Cha đẻ máy bay made in Vietnam: Giấc mơ...lưu kho?

Bản thân ông Hiển không đủ năng lực tài chính để có thể đáp ứng cho các yêu cầu về việc kiểm nghiệm động cơ của chiếc máy bay Giấc Mơ.

Phát sinh thêm yêu cầu

Qua 2 tháng bay thử thành công với các loại hình, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) vẫn đang loay hoay với các giấy tờ, thủ tục để xin bay thử tại sân bay và đăng ký bản quyền sáng chế khoa học.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 3/11, ông Hiển cho biết: "Hiện tại tôi đang vô cùng chán nản, vừa qua có xin ý kiến bên Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương về các thủ tục xin bay thử và đăng ký, thì cũng được cho xem các giấy tờ cần hoàn thiện.

Các cơ quan này cũng nói rõ cứ có đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu có trong quy định thì sẽ được cấp phép.

Thế nhưng, điều đáng nói, nếu làm theo đúng yêu cầu của hồ sơ thì có lẽ tôi không thể làm được, với tiềm lực kinh tế của một người nông dân chính gốc. Những ngày tháng qua, tôi dùng hết số tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng để mua xăng tập lái máy bay còn không đủ, nói gì đến bỏ số tiền lớn hàng tỷ đồng".

Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc máy bay Giấc Mơ của mình

Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc máy bay Giấc Mơ của mình

Cụ thể, chia sẻ rõ hơn, theo ông Hiển, yêu cầu cụ thể của việc đăng ký là với 4 bộ phận quan trọng của máy bay là động cơ, đĩa điều khiển và 2 cùng cánh lớn và nhỏ, tất cả đều phải có giấy tờ nhập khẩu rõ nguồn gốc, giấy tờ kiểm nghiệm kỹ thuật khẳng định hệ số an toàn đạt 1.5 thì mới được. Thay vì bay 100kg, thì bây giờ kiểm nghiệm phải được 150kg.

Điều đáng nói, hiện tại, Việt Nam chưa có đơn vị nào kiểm nghiệm được mà phải đem ra nước ngoài, gần nhất là Đài Loan, còn không thì phải mang sang Nhật Bản.

Một phương án khác được đưa ra, đó là sang nước ngoài mua luôn động cơ đã được kiểm nghiệm rồi, mà giá thành của các động cơ này, nếu đầy đủ cả 4 máy móc trên dự khoảng 1 tỷ đồng. Sau đó, về chỉ việc lắp vào, dĩ nhiên sẽ phải làm một chiếc máy bay khác, rồi kiểm nghiệm khung sườn, việc này thì ĐH Bách Khoa có thể làm được.

"Hiện nay, các cơ quan chức năng ban ngành không làm khó gì, nhưng các thủ tục đăng ký phải đầy đủ thì mới làm được, nước ngoài cũng yêu cầu như vậy. Khó khăn là ở chỗ, VN chưa có máy bay trực thăng này để kiểm nghiệm, nên không có đơn vị kiểm nghiệm dòng này.

Mà muốn mang các thiết bị này sang nước ngoài kiểm nghiệm thì phải xin giấy Bộ Công thương cho tạm xuất tái nhập, nhưng giá tiền bỏ ra để vận chuyển đi lại cũng quá tội tiền mua thiết bị mới. Những việc này không khác gì đánh đố, bản thân tôi thấy vô cùng chán nản", ông Hiển chia sẻ thêm.

Sẽ đẩy lưu kho, chỉ cần nhân dân biết

Ở góc độ khác, theo chia sẻ của ông Hiển, bản thân ông cũng mới làm xong thủ tục gia nhập vào CLB hàng không, để có thời gian học hỏi về cách lái, cũng như học thêm kỹ thuật sáng chế.

"Kể cả dù không được bay thử, không được đăng ký, nhưng thời gian qua rảnh rỗi nên tôi vẫn hoàn thiện thêm cho chiếc máy bay. Hiện tại, tôi đã làm lại hệ thống điều khiển bằng thủy lực, bay rất ổn, trước đây, cần điều khiển rất rung, giờ thì bay có thể thả tay ra.

Thế nhưng, với các đòi hỏi cao như này, chắc tôi cho lưu kho, chỉ cần nhân dân biết tôi đã bay được cũng đủ rồi, chứ lấy đâu ra tiền mà làm mấy thủ tục đó?

Nói chung khó khăn cứ chồng lên khó khăn, phương án nào cũng khó, nên tôi cũng xác định tâm lý", ông Hiển tâm sự.

Một thông tin khác, được nhà sáng chế trên tiết lộ, đáng lẽ muốn cho khoa học phát triển, thì nhà nước cần có các cơ chế thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho họ phát triển tư duy, chứ không nên kìm hãm như hiện nay.

Riêng với bản thân ông Hiển, thì ông vẫn sẽ chờ đợi, chờ xem các cơ quan chức năng có tạo điều kiện, đưa cơ chế thoáng hơn để ông có thể hoàn thiện được chiếc máy bay Giấc Mơ của mình.

"Tôi đặt chiếc máy bay này tên là Giấc Mơ cũng vì bản thân không tin có thể được hoàn thành và trở thành một công trình khoa học. Nhưng ai cũng có quyền mơ và mong muốn thành hiện thực, tôi cũng vậy.

Nếu chúng ta cứ mãi mãi dừng lại ở mức vì chưa ai làm, nên không dám thử thì sẽ chẳng bao giờ phát triển được, đặc biệt với khoa học sáng chế", ông Hiển nghẹn ngào.

Video bay thành công của kỹ sư Bùi Hiển:

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/su-kien/cha-de-may-bay-made-in-vietnam-giac-moluu-kho-3322265/