Chậm trễ mía đường

Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan trong khối ASEAN, ngày 26/2/2009, Hiệp định ATIGA chính thức được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2010.

Theo nội dung Hiệp định ATIGA, kể từ năm 2018 tới, mức thuế suất đối với mặt hàng mía đường chỉ còn 5%. Không cần đợi đến năm 2018, nhiều năm nay, chuyện đường Việt “ngộp thở” bởi đường ngoại, điển hình là đường Thái Lan diễn ra khá thường xuyên. Bởi vậy, mức thuế suất 5% được nhìn nhận thực sự sẽ là “đòn chí mạng” của mía đường Việt Nam.

Trên thực tế, trước ngưỡng cửa ATIGA 2018, Chính phủ các nước “láng giềng” như Thái Lan, Philippines đã và đang có những hành động khá cụ thể nhằm tái cấu trúc ngành mía đường, tận dụng cơ hội. Cơ quan quản lý ngành mía đường Thái Lan và Philippines đã xây dựng, ban hành lộ trình phát triển mía đường quốc gia với các mục tiêu và chương trình hành động cụ thể từ khâu canh tác mía đến hoạt động quảng bá các sản phẩm giá trị gia tăng cao với tầm nhìn đến 2020-2026. Trong đó, Chính phủ Thái Lan và Philippines cấp ngân sách lần lượt lên đến 1,3 tỷ USD/năm (29.500 tỉ đồng) và 2 tỷ peso/năm (950 tỷ đồng) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu.

“Láng giềng” rốt ráo thế, còn Việt Nam thì sao? Ngay tại Hội nghị “Biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam” diễn ra giữa tháng 5/2015, vấn đề lo ngại đến năm 2018, khi không còn được bảo hộ kỹ lưỡng nhờ thuế quan, ngành mía đường nội địa dễ “thất thủ” đã được đặt ra cụ thể. Khi ấy, Bộ NN&PTNT đưa ra các biện pháp hướng tới là tạo sự đột phá về giống, thay đổi cách thâm canh, áp dụng tưới, cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Vài năm qua đi, khi chỉ còn ít tháng nữa tới cái ngưỡng 2018, “diện mạo” ngành mía đường Việt Nam như thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, nhiều chuyên gia đánh giá: Ngành mía đường không đạt được sự đổi thay như mong đợi, chưa thực sự có nhiều cải tiến về chất khi các chỉ tiêu gần như thấp hơn so với mức trung bình của ngành đường thế giới và Thái Lan… Về phần DN, đa số nhà máy đường chưa thoát khỏi lối tư duy với tầm nhìn ngắn hạn; có tâm thế bị động trông chờ các biến động tích cực khách quan về thời tiết hay giá đường thị trường thế giới thay vì chủ động nâng cao sức cạnh tranh nội tại…

Hiện tại có phần muộn, nhưng rõ ràng để ngành mía đường không từng bước bị “nuốt chửng”, ngành này cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa thông qua các “cú hích” chính sách, định hướng cũng như cơ chế hỗ trợ từ phía Chính phủ. Trước mắt, chương trình tái cấu trúc ngành mía đường phải được đẩy mạnh triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và thực chất hơn. Về phần các DN, ngoài bộ phận DN đủ lực, đủ tầm “tự thân vận động” cải tiến, nâng chất lượng, năng suất, các DN quy mô nhỏ hơn có thể tính tới việc liên kết, hợp sức với nhau nhằm đầu tư phát triển theo chiều sâu, thay vì thụ động tiếp tục trông chờ sự ân hạn trì hoãn thực thi ATIGA.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cham-tre-mia-duong.aspx