Chấm chung bát nước mắm có thể lây nhiễm khuẩn HP gây ung thư dạ dày

Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng, tiến triển thành ung thư dạ dày. Theo các chuyên gia, bệnh có thể điều trị được bằng kháng sinh, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh diệt HP rất đáng lo ngại… Lo ngại hơn, loại vi khuẩn này có ở trên mâm cơm mỗi nhà.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách đây 2 năm, anh Hùng (30 tuổi, ở Hà Nội) bỗng nhiên thấy buồn nôn, đau rát bỏng vùng thượng vị. Ban đầu, anh nghĩ chắc đau bình thường nên xoa dầu nóng “cho qua”. Nhưng tình trạng đau lẩm nhẩm khiến anh rất khó chịu, đêm ngủ cũng không thể nằm ngửa mà phải nghiêng người co quắp chân tay kéo dài. Ngày hôm sau, anh quyết định đi khám, nội soi dạ dày bằng gây mê. Kết quả, anh được chẩn đoán viêm loét niêm mạc dạ dày vì nhiễm vi khuẩn HP.

Tìm hiểu thông tin về loài vi khuẩn này, anh Hùng thấy rất nhiều người cũng mắc như anh, đường lây chủ yếu là qua ăn uống nên nhiều người trong gia đình hay lây nhau. Thấy thế, anh đề nghị gia đình cho ăn riêng, kể cả bát nước chấm, bát canh hay khẩu phần. Nhưng bố mẹ anh không đồng ý, cho rằng điều này trái với truyền thống gia đình và “nhìn không thuận mắt”. Một thời gian sau, bố mẹ anh Hùng đi khám sức khỏe tổng quát và bất ngờ cho kết quả, cả nhà đều bị nhiễm vi khuẩn HP.

Theo TS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), HP là vi khuẩn sống trong dạ dày, có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng. Theo một nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP tại Việt Nam, ở Hà Nội cứ 1.000 người dân thì có khoảng 700 trường hợp có thể nhiễm vi khuẩn HP; còn ở TPHCM, khoảng 90% số người bị viêm dạ dày có vi khuẩn HP.

Dựa vào các nghiên cứu dịch tễ, cơ quan nghiên cứu về ung thư trên thế giới xếp HP như là nhóm 1. Điều đó có nghĩa là, HP được xác định là nguyên nhân hàng đầu có thể gây ung thư dạ dày. Đồng tình quan điểm này, chia sẻ bên lề Hội nghị quốc tế “Tiêu hóa - gan mật” tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai vào cuối tuần qua, GS Hidemi Goto - Trưởng khoa Tiêu hóa-Gan mật, Bệnh viện Đại học Nagoya (Nhật Bản) cho hay, có mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh nhân mắc khuẩn HP và bệnh ung thư dạ dày. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư đại tràng, ung thư dạ dày hoặc các bộ phận tiêu hóa khác cao hơn người bình thường. Tương tự, những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP sau khi được tiêu diệt, loại bỏ khuẩn này thì khả năng khỏi bệnh về đường tiêu hóa hoặc nguy cơ mắc ung thư thấp hơn.

Nhật Bản được biết đến là nước có tỷ lệ ung thư dạ dày và nhiễm khuẩn HP thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Theo GS. Goto, một trong những nguyên nhân là do người Nhật có thói quen sử dụng thức ăn nhiều muối nên nhiều ca bệnh bị viêm loét dạ dày, sau đó tiến triển ung thư dạ dày. Thông tin từ TS Vũ Trường Khanh cho thấy, trước đây người Nhật Bản ăn mỗi ngày khoảng 20g muối trong thời gian dài, nay mức này đã giảm xuống còn khoảng 5-6g. Trong khi đó ở châu Âu và nước Mỹ, người dân chủ yếu sử dụng thực phẩm là thịt nên số ca mắc ung thư đại tràng nhiều hơn.

Lý giải về tình trạng nhiều người dân mắc khuẩn HP và đặc biệt là hay tái diễn, TS Vũ Trường Khanh cho biết, khuẩn HP được cho là lây qua đường tiêu hóa. Trong một gia đình, môi trường có nhiều người mắc thì nguy cơ xác suất những người còn lại có thể mắc. Thêm vào đó, chế độ ăn uống, sinh hoạt của người Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền khuẩn HP.

Theo Gia đình xã hội

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/cham-chung-bat-nuoc-mam-co-the-lay-nhiem-khuan-hp-gay-ung-thu-da-day-59635.html