Chậm do trì trệ

Trong phiên chất vấn sáng 15-6-2017, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng về tình trạng phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, giải ngân vốn chậm và đề nghị ông Dũng làm rõ trách nhiệm.

Đáp lại, ông Dũng quy lỗi tại Luật Đầu tư công mới có hiệu lực nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời thay cho Bộ trưởng Dũng rằng nguyên nhân gốc rễ gây chậm trễ trong phân bổ, giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia là do Bộ KH&ĐT, các bộ, các ngành đã làm chậm các hồ sơ giải trình ra Quốc hội để được thông qua chủ trương đầu tư.

Cần nhớ lại là Luật Đầu tư công đã có hiệu lực từ 1-1-2015, đến thời điểm này đã là hai năm rưỡi trôi qua nên không thể coi là mới mẻ nên gây ra nhiều bỡ ngỡ, trục trặc. Chưa hết, nếu điểm lại tin tức trên báo chí thì thấy tình hình chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành vấn đề nổi cộm, đã được nhận diện và “quyết liệt” xử lý từ Chính phủ trở xuống, nhất là kể từ năm 2016.

Chẳng hạn, ngày 8-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 (Tổ công tác) do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Đến ngày 21-6-2016, tổ này đã nhóm họp phiên đầu tiên. Tại đó, ông Huệ nhận định, giải ngân vốn đầu tư công đang thấp và đề nghị các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ giao vốn để bảo đảm tạo việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế. Ông Huệ cũng đề nghị các bộ rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn việc thực hiện đầu tư các dự án, đẩy mạnh việc giao vốn và kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư công, bảo đảm phát huy giá trị của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp đó, Chính phủ có Nghị quyết số 60/2016/NQ-CP ban hành hồi tháng 7-2016 và Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 2144/CĐ-TTg hồi tháng 10-2016 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, theo đánh giá của tổ công tác trên trong phiên họp ngày 23-12-2016, tiến độ giải ngân của năm tháng cuối năm 2016 đã nhanh hơn nhiều so với trước đó. Tuy nhiên, tại phiên họp, Bộ KH&ĐT cho biết một số bộ, ngành địa phương giải ngân vẫn còn chậm, đặc biệt là vốn trái phiếu chính phủ các dự án đã được giao nhiều năm nhưng chỉ đạt 53,3% kế hoạch, trong đó có một bộ và sáu địa phương mới giải ngân dưới 30% kế hoạch, 12 địa phương giải ngân 30-50% kế hoạch. Ông Huệ kết luận nguyên nhân của sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc trong hệ thống pháp luật, văn bản hướng dẫn, trong áp dụng và thực thi pháp luật, sự trì trệ của bộ máy, sự thiếu chuyên nghiệp, sự phối hợp chưa chặt chẽ của các bộ, ngành với nhau. Kết thúc phiên họp, tất nhiên là lại có một loạt giải pháp “đồng bộ” quen thuộc được đưa ra như đề nghị, đôn đốc, rà soát, tăng cường, tích cực, kiểm điểm nghiêm khắc (trước Thủ tướng), xử lý trách nhiệm cá nhân các cán bộ làm chậm việc giải ngân...

Nhưng rồi tình hình xem ra vẫn không tiến triển khả quan hơn là mấy khi sang năm 2017, nên vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành chủ đề “nóng” tại kỳ họp Quốc hội hiện nay. Nhìn lại những nhận định và kết luận của những cơ quan chức năng như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, và tổ công tác nêu trên trong suốt thời gian qua, điều có thể thấy rõ là nguyên nhân gây ra chậm trễ không phải là do Luật Đầu tư công mà là do nhiều lý do... đồng bộ như đã được chỉ ra, tất cả các bên liên đới, từ trên Chính phủ xuống đến địa phương, đều đóng góp một phần lỗi vào trong đó.

Nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề đó là sự thiếu vắng trách nhiệm. Điều quan trọng không kém là sự thiếu trách nhiệm này rất ít khi bị xử lý, dù Chính phủ cũng đã tạo ra đầy đủ công cụ pháp lý cũng như tổ chức và nhân sự để thi hành việc đôn đốc, thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Từ đây đặt ra thêm hai vấn đề liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Thứ nhất, Quốc hội từ nay về sau có lẽ không nên chất vấn nguyên nhân gây ra giải ngân vốn đầu tư công chậm nữa. Vì chắc chắn câu trả lời sẽ vẫn như đã được nghe đi nghe lại nhiều năm qua, tại cái a, b, c... mà không truy ra được bất kể một cá nhân hay cơ quan x, y, z nào đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật, thậm chí là truy tố. Thay vào đó, điều có ý nghĩa hơn mà Quốc hội có thể làm là bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ về chất lượng điều hành, xử lý các vấn đề lớn trong nền kinh tế.

Thứ hai, Quốc hội cũng cần (tiếp tục) kiên quyết hơn với Chính phủ, không vì áp lực phải giải ngân mà bỏ qua, châm chước, hay dễ dãi với những dự án lớn và những đề xuất liên quan của Chính phủ mà rất có thể đã bị lồng ghép vào đó lợi ích nhóm và những yếu tố gây bất lợi cho ngân sách và hiệu quả kinh tế, xã hội sau này. Một ví dụ loại này là việc chỉ định thầu trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với lý do thời gian gấp rút, tính chất phức tạp của dự án... để cho... kịp thời và hiệu quả!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161640/cham-do-tri-tre.html/