Chăm sóc “vùng sâu” của bé

PNCN - Việc chăm sóc bé, nhất là các vùng ẩn sâu bên trong như tai, mũi, họng, bộ phận sinh dục… luôn được cha mẹ quan tâm.Tuy nhiên, việc chăm sóc không đúng cách sẽ gây hại cho bé.

Chăm sóc rốn bé sau sinh

Khi còn trong bào thai, dây rốn làm nhiệm vụ nuôi bé. Sợi dây nuôi dưỡng này được cắt khi bé “sổ lồng”. Do đó, rốn lúc này là vết thương hở, nếu nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong cao vì nhiễm trùng máu, uốn ván rốn sơ sinh. Để bảo đảm vô trùng, BS Nguyễn Hữu Trung - Phòng khám Eva Hoàng Gia TP.HCM hướng dẫn: “Người thay băng rốn cho bé cần rửa tay bằng xà bông. Khi rốn chưa rụng, chỉ nên tắm vùng đầu và chân để giữ rốn khô, sau đó thay băng rốn (hiện nay có băng thun tiệt trùng). Nếu bé có các dấu hiệu: rốn chảy mủ hôi, có quầng đỏ xung quanh rốn… và các triệu chứng: bé ngủ li bì, không chịu bú, sốt cao hoặc hạ thân nhiệt… nên đưa bé đi bệnh viện điều trị ngay. Nếu rốn sạch, quá trình khô rốn đang diễn ra thì bôi thuốc sát trùng, thay gạc và băng rốn lại bằng băng thun. Quấn tã bên ngoài cho bé”. Cuống rốn sẽ rụng trong vòng chục ngày và lành hoàn toàn trong vòng nửa tháng.

Tai

Tai có lớp lông để ngăn bụi bặm từ bên ngoài xâm nhập vào ống tai bên trong. Lớp lông này di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, do đó mọi bụi bẩn, tế bào chết sẽ trở thành ráy tai nằm ngoài, dễ dàng bung ra. Các phụ huynh dùng tăm bông to ngoáy tai cho bé, vô tình đẩy chất cặn bã đi ngược vào trong, rất dễ gây nhiễm trùng tai trong. Đây là bệnh khó chữa. Vì vậy, BS Võ Quang Phúc - BV Tai Mũi Họng TP.HCM khuyên: “Khi bé có ráy tai nhiều, nên đưa bé đến chuyên khoa tai - mũi - họng để làm vệ sinh cho bé, người nhà không nên tự lấy ráy tai vì dễ làm tổn thương vùng niêm mạc mỏng manh này”.

Mũi

Với các bé dưới một tuổi, nên dùng khăn mềm lau mũi cho bé. Không nên dùng tăm bông ngoáy mũi bé, vì dễ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu... Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là điều mà các bác sĩ khuyên nên thực hiện để vệ sinh mũi cho bé sau khi đi chơi xa ở vùng ô nhiễm, đi bơi...

Khi bé bị sổ mũi, cần rửa mũi cho bé. Thuốc rửa mũi có nhiều loại phù hợp với lứa tuổi, mỗi tuổi một áp lực xịt khác nhau, ví dụ như thuốc dành cho trẻ sơ sinh dưới ba tuổi và thuốc dành cho trẻ trên ba tuổi. Nên dùng thuốc đúng tuổi, dùng sai sẽ hư tổn niêm mạc mũi của bé vì áp lực xịt quá mạnh. Khi rửa mũi cho bé, cần đặt bé ngồi, đầu hơi cúi xuống, để nước không gây sặc. Xịt xong một bên thì nhắc bé hỉ nhẹ ra rồi làm tiếp bên còn lại. Việc rửa mũi thường xuyên khi sổ mũi giúp bé dễ thở và mau hết bệnh.

Khoang miệng

Bé sau khi sinh nếu bú sữa mẹ thì lưỡi ít bị bám bợn và nấm, nhưng nếu bú sữa bình, lưỡi dễ bị đóng trắng, khiến bé đau đớn bỏ ăn. Để tránh trường hợp này, cần vệ sinh khoang miệng và lưỡi cho bé. Cho bé ngồi, dùng khăn sạch và mềm đã sát trùng bọc quanh ngón tay út, nhúng tay vào nước muối sinh lý, rơ một vòng từ lưỡi đến vùng trong hai má. Không đưa tay vào cuống lưỡi, vì dễ làm bé ói.

Khi bé lớn hơn, cần dạy bé đánh răng, súc miệng sạch để góp phần phòng bệnh vùng hầu họng. Súc nước muối sinh lý trước khi đi ngủ là thói quen tốt, nên tập cho bé.

BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyên: “Để tránh bệnh viêm họng, không nên cho bé ăn thức ăn có nhiệt độ nóng - lạnh thay đổi đột ngột. Cách ăn này làm cho niêm mạc vùng hầu họng không thích nghi kịp, bé dễ nhiễm bệnh”.

Bộ phận sinh dục

Bé trai khi vệ sinh, cần tuột da quy đầu để làm sạch dương vật bên trong. Rửa cho bé bằng nước ấm sau mỗi lần đi tiểu là tốt nhất, vì các loại xà bông, dù dành riêng cho bé, vẫn có thể gây kích ứng vùng niêm mạc còn mỏng manh. Khi bé lớn, cần hướng dẫn bé cách tự vệ sinh.

Với bé gái, cần vệ sinh vùng kín cho bé bằng nước ấm sau mỗi lần đi tiểu. Khi rửa, cần rửa từ mu đến phía sau hậu môn để vi trùng vùng hậu môn không có cơ hội xâm nhập. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước. Hạn chế sử dụng xà bông cho bé.

Tịnh An

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh/cham-soc-vung-sau-cua-be/a111849.html