Chấn chỉnh Cục Nghệ thuật biểu diễn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn

Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) công bố 300 bài hát truyền thống cách mạng - trong đó có những bài ca ngợi Đảng, ca ngợi lãnh tụ và cả "Quốc ca" - vào danh sách các ca khúc trước năm 1975 được phép phổ biến đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí phẫn nộ của công luận (Báo Người Lao Động phản ánh trong các ngày 18, 19, 22, 23-5). Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay.

Không cần cấp phép phổ biến

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ VH-TT-DL, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26-4 vừa qua. Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì được phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục NTBD.

Không cần cấp phép phổ biến cho ca khúc quen thuộc. Trong ảnh: Ca sĩ Khánh Linh trình diễn ca khúc “Bài ca hy vọng” trong chương trình “Giai điệu tự hào”, phát sóng trên VTV1. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Liên quan đến việc Cục NTBD công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó đáng chú ý nhất có "Tiến quân ca" (Quốc ca Việt Nam) do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, trả lời Báo Người Lao Động, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH)- cho rằng cần phải làm rõ lại chức năng, nhiệm vụ của cục này. "Cục NTBD được làm đến đâu, như thế nào? Ngoài ra, phải có hệ thống chuyên rất mạnh về lĩnh vực này đứng bên cạnh. Quản lý nhà nước cần phải biết làm đúng" - ông Bình nhấn mạnh.

Cấp phép phổ biến "Quốc ca" là vi phạm pháp luật

Đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, đặt vấn đề "Quốc ca" là "quốc hồn, quốc túy", sao lại phải cấp phép? Theo ông, "Quốc ca" đã được QH thông qua, ghi rất rõ trong điều 13 của Hiến pháp.

"Vậy không có lý do gì phải cấp phép. Việc cấp phép là không cần thiết. Còn nếu cấp phép cho "Quốc ca" thì cái giấy phép ấy đã "trèo" lên quy định của Hiến pháp. Theo nhận thức của tôi - một người nghiên cứu pháp luật, việc cấp phép "Quốc ca" là một sự vi phạm pháp luật" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận.

Việc Cục NTBD liên tục để xảy ra những bức xúc trong dư luận liên quan đến cấp phép ca khúc, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cán bộ của đơn vị này có nhận thức chưa đầy đủ. Đây là bài học sâu sắc đối với người quản lý, các cơ quan quản lý, bởi nếu họ chịu tham vấn các cơ quan pháp lý thì đã không để xảy ra điều đáng tiếc.

"Đặc biệt là những vấn đề hết sức nhạy cảm đối với xã hội, nó động chạm vào trái tim, niềm tự hào của dân tộc thì phải hết sức thận trọng, nhận thức phải đầy đủ, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả hết sức nguy hiểm" - ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của QH - đánh giá trong việc cấp phép ca khúc, Cục NTBD đã sai phạm và cần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. "Nghe thông tin cấp phép ca khúc, tôi cảm thấy ngạc nhiên và hơi bất ngờ. Cơ quan quản lý thực hiện giải pháp nghiệp vụ là việc bình thường nhưng khi Cục NTBD cho phổ biến 300 bài hát - chủ yếu là nhạc cách mạng, được hát mấy chục năm nay - thì rõ ràng có vấn đề về mặt quản lý" - ông Thắng nhận xét.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn xin lỗi và sửa sai

Ngày 23-5, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, đã lên tiếng xin lỗi vì phương pháp làm việc của cục này.

Ông Chương cho hay thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, Cục NTBD sẽ không cấp phép cho các ca khúc (không phân biệt sáng tác ở thời nào, ở đâu, thời gian nào) đã phổ biến rộng rãi, có nội dung tốt, không trái thuần phong mỹ tục, không đi ngược lợi ích đất nước... Cục cũng sẽ có văn bản yêu cầu các Sở VH-TT-DL nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định tác phẩm khi cho phép tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật.

Đối với những ca khúc không được phép phổ biến, các đơn vị rà soát thẩm định cấp phép với các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ca khúc nào có nội dung trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, đi ngược lại chủ trương chính sách nhà nước, đơn vị cấp phép phải rà soát để loại khỏi chương trình được cấp phép đó.

Ông Chương khẳng định: "Thời gian vừa qua, Cục NTBD đã thực hiện việc rà soát, cập nhật danh mục các bài hát đã được phổ biến rộng rãi trên website của cục. Việc làm này gây ra sự hiểu lầm trong dư luận là Cục NTBD đã cấp phép các ca khúc cách mạng. Đây là điều đáng tiếc, tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội".

Với cương vị là Cục trưởng Cục NTBD, ông Chương đã thay mặt lãnh đạo cục và cá nhân nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, đồng thời xin lỗi công chúng.

Trước mắt, để khắc phục, Cục NTBD đã trao đổi với Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc Bộ VH-TT-DL tháo gỡ danh mục 300 bài hát truyền thống cách mạng vừa cập nhật.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/chan-chinh-cuc-nghe-thuat-bieu-dien-201705232233483.htm