Cha mẹ có yêu con không... đều?

Mẹ hay xưng 'tôi' với Thanh, mà lúc nào cũng xưng 'mẹ' ngọt ngào với Mỹ. Cho đến bây giờ, khi lấy chồng, ra ở riêng rồi, nghĩ về mẹ, Thanh vẫn không thôi ấm ức.

Minh họa: Văn Nguyễn

Thực ra cô cũng hiểu, chính sự khắt khe của mẹ với cô đã làm nên một Thanh đảm đang, tháo vát, tự lập, biết ổn định cuộc sống như ngày hôm nay. Nhưng không hiểu sao, cô vẫn luôn ganh tị, luôn thành kiến khi nghĩ về sự chiều chuộng của mẹ với đứa em gái…

Nhà có ba chị em, anh trai lớn thì không kể đến, vì là cháu đích tôn, nghiễm nhiên anh được cả nhà, cả họ đặt cho một vị trí, một trọng trách đặc biệt, luôn được ưu tiên và xếp vào diện dành cho những “công to việc lớn”.

Mà thật ra Thanh cũng chẳng biết đó là việc gì, chỉ biết từ nhỏ anh đã được ba mẹ tập trung lo cho từ chuyện học hành, chuyện ăn uống, đến việc ngủ nghỉ vui chơi, lớn lên thì lo chạy việc, lo cưới vợ, nhất nhất theo sắp đặt, cái gì cũng lễ to tiệc đầy… Còn Thanh thì thôi là việc “vặt”.

Thanh hơn Mỹ - cô em gái, có 2 tuổi, nhưng cô em luôn là “bé bỏng”, không phải làm gì, tất tật việc nhà mẹ giao cho Thanh. Hồi còn ở quê, thì chuyện cơm nước, đi mua mắm muối, vớt bèo nấu cám, nắm than (ngày còn đun than, phải nhào bùn với than rồi trộn, nắm thành nắm đem phơi, vừa mỏi tay vừa đen nhẻm các móng tay, móng chân), gánh nước, tưới rau… cứ liên miên suốt cả ngày, có cầm đến quyển sách học bài cũng bị mẹ la. “Học hành cái gì, nhà này chỉ anh cả học là đủ rồi, thời gian đấy để giúp tôi”. Mẹ hay xưng “tôi” với Thanh, mà lúc nào cũng xưng “mẹ” ngọt ngào với Mỹ.

Mỹ không phải làm gì, thỉnh thoảng có ngồi gấp đồ, rửa bát thì mẹ lại ngó quanh, “con Thanh đâu, để em làm một mình à, chị lớn mà chẳng được tích sự gì”. Cái “tích sự” ở đây là mẹ chê Thanh không biết nhanh nhẹn, đanh đá như mấy đứa con nhà bà Bảy.

Mấy đứa đó đi ra bến tàu quét than quét gạo vãi, còn biết chọc thủng bao tải hàng của người ta mà ăn cắp gạo ngon mang về; thời bao cấp, đi mua gạo, mua thịt, chúng nó không cần xếp hàng mất ngày mất buổi, mà biết chen ngang, ăn gian chả ai bằng. Thanh thì chỉ được việc nhà, nhưng làm suốt ngày vẫn bị mẹ bảo là “không được tích sự gì”.

Chưa kể, thỉnh thoảng có gì sai sót, như lần lỡ tay tra nhầm chai dầu luyn vào món xào vì tưởng là xì dầu, hay lần ủi cái áo của ba bị cháy một vết vì chiếc bàn ủi than quá nóng, Thanh bị mẹ la mắng, đánh đòn, tội bị nhắc đi nhắc lại. Khách khứa đến nhà chỉ nghe mẹ khen Mỹ, nào tình cảm, nào nhỏn nhẻn ngọt ngào dễ thương, còn Thanh thì bị kể hết lỗi này đến lỗi kia. Mẹ đi chùa, đi chơi thăm ai cũng cho Mỹ theo, Thanh thì ở nhà với bao nhiêu việc mẹ giao.

Lớn, lấy chồng, mẹ cũng cho Mỹ của hồi môn nhiều, còn Thanh thì chỉ là thủ tục. Lý do của mẹ thật lạ: vì con Mỹ lấy chồng nhà giàu, phải cho nó nhiều để người ta không khinh nhà mình! Còn Thanh thì “cái gì nó chẳng biết làm, lo gì đói”, nên cho ít. Hai vợ chồng Thanh chịu khó, nên kinh tế cũng tạm ổn, dù không giàu có bằng vợ chồng Mỹ.

Chắc cũng bởi thế, nên Mỹ nhờ việc gì mẹ cũng đến, cũng giúp, họ hàng bên nội của Mỹ mẹ cũng làm thân; trong khi Thanh chẳng dám cất tiếng nhờ mẹ việc gì vì thế nào bà cũng kêu ca phàn nàn, nhiều lần từ chối.

Thanh vẫn thường tự hỏi tại sao mẹ lại đối xử với mình khác với Mỹ? Có phải vì Mỹ xinh xắn và dẻo miệng từ nhỏ, hay như có lần mẹ xem bói, người ta nói “con gái út mới mang may mắn cho nhà bà”…

Lần đó, nghe mẹ trò chuyện với người bạn thân, Thanh đã chạnh lòng. Đến khi làm mẹ, Thanh lại thêm một lần thắc mắc, vì với cô, không thể nói rằng cô yêu con trai hay con gái mình hơn được.

Hạ Minh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/cha-me-co-yeu-con-khong-deu-769615.html