như kiểu “bắn chỉ thiên” khi chỉ ra được thực trạng chung, nhưng cái cụ thể trong vốn đầu tư thất thoát, lãng phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân không chỉ ra được và không tạo ra bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư cho thời gian tới. Đặc biệt là việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 về chống tham nhũng, lãng phí” - ĐB Phương nói.

ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhận xét qua 5 dự án được Chính phủ báo cáo, cho thấy tình trạng tìm mọi cách để được phê duyệt dự án đầu tư của chủ đầu tư khá phổ biến, hay nói theo cách khác là tình trạng đua nhau xin đầu tư chạy dự án. Điều này dẫn đến hiệu quả dự án thực tế có khoảng cách rất lớn so với thuyết trình của chủ đầu tư. Đồng thời đặt ra việc nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành được Chính phủ giao thẩm tra tính khả thi và hiệu quả của dự án trước thực trạng này. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Đọc báo cáo về 5 dự án lớn do tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả và đã tiêu tốn hay thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng, hẳn chúng ta ai cũng rất bức xúc. Đó là nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc, như nhà thầu hạn chế năng lực, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định… Nhưng truy xét kỹ sẽ thấy nhiều khuyết điểm chủ quan, từ khâu đệ trình đến phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án. Vậy nhưng báo cáo của Chính phủ không chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm và tại sao chỉ có 5 dự án trên đang bế tắc. Cử tri sẽ đặt câu hỏi Chính phủ chỉ báo cáo 5 dự án vậy còn bao nhiêu dự án tương tự chưa được nêu ra”.

Nhiều ĐB Quốc hội cũng cho rằng báo cáo cần công khai các dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả để Nhân dân giám sát, xác định đây không phải là thông tin mật. Đây là một nhiệm vụ cần phải làm ngay để thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm

Trước tình hình nợ công cao và tăng nhanh, ngân sách eo hẹp, để tránh khủng hoảng, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị xem lại việc phân cấp phê duyệt đầu tư công giữa Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương theo hướng siết chặt thẩm quyền phê duyệt. ĐB này cũng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc chi ngân sách và đầu tư công. Các ĐB Quốc hội ở từng địa phương cũng phải có trách nhiệm đối với việc chi ngân sách và đầu tư công của địa phương mình, bởi đó là trách nhiệm hiến định và luật định của mình. “Muốn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu quả phải triệt để chống tham nhũng, kiên quyết nói không với những dự án đầu tư công có “mùi” lợi ích nhóm. Những luận chứng khả thi với số liệu lắp ghép, những báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ sài, thậm chí sao chép, cần phải được loại bỏ. Phải sửa lại quy định và cơ chế xét duyệt để tạo ra được sự rà soát và kiểm định nghiêm khắc về 4 yếu tố, tính khả thi, tác động môi trường, chất lượng và hiệu quả của dự án. Phải trả lời cho được câu hỏi của cử tri, vì sao đầu tư tư nhân họ làm có hiệu quả” - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Mai Sỹ Diến cũng cho rằng nguyên nhân của sự kém hiệu quả, chậm tiến độ và đội vốn đầu tư khá lớn gây thiệt hại cho Nhà nước, thất thoát không ít tiền của dân gây bức xúc cho người dân do việc xử lý trách nhiệm không cụ thể, thiếu cương quyết. Chẳng hạn, dự án nhà máy sản xuất tơ sợi Đình Vũ, dù đã rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, nhưng thiếu sự cảnh báo về thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ của các cơ quan chức năng trong thẩm định, đánh giá hoặc cơ quan thanh tra kiểm toán sau khi thanh tra kiểm toán. “Ai cũng biết khi chậm tiến độ dự án là vốn đầu tư đội lên rất nhiều, nhưng tại sao các cơ quan có trách nhiệm không xử lý dứt điểm hiện tượng này, có nghĩa chưa xác định được nguyên nhân chậm dự án tại khâu nào, ai chịu trách nhiệm. Việc không xử lý kéo theo hệ lụy rất nhiều dự án khác cũng xảy ra tương tự. Cuối cùng chỉ thiệt hại cho Nhà nước, cho Nhân dân” - ĐB Mai Sỹ Diến bức xúc.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư giai đoạn tới phải đạt được mục tiêu huy động vốn cho tăng trưởng kinh tế 6,5-6,7% mới đảm bảo được an toàn nợ công. Nhưng nếu đầu tư này không đi đúng định hướng liệu có chỉnh được không? Theo Điều 75 Luật Đầu tư công, Quốc hội vẫn có thể điều chỉnh kế hoạch này nếu ngân sách căng thẳng và tình hình thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh tế, xã hội có vấn đề. “Do đó, nếu như thông qua kế hoạch đầu tư, hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội để theo dõi quá trình triển khai đầu tư đó có đi đúng hướng và nếu chệch hướng Quốc hội phải có ý kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư đó. Để làm sao chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu, đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực có tiềm năng” - ĐB Ngân nhấn mạnh.

Hà My

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161102/chan-chinh-dau-tu-cong.aspx